Đảm bảo an toàn hồ, đập trong mùa mưa bão

Công nhân Trạm thủy nông Suối Vực tra dầu mỡ hệ thống cáp vận hành cửa tràn xả lũ. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão sắp tới, các đơn vị đang khẩn trương gia cố, sửa chữa hồ, đập; đồng thời sẵn sàng các phương án ứng phó mưa lũ tại các hồ chứa.

Thống kê từ Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh có 100 hồ chứa, đập thủy lợi lớn nhỏ. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi này trong mùa mưa bão luôn được các đơn vị quản lý đặc biệt quan tâm thực hiện, nhất là trước mùa mưa bão hàng năm.

Khẩn trương sửa chữa, gia cố các hạng mục

Theo Sở NN-PTNT tỉnh, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra, đánh giá 50 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh, qua đó không có hồ chứa xung yếu, tất cả các hồ thủy lợi đều đang vận hành tốt. Hiện các hồ chứa nước lớn có cửa xả đều được đơn vị quản lý khai thác lập phương án bảo vệ công trình, ứng phó ngập lụt vùng hạ du và phương án ứng phó tình huống khẩn cấp được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Là đơn vị quản lý phần lớn các hồ đập thủy lợi lớn của tỉnh, năm nay, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cũng triển khai công tác sửa chữa, gia cố các hồ đập từ sớm. Tại hồ Suối Vực (huyện Sơn Hòa), những ngày qua, đơn vị quản lý hồ đang gia cố mái hạ lưu đập. Ông Lê Thành Văn, Trưởng Trạm thủy nông Suối Vực (huyện Sơn Hòa) cho biết: Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 700ha lúa hai vụ và 90ha mía, thì hồ chứa nước Suối Vực còn có chức năng điều tiết và thoát lũ. Thời điểm này, các chỉ số của hồ cơ bản đảm bảo. Cửa tràn thông thoáng, thoát lũ an toàn; van điều tiết nước vận hành tốt. Tuy nhiên, mái hạ lưu xảy ra hiện tượng sụp lún, thiếu rãnh thoát nước dọc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Để khắc phục vấn đề này, đơn vị đang cho đắp đất tại những vị trí sụp lún và thi công các rãnh thoát nước dọc, ngang của mái hạ lưu đập. Đồng thời cho công nhân tra dầu mỡ toàn bộ hệ thống xích, bánh răng cửa tràn xả lũ…

Ông Nguyễn Văn Nhành, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cho biết: Công ty đang khai thác, vận hành 7 hồ chứa lớn của tỉnh. Trong đó, hồ chứa nước Đồng Tròn (huyện Tuy An) và Phú Xuân (huyện Đồng Xuân) có dung tích hơn 10 triệu m3, điều tiết bằng hình thức xả sâu nên đơn vị đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo an toàn công trình và phòng chống lụt bão ở các hồ chứa này. Đến thời điểm này, tất cả các trạm đều đã hoàn thành công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa các vị trí hư hỏng, phát dọn, khai thông dòng chảy…

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của tỉnh, Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang nâng cấp và sửa chữa nhiều hạng mục hồ Hóc Răm (huyện Tây Hòa). Hiện nhà thầu tập trung 20 công nhân và nhiều thiết bị để gia cố mái thượng lưu đập bằng tấm bê tông cốt thép. Đây là hạng mục quan trọng mang tính quyết định đến việc bảo đảm an toàn của hồ Hóc Răm trong mùa mưa bão năm nay nên được ưu tiên thực hiện trước, các hạng mục cải tạo và mở rộng tràn xả lũ, cống lấy nước và đường quản lý vận hành sẽ được triển khai sau mùa mưa năm nay. Theo Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đơn vị cũng đang nâng cấp gia cố nhiều hạng mục khác tại các hồ Phú Xuân (huyện Đồng Xuân), hồ Đồng Tròn (huyện Tuy An), hồ Đồng Khôn, hồ Hòn Dinh (TX Đông Hòa), hồ Giếng Tiên (huyện Sơn Hòa) với tổng kinh phí thực hiện khoảng 120 tỉ đồng.

Chủ động các phương án ứng phó

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn hồ đập, các đơn vị quản lý hồ cũng đã chủ động xây dựng phương án ứng phó thiên tai trong từng tình huống cụ thể. Ông Phan Hồng Lam, Trưởng Trạm thủy nông Đồng Tròn (Tuy An) cho biết: Hồ này được xây dựng trên suối Cay thuộc xã An Nghiệp với diện tích lưu vực gần 70km2. Trong những năm vừa qua, công ty đã đầu tư thay mới cửa van phẳng thượng lưu, 3 cụm xích nâng hạ cửa van, cáp thép, sửa chữa thiết bị quan trắc thấm hồ… đảm bảo vận hành trong các tình huống cần xả lũ khẩn cấp trong mùa mưa bão sắp tới. Hiện đơn vị chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị, máy phát điện dự phòng… sẵn sàng vận hành trong mọi điều kiện để đảm bảo an toàn cho hồ.

Cũng theo ông Lam, hiện mực nước tích tại hồ Đồng Tròn rất ít, thấp dưới mực nước chết nên khả năng đơn vị sẽ phải tính toán tích nước từ trong lũ để đảm bảo đủ nước tưới cho các vụ sản xuất tới. Vì vậy, trạm phải xây dựng các phương án xử lý trong các trường hợp xảy ra lũ lớn trên lưu vực hồ, tích cực theo dõi, bám sát tình hình nước về hồ để có những dự báo từ sớm, chủ động cho công tác phòng chống.

Tương tự, tại hồ chứa nước Xuân Bình, dựa trên thực trạng của hồ và các điều kiện thời tiết, thủy văn trong khu vực, ban quản lý hồ này cũng đã xây dựng phương án ứng phó, phương án sơ tán người và tài sản cụ thể cho những tình huống có thể xảy ra như lún sụt, sạt lở tại khu vực đập, xuất hiện mạch sủi tại khu vực mái hạ lưu, vai phải đập hay tình huống nguy cấp vỡ đập hồ Xuân Bình…

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/266278/dam-bao-an-toan-ho-dap-trong-mua-mua-bao.html