'Đánh thức' di sản kiến trúc trong thành phố sáng tạo: Cơ hội tái định vị và hồi sinh mạnh mẽ

Hà Nội, thành phố của một 'kho tàng' di sản văn hóa đồ sộ, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Trong 'kho tàng' đó có nhiều công trình kiến trúc đặc sắc cần được 'thức tỉnh' nhằm tạo diện mạo đô thị ngày càng cuốn hút, khó quên.

Tòa nhà Bắc Bộ phủ thu hút đông đảo khách tham quan trong thời gian diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Ảnh: Linh Tâm

Tòa nhà Bắc Bộ phủ thu hút đông đảo khách tham quan trong thời gian diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Ảnh: Linh Tâm

Nhận diện di sản kiến trúc Thủ đô

“Điểm danh” một vài thành phố nổi tiếng về du lịch trên thế giới, có thể thấy di sản kiến trúc là một trong những điểm nhấn đặc trưng khiến người dân nơi đó tự hào và du khách bốn phương mong muốn tới để chiêm ngưỡng. Cùng với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa, công trình kiến trúc là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch.

Ở bất cứ quốc gia nào, mỗi công trình kiến trúc đều mang trong mình một ngôn ngữ riêng. Không chỉ cho thấy sức sáng tạo tài hoa của con người, các công trình kiến trúc đều ít nhiều in dấu ấn của thời đại, biểu đạt những ý nghĩa văn hóa và tôn giáo, phản ánh đặc điểm địa lý, khí hậu của vùng đất nơi công trình kiến trúc được xây dựng. KTS Nguyễn Quốc Tuân (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) chia sẻ: “Đất nước ta không có các di tích kiến trúc đồ sộ, nhưng lại có nhiều di tích phong phú đa dạng về loại hình, thể hiện truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Di tích kiến trúc là những bằng chứng vật chất và tinh thần về truyền thống lịch sử, văn hóa, phản ánh đời sống, cách ứng xử của con người với thiên nhiên, với xã hội”.

Lịch sử văn hóa Hà Nội được đánh dấu qua các tầng lớp công trình kiến trúc ở nhiều giai đoạn. Bên cạnh kiến trúc truyền thống tồn tại từ bao đời với đình, chùa, đền, miếu, cổng làng, nhà ở, khu phố cổ... là sự xuất hiện của một số công trình mang dấu ấn phương Tây do người Pháp xây dựng tại Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ XX. Điểm đặc biệt, các kiến trúc sư người Pháp đã nghiên cứu tỉ mỉ kiến trúc truyền thống tiêu biểu của người Việt để “bản địa hóa” các chi tiết trang trí, bố cục chặt chẽ theo công năng và điều kiện địa hình, sử dụng các vật liệu phù hợp với khí hậu, môi trường địa phương, từ đó tạo ra phong cách kiến trúc Đông Dương (Indochine style) đặc sắc. Hàng loạt loại hình công trình mà trước đây Việt Nam chưa có đã được xây dựng, tạo nên sự đa dạng cho vẻ đẹp của Hà Nội, như Nhà hát Lớn, Khách sạn Sofitel Metropole, Ga Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (xưa là Viện Viễn Đông Bác cổ), Thư viện Quốc gia, Bệnh viện Xanh Pôn, Đại học Tổng hợp (xưa là Đại học Đông Dương)... cùng một số “di sản công nghiệp” như Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm... Đó còn là rất nhiều biệt thự nằm rải rác trên các tuyến phố cũ in dấu ấn của thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam, những người đã tạo ra các công trình hiện đại nhưng vẫn đậm chất văn hóa truyền thống qua những họa tiết, vật liệu được xây dựng hài hòa trong tổng thể kiến trúc, từ đó tạo nên một vẻ đẹp cuốn hút rất riêng cho Hà Nội.

Người dân Thủ đô hào hứng chụp ảnh công trình kiến trúc Pháp khi lần đầu tiên Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) mở đón khách tham quan. Ảnh: Linh Tâm

Người dân Thủ đô hào hứng chụp ảnh công trình kiến trúc Pháp khi lần đầu tiên Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) mở đón khách tham quan. Ảnh: Linh Tâm

Nhưng kiến trúc Hà Nội không chỉ có thế, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những công trình kiến trúc giai đoạn 1954 - 1986 được đánh giá “cũng là di sản có giá trị của người Việt” mà bấy lâu chúng ta ít nhiều đã lãng quên.

Theo kiến trúc sư Lê Thành Vinh (nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích), thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã cho ra đời nhiều công trình kiến trúc có giá trị. Đó là các khu nhà ở tập thể như Kim Liên, Giảng Võ, Văn Chương, Nam Đồng...; là các công trình như Đại học Bách Khoa, Đại học Thủy lợi, Bưu điện Hà Nội, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Sân vận động Hàng Đẫy, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long...; đặc biệt là hai công trình tiêu biểu không thể không nhắc đến là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại vị trí lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình và Cung Thiếu nhi Hà Nội được xây dựng trên nền Ấu trĩ viên trước kia. Những công trình giai đoạn này mang đậm phong cách kiến trúc xã hội chủ nghĩa mà giới chuyên môn đang gọi tên là “di sản kiến trúc thời bao cấp”, là một phần không thể thiếu trong kiến trúc Hà Nội, góp phần tạo nên bản sắc thành phố vừa truyền thống vừa hiện đại, phản ánh rõ dòng chảy lịch sử của mảnh đất này.

