Đắk Lắk: Sử dụng trí tuệ nhân tạo khi giải quyết thủ tục hành chính
Đắk Lắk đang thí điểm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khi giải quyết thủ tục hành chính ở một số phường.
Ngày 20-7, trao đổi với PLO, ông Trần Công Hữu, Phó Chủ tịch UBND phường Ea Kao, tỉnh Đắk Lắk, cho biết phường đang áp dụng thí điểm sử dụng công nghệ AI để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức trong thực hiện thủ tục hành chính công.

Ông Trần Công Hữu (đứng), Phó Chủ tịch UBND phường Ea Kao, trao đổi về các thủ tục hành chính với người dân. Ảnh: VŨ LONG
Chia sẻ với phóng viên, bà H’Hoa Niê Kđăm (ngụ phường Ea Kao) cho biết bà đã nhiều lần đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Ea Tam, nay là phường Ea Kao để thực hiện thủ tục về đất đai. Nhưng lần này, các thủ tục liên quan được thực hiện nhanh hơn.
“Cán bộ phường Ea Kao đang sử dụng trí tuệ nhân tạo nên các thủ tục hành chính cũng được giải quyết nhanh hơn” - bà H’Hoa Niê Kđăm cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Long (ngụ cùng địa chỉ) cho biết việc áp dụng trợ lý AI thì các thủ tục, làm hồ sơ và không cần cán bộ trực tiếp chỉ dẫn, đơn giản mà không mất nhiều thời gian.
Theo ông Trần Công Hữu, phường Ea Kao là một trong ba đơn vị (gồm cả phường Tân Lập và phường Tân An) được chọn là nơi thí điểm sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) do VNPT và Viettel triển khai đã rút ngắn thời gian để tra cứu, giúp cho công chức thuận lợi hơn trong tra cứu thông tin dữ liệu của cá nhân đến làm thủ tục hành chính.

Cán bộ ở phường Ea Kao hỗ trợ người dân làm các thủ tục hành chính. Ảnh: VŨ LONG
Trong thời gian tới, phường Ea Kao sẽ tận dụng tối đa những lợi thế mà công nghệ mang lại.
“Chúng tôi sẽ đưa nội dung sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính công vào văn kiện Đại hội Đảng bộ phường trong thời gian tới. Phấn đầu đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Ea Kao trở thành trung tâm hành chính công kiểu mẫu của tỉnh Đắk Lắk” - ông Trần Công Hữu nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Đức Nhật, Chủ tịch UBND phường Tân Lập, cho biết: “Với hai trợ lý ảo phục vụ cán bộ công chức và người dân, cùng với hai hệ thống báo cáo, giám sát điều hành hai cấp và một nhóm Zalo chỉ đạo điều hành, chính quyền địa phương với bộ máy mới, con người mới sẽ tiếp cận nhanh hơn với công việc, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử”.
Mỗi ngày có cán bộ làm việc tận 10 giờ
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết trong vòng nửa tháng (tính từ thời điểm bắt đầu hoạt động chính quyền hai cấp), đơn vị đã tiếp nhận và xử lý hơn 1.600 hồ sơ.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Buôn Ma Thuột. Ảnh: HƯƠNG GIANG
Trong đó lượng hồ sơ nhiều nhất thuộc lĩnh vực hộ tịch với 531 hồ sơ; hồ sơ thành lập và hoạt động doanh nghiệp (hộ kinh doanh) là 384 hồ sơ; bảo trợ xã hội 389 hồ sơ; lĩnh vực đất đai 176 hồ sơ, hoạt động xây dựng 36 hồ sơ và chứng thực 144 hồ sơ,…
Theo bà Nguyệt, để giải quyết hồ sơ kịp thời cho nhân dân, doanh nghiệp có cán bộ công chức của phường đã làm việc hơn 10 giờ/ngày.
“Dù còn không ít những khó khăn nhưng chúng tôi luôn cố gắng giải quyết nhanh chóng, hạn chế tối đa việc người dân phải đi lại nhiều lần; giảm thiểu và phấn đấu không còn để hồ sơ trễ của người dân và doanh nghiệp” - bà Nguyệt cho hay.