Đảm bảo nguyên tắc Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp
Đảm bảo nguyên tắc Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp cũng như nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đây là ý kiến của đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước khi góp ý vào nôi dung: về quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi)
Đại biểu nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát và hoàn thiện hơn các quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp; các quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát, quy định về kiểm soát nội bộ để phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, các chủ thể.
Tại khoản 1 Điều 41 dự thảo luật có quy định là quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc phạm vi quản lý sẽ quyết định chọn đơn vị kiểm toán độc lập trong trường hợp cần thiết để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo cũng phải nghiên cứu làm rõ quy định là trường hợp cần thiết vì hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính được thực hiện hằng năm. Do vậy, không cần thiết là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn phải quyết định chọn đơn vị kiểm toán độc lập, việc này nên phân cấp cho Hội đồng thành viên và quy định thời gian thay đổi đơn vị kiểm toán độc lập để đảm bảo tính khách quan trong hoạt động kiểm toán độc lập.
Về các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn, dự thảo luật quy định “Doanh nghiệp không được góp vốn cùng với công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn” là nhằm hạn chế việc sở hữu chéo, đầu tư khống của các doanh nghiệp mới thành lập không tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chỉ góp trên sổ sách và chiếm dự án, chuyển dự án. Tuy nhiên, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, quy định như trong dự thảo luật sẽ hạn chế điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động nhiều năm, đã khấu hao, thu hồi vốn đầu tư từ các dự án trước đây, nay có nguồn tiền, có năng lực và kinh nghiệm. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể về những điều kiện, về thời gian hoạt động hoặc các điều kiện để hạn chế việc sở hữu chéo, đầu tư khống của các doanh nghiệp mới thành lập không tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ góp vốn trên sổ sách và chiếm dự án. Luật không nên hạn chế hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp đã hoạt động hiệu quả nhiều năm, đã thu hồi vốn đầu tư có tích lũy.
Đại biểu nêu thực tế hiện nay các dự án nhóm A quy định tại Luật Đầu tư công có nhiều tổng mức đầu tư khác nhau, tùy thuộc vào lĩnh vực đầu tư và như vậy sẽ khó có thể xác định được mức vốn thuộc thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn khi quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định nội dung đầu tư bổ sung vốn tại điểm b khoản 1 Điều 28 để đảm bảo tính phù hợp, khả thi và minh bạch. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh quy định cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 29 dự thảo luật để đảm bảo được tính tương thích.
Về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh khoản 3 Điều 36 theo hướng tăng thời gian chuyển giao phù hợp với thời điểm lập báo cáo tài chính quý, năm. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng quy định: “Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao thì các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn như: kiểm kê tài sản, lao động, lập báo cáo tài chính tại thời điểm chuyển giao để xác định vốn chuyển giao trong thời gian 15 ngày” là không đảm bảo đủ thời gian thực hiện các nội dung công việc nêu trên.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo rà soát các quy định và làm rõ hơn về việc trích lập, sử dụng điều chuyển số dư quỹ, thẩm quyền và mức trích quỹ, sử dụng quỹ của quỹ đầu tư phát triển để tại các doanh nghiệp, nhằm phát huy nguồn lực của quỹ cho phát triển doanh nghiệp và định hướng đầu tư nắm giữ vốn, mở rộng quy mô vốn của nhà nước đối với doanh nghiệp hoặc lĩnh vực nhà nước cần chi phối.
Về giải thể doanh nghiệp, tôi đề nghị ban soạn thảo phải làm rõ quy định tại khoản 4 Điều 38 về quyền lợi của các cổ đông, thành viên góp vốn khác ngoài nhà nước trong trường hợp giải thể doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước dưới 100% vốn điều lệ cho tương thích và phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang
Đối với tiêu chuẩn của người đại diện chủ sở hữu vốn, thực tế hiện nay có rất nhiều người đại diện phần vốn nhà nước tại các tổng công ty, tập đoàn nhà nước có kiêm nhiệm là người quản lý tại các công ty con, cho nên tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu quy định này theo một lộ trình để phù hợp hơn trong việc thực hiện tiêu chuẩn của người đại diện chủ sở hữu vốn được quy định tại khoản 6 Điều 43 dự thảo luật.