'Dân vận khéo' gỡ nút thắt trong giải phóng mặt bằng

Giải phóng mặt bằng (GPMB) vốn là công việc khó khăn trong quá trình triển khai các dự án. Vấn đề này liên quan đến nhiều người và thường nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp. Tại phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội), những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân nên 100% hộ dân thuộc diện GPMB tự nguyện chấp hành, không có trường hợp phải cưỡng chế.

Chia sẻ với chúng tôi về những việc đã làm được trong công tác GPMB, ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết: “Năm 2020, phường thực hiện GPMB 10 dự án chuyển tiếp với tổng diện tích 45ha, 392 hộ đất ở, 487 hộ đất nông nghiệp... Trong đó, riêng năm 2020 đã lập phương án bồi thường hỗ trợ đất ở 116 hộ, tiếp nhận mặt bằng thực hiện dự án 113 hộ; di dời, đền bù 54 ngôi mộ; phê duyệt, chi trả tiền đền bù đất nông nghiệp cho 39 hộ... Tổng kinh phí chi trả đền bù hỗ trợ GPMB năm 2020 ở phường Ngọc Thụy là 143 tỷ đồng. Qua nhiều năm thực hiện công tác GPMB, chưa có trường hợp nào phải cưỡng chế, không có đơn thư khiếu kiện tập thể, phức tạp, kéo dài. Công tác GPMB cơ bản đạt tiến độ quận Long Biên đề ra, chỉ có một số ít trường hợp bị chậm tiến độ do phải xin cơ chế, chính sách từ thành phố”.

Người dân bị thu hồi đất để thực hiện một số dự án tại phường Ngọc Thụy đã có cuộc sống ổn định tại Khu tái định cư Ngọc Thụy-Thượng Thanh.

Người dân bị thu hồi đất để thực hiện một số dự án tại phường Ngọc Thụy đã có cuộc sống ổn định tại Khu tái định cư Ngọc Thụy-Thượng Thanh.

Có mặt tại Khu tái định cư Ngọc Thụy-Thượng Thanh nằm trên địa bàn phường Ngọc Thụy, chúng tôi ghi nhận, nhiều căn nhà, biệt thự mới khang trang đã và đang được xây dựng. Con đường nội bộ trong khu tái định cư rộng cả chục mét, hai bên đường được lắp đèn cao áp, vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp. Tại một lô đất rộng 54m2 trong khu tái định cư, ông Đặng Ngọc Thắng, hộ khẩu tổ 12, phường Ngọc Thụy, đang hoàn thiện nội thất trong căn nhà 3 tầng được xây dựng từ cuối tháng 11-2020. Ông Thắng cho biết: “Căn nhà hai tầng cũ của gia đình tôi nằm trong diện phải GPMB để phục vụ dự án xây dựng tuyến đường 40m nối đường Nguyễn Văn Cừ đến hết Khu tái định cư phường Ngọc Thụy. Ban đầu, khi nhận được thông tin toàn bộ diện tích nhà ở và đất vườn rộng 139m2 bị thu hồi, gia đình tôi rất lo lắng với nhiều câu hỏi đặt ra: Liệu chúng tôi có được đền bù thỏa đáng, đúng cơ chế chính sách không? Nơi ở mới có tốt không? Bao giờ mới ổn định cuộc sống?... Sau khi được cán bộ phường tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, cho chúng tôi tiếp cận với các văn bản, chủ trương liên quan đến việc thu hồi đất, gia đình tôi đã hiểu và yên tâm chấp thuận theo phương án GPMB. Tổng số tiền mà gia đình tôi được bồi thường, hỗ trợ là 1,1 tỷ đồng, số tiền phải nộp khi được bố trí 54m2 đất tái định cư là 647 triệu đồng”.

Dẫn chúng tôi tham quan dự án xây dựng tuyến đường 40m nối đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư phường Ngọc Thụy, ông Nguyễn Hữu Thanh, cán bộ địa chính phường Ngọc Thụy kể lại: “Ban đầu, khi triển khai dự án nhiều hộ dân không đồng ý với mức giá đền bù của Nhà nước. Một số người không muốn chuyển đến nơi ở mới... Hiểu được tâm lý của người dân, chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ thông tin về quy hoạch, giải tỏa đền bù, thông tư, nghị định và các hướng dẫn của cấp trên để vận động, giải thích tới từng người dân. Có những trường hợp chúng tôi đến tận nhà cả chục lần để tuyên truyền, giải thích cặn kẽ từng thắc mắc. Khi người dân hiểu rõ trường hợp của mình được đền bù, hỗ trợ đúng với chủ trương pháp luật thì mọi chuyện dễ dàng hơn. "Mưa dầm thấm lâu", đến nay công tác GPMB của dự án đạt khoảng 90%. Dự kiến trong năm 2021, dự án sẽ hoàn thành công tác GPMB, đạt kế hoạch đề ra”.

Chia sẻ về kinh nghiệm và cách làm của địa phương mình, ông Nguyễn Quốc Văn cho biết: “Trước tiên, cán bộ tuyên truyền phải có năng lực, trình độ, được trang bị đầy đủ kiến thức, am hiểu các chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước để giải đáp mọi ý kiến thắc mắc của người dân và kịp thời đề xuất hướng giải quyết những vướng mắc phát sinh. Quá trình triển khai phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật, không để xuất hiện lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Mình có làm đúng thì nói người dân mới nghe. Đặc biệt, chúng tôi luôn chú trọng và đề cao công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với người dân. Lãnh đạo phường trực tiếp đi hiện trường gặp gỡ người bị thu hồi đất để tuyên truyền, vận động và báo cáo những khó khăn với cơ quan cấp trên. Bên cạnh sự vào cuộc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường và các tổ chức đoàn thể, đôi khi lực lượng tuyên truyền của chúng tôi lại chính là người dân. Người đã hiểu và chấp hành tuyên truyền, vận động những người chưa hiểu. Các dự án được phân loại cụ thể để đưa ra hướng tuyên truyền phù hợp. Năm 2021, ngoài 10 dự án chuyển tiếp, phường sẽ triển khai GPMB đối với 4-5 dự án mới. Đến thời điểm này, phường đã triển khai kế hoạch thực hiện chủ đề “Năm dân vận khéo, trọng tâm là công tác GPMB” của quận Long Biên tới từng tổ dân phố. Tổ chức đăng ký thực hiện dân vận khéo trong công tác GPMB, giao nhiệm vụ cụ thể tới từng tổ dân phố”.

Bài và ảnh: TUẤN THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dan-van-kheo-go-nut-that-trong-giai-phong-mat-bang-653018