Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII đã khẳng định: 'Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển… Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)'.

Bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An và quân y BĐBP Nghệ An khám bệnh, tư vấn phòng chống bệnh cho đồng bào dân tộc Đan Lai. Ảnh: CTV

Bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An và quân y BĐBP Nghệ An khám bệnh, tư vấn phòng chống bệnh cho đồng bào dân tộc Đan Lai. Ảnh: CTV

Đây là một trong các biểu hiện cụ thể, sinh động thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong những năm qua đã được triển khai thực hiện một cách bài bản, hoàn chỉnh trên đầy đủ các lĩnh vực nhằm xây dựng, phát triển cuộc sống mọi mặt của đồng bào các DTTS. Trong đó, việc quan tâm chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS luôn được coi trọng.

Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi vấn đề dân tộc, công tác dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua nhiều kỳ Đại hội, Đảng ta đều chỉ rõ: Vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam.

Để thực hiện thành công các chủ trương, chính sách về mọi mặt ở vùng DTTS và miền núi, tạo thế và lực cho cách mạng, vai trò của cán bộ nói chung, của cán bộ, công chức là người DTTS nói riêng được xem là một khâu then chốt, trọng yếu, có tính quyết định.

Thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, qua các thời kỳ cách mạng, đội ngũ cán bộ DTTS ở Việt Nam ngày càng tăng về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ sức gánh vác, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Đội ngũ cán bộ DTTS ngày càng khẳng định rõ vai trò là những chiến sĩ xung kích, hạt nhân tiêu biểu trong việc vận động quần chúng đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, lập nên rất nhiều chiến công, thành tích trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở vùng DTTS và miền núi.

Đặc biệt, từ khi đất nước đổi mới năm 1986 đến nay, rất nhiều cán bộ, đảng viên, đồng bào người DTTS đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, nhiều cá nhân tiêu biểu luôn đi đầu trong các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia lãnh đạo và tổ chức, triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát triển văn hóa, giao lưu quốc tế ở vùng DTTS và miền núi.

Qua 35 năm đổi mới đất nước, cùng với sự phát triển chung của cả nước, diện mạo vùng DTTS nước ta đã có những thay đổi sâu sắc, toàn diện trên tất cả các phương diện. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay, khoảng 98,6% số thôn thuộc các xã vùng DTTS được tiếp cận sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ cứng hóa đường giao thông đạt 95,2%; các xã có trạm y tế chiếm 99,5%.

Cả nước đã có 26.500 điểm trường vùng DTTS với 91% trường học kiên cố; có 49 tỉnh, thành đã thành lập được 316 trường trung học phổ thông nội trú, với quy mô trên 102.000 học sinh; 28 tỉnh có trường phổ thông dân tộc bán trú với số lượng 1.097 trường và 185.671 học sinh. Trong số này có tới 45% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia...

Đáng chú ý, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách đào tạo và bồi dưỡng, sự nỗ lực của các cá nhân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ngày càng được nâng cao chất lượng, tỷ lệ người DTTS tham gia vào hệ thống chính trị ngày càng cao. Trong các nhiệm kỳ gần đây, nhiều cán bộ người DTTS được giao phó trọng trách lãnh đạo đất nước như các cương vị Tổng Bí thư, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng và tương đương... Đại hội XIII của Đảng có 175 đại biểu là người DTTS, điều đó thể hiện chủ trương nhất quán về công tác cán bộ người DTTS của Đảng và Nhà nước ta.

Để tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần chủ động phát hiện, tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS. Xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực nghiệp vụ để góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chính phủ cũng cần nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng; chế độ, chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng; trong tiêu chuẩn, điều kiện quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tại các cơ quan trực tiếp làm công tác dân tộc như: Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc. Giao biên chế dự phòng để địa phương bố trí, tiếp nhận, sử dụng cán bộ, công chức là người DTTS tại vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Đối với các địa phương có đông đồng bào DTTS, trên cơ sở quy hoạch tổng thể, xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức người DTTS hợp lý theo yêu cầu khách quan của từng địa phương, cơ sở và của từng dân tộc. Tuy nhiên, không nên thực hiện một cách máy móc tỷ lệ cán bộ theo đúng như tỷ lệ số dân. Thực hiện nguyên tắc, cán bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung và điều kiện, yêu cầu cụ thể, tăng cường đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng theo những hình thức thích hợp. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là người DTTS, ngoài các tiêu chuẩn chung về phẩm chất và năng lực, cần chú ý tiêu chuẩn về sự tín nhiệm của đồng bào các dân tộc, khả năng vận động, tập hợp, đoàn kết nhân dân các dân tộc ít người. Có thể ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng và chế độ, chính sách, nhưng không được hạ thấp tiêu chuẩn.

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: Chú trọng tính đặc thù của từng vùng DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS. Chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là quan điểm, chủ trương có tính nhân văn, vì sự phát triển đồng đều và bền vững của cả nước nói chung, của đồng bào các DTTS nói riêng. Đó cũng là biểu hiện rõ ràng, cụ thể của thực thi nhân quyền, tạo điều kiện để đồng bào các DTTS có điều kiện thực hiện các quyền của mình trong quá trình phấn đấu tiến lên cùng cả nước.

Có thể nói, đồng bào các DTTS Việt Nam luôn trung thành với Tổ quốc và lợi ích quốc gia dân tộc; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; luôn một lòng, một dạ, đoàn kết đi theo Đảng. Duy trì, củng cố đại đoàn kết các dân tộc là duy trì, kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, vì thế, Đảng và Nhà nước rất nhất quán quan điểm, khẳng định đồng bào các DTTS là máu thịt của dân tộc Việt Nam, là bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các thế lực thù địch dù xảo quyệt đến đâu cũng không thể chia rẽ được khối đại đoàn kết keo sơn, vững bền ấy. Đó cũng là nền tảng vững chắc đưa đất nước ta ngày càng phát triển và đạt được những thành tựu đáng tự hào, được thế giới ghi nhận.n

Đặng Công Thành

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dang-cong-san-viet-nam-luon-nhat-quan-ve-chinh-sach-doi-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post437272.html