Đảm bảo doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường
Việc xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.
Sáng 23/11, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, việc xây dựng Luật nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế; kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành tại Luật số 69/2014/QH13; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Dự thảo Luật gồm 8 chương và 62 điều. Về quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, dự thảo Luật xác định rõ nội dung quản lý vốn Nhà nước; quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý vốn thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, thực hiện các quyền hạn, nghĩa vụ như một nhà đầu tư và bình đẳng như các nhà đầu tư khác. Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền về công tác nhân sự, chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm và phân phối lợi nhuận theo thẩm quyền nhà đầu tư vốn tại doanh nghiệp.
Về nguyên tắc, thứ tự phân phối lợi nhuận sau thuế, Chính phủ đề xuất trích không quá 50% vào quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, việc quản lý và sử dụng quỹ này thực hiện theo quy định của Chính phủ. Phần còn lại sau khi sử dụng, trích lập các quỹ theo quy định, doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước.
Theo phương án này, ước tính số nộp ngân sách Nhà nước từ nguồn lợi nhuận, cổ tức được chia sẽ giảm khoảng 19.847 tỷ đồng/năm (theo số quyết toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội phê chuẩn với tổng số nộp ngân sách từ cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp là 69.463 tỷ đồng) và doanh nghiệp được sử dụng nguồn này theo quy định của Chính phủ.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (viết tắt là Luật số 69).
Ủy ban TCNS nhận thấy, quy định của dự thảo Luật sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); đảm bảo DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp.
Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành với quan điểm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gắn với phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp; tách bạch, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số nội dung tại dự thảo Luật chưa thực sự bảo đảm đúng quan điểm này, vẫn hạn chế quyền can thiệp vào quản trị doanh nghiệp và cần được tiếp tục sửa đổi để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc hiện nay.
Cơ thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động kỹ hơn, làm rõ tính khả thi của chính sách, thủ tục hành chính phát sinh; tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý; hoàn thiện, bổ sung đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.