Nhận diện các giai đoạn kiến trúc của Hà Nội để thấy rằng, Hà Nội mang trong mình rất nhiều di sản kiến trúc lưu giữ ký ức lịch sử, văn hóa của thành phố. Trong đó, nhiều công trình có thể chưa được công nhận là di sản nhưng giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, nghệ thuật, về khai thác sử dụng... của chúng đang đặt ra yêu cầu về bảo tồn và phát huy giá trị, nhất là khi Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Trưng bày “Cảm thức Đông Dương” - một không gian sáng tạo gây ấn tượng mạnh mẽ với khách tham quan. Ảnh: Lê Phú

Trưng bày “Cảm thức Đông Dương” - một không gian sáng tạo gây ấn tượng mạnh mẽ với khách tham quan. Ảnh: Lê Phú

Để di sản kiến trúc “hồi sinh” mạnh mẽ

Tại nhiều quốc gia, một số công trình kiến trúc trở thành “nồi cơm” của quốc gia, hằng năm thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Phải coi di sản là tài sản, phải đánh giá đúng và đủ giá trị kinh tế của di sản đô thị thì mới có thể đề ra chiến lược đầu tư bài bản và hiệu quả cho công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở hiện tại và tương lai. Tuy rằng, với Hà Nội, bài toán bảo tồn và phát huy các di sản kiến trúc không dễ tìm ra lời giải khi phần lớn các công trình hiện vẫn đang được sử dụng, đặc biệt là nhiều công trình nhà ở đang thuộc sở hữu bởi nhiều hộ dân. “Bảo tồn thích ứng” là mô hình mà KTS Trương Ngọc Lân (Trường Đại học Xây dựng) cho rằng Hà Nội nên học tập để gìn giữ các di tích kiến trúc, đồng thời tạo ra hiệu quả kinh tế từ những công trình ấy.

Thực tế qua 4 năm tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Hà Nội đã “đánh thức” một số công trình kiến trúc tưởng như đã “ngủ quên” trong lòng thành phố. Hội quán Quảng Đông lưu giữ ký ức của con phố Hàng Buồm đã trở thành một trung tâm văn hóa nghệ thuật đầy hấp dẫn với nhiều cuộc triển lãm, trưng bày, tọa đàm, hội chợ thủ công được tổ chức. Khi Tháp nước Hàng Đậu, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ) hay Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Tổng hợp) lần đầu mở cửa cho khách tham quan, hàng trăm người dân đã xếp hàng để ít nhất một lần được “chạm” vào di sản. Không ít người hào hứng đăng ký trải nghiệm các tour “Chuyến tàu di sản” từ Ga Hà Nội tới Ga Gia Lâm để đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tour “Những bước chân kể chuyện” giúp khách bộ hành tham quan các điểm trên tuyến phố “giao lộ sáng tạo” gồm Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Cung Thiếu nhi Hà Nội..., tour “Lịch sử và Âm vang - Dấu thiêng Hà Nội” khám phá lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật tuồng... Hay các địa điểm như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Vườn hoa Diên Hồng (Vườn hoa Con cóc), Vườn hoa Tao Đàn... với các triển lãm sắp đặt, các buổi biểu diễn nghệ thuật, workshop, hội chợ đã thu hút đông người dân tham gia, đặc biệt là giới trẻ. Theo giám tuyển Vân Đỗ, Giám đốc nghệ thuật Á Space, 9 ngày diễn ra triển lãm “Hoài niệm cho tương lai” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo là món quà với tất cả những ai đã và đang gắn bó với nơi này.

Nhưng, để có thể bảo tồn bền vững di sản kiến trúc thì phải “đánh thức” được di sản, phát huy sức sống của di sản ngay cả khi không vào “mùa lễ hội”. Tại các cuộc hội thảo về kiến trúc trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024, nhiều ý kiến khẳng định rằng các công trình kiến trúc thời thuộc Pháp cũng như thời bao cấp đều là quỹ tài sản đô thị đặc biệt mà thành phố cần có chiến lược lâu dài để từng bước khai thác hợp lý, hiệu quả, qua đó chuyển hóa giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa thành giá trị kinh tế. Trong những năm qua, số lượng dự án kiến trúc được Hà Nội “hồi sinh” còn quá ít ỏi so với vốn di sản sẵn có của thành phố, có thể kể đến như Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, tuyến phố Tạ Hiện, đình Kim Ngân, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, hay gần đây là ngôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo dự kiến trở thành trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ.

Theo KTS Nguyễn Quốc Tuân, “bảo tồn di sản kiến trúc không thể hiểu theo nghĩa cứng là “đóng hộp” - bảo tàng hóa để bảo vệ nguyên trạng như với di tích. Mà thực tế có những lúc phải phát lộ, tái định vị hay bổ khuyết, phục dựng. Cần khoanh vùng kiểm soát để bảo vệ di sản, nhưng không phải là tuyệt đối cấm phát triển, mà chỉ hạn chế, kiểm soát, chọn lọc và điều tiết kịch bản phát triển phù hợp”. Bởi các giai đoạn kiến trúc hình thành và phát triển tạo thành dòng chảy văn hóa lịch sử liền mạch mà trong đó mỗi thời kỳ có những giá trị riêng, độc đáo, đóng góp vào bức tranh chung của Hà Nội, tạo nên sự đa dạng cho vẻ đẹp thành phố. Do đó, với mảng di sản công nghiệp và di sản kiến trúc thời bao cấp lâu nay đang ít được để ý so với kiến trúc Đông Dương, cần sớm được quan tâm để có thể lựa chọn bảo tồn một phần công trình hoặc bảo tồn những yếu tố tiêu biểu của kiến trúc giai đoạn này.

Vân Hạ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/danh-thuc-di-san-kien-truc-trong-thanh-pho-sang-tao-co-hoi-tai-dinh-vi-va-hoi-sinh-manh-me-685364.html