Đánh thức tiềm năng văn hóa của các dân tộc thiểu số

Là một bộ phận hữu cơ của văn hóa quốc gia nhưng văn hóa của các dân tộc thiểu số vẫn mang những bản sắc riêng có, mới lạ và đầy hấp dẫn.

Tại Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi" ngày 23.11, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng được thể hiện qua ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, phong tục, tập quán, ẩm thực, lễ hội, âm nhạc... góp phần làm đa dạng hóa, tạo nhiều màu sắc hơn cho văn hóa Việt Nam. Tất cả những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc đó tạo thành nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, nền tảng của những sản phẩm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh

Thời gian qua, một số khu di tích lịch sử, danh thắng đã trở thành những khu, điểm du lịch hấp dẫn, đón hàng triệu khách du lịch trong nước và quốc tế, thu về hàng chục tỉ đồng như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội); Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng (TP.HCM); Di tích cố đô Huế (Thừa Thiên-Huế); Khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); phố cổ Hội An (Quảng Nam)...

Bên cạnh đó, nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đã được khai thác để xây dựng thành những sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của khách du lịch như múa rối nước, ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử...

Những sản phẩm du lịch văn hóa này đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của ngành du lịch Việt Nam. Đặc biệt, nhiều năm liền, tại Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới (WTA), Việt Nam đã được vinh danh "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" (2019, 2020, 2022, 2023); "Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á" (2018, 2019); "Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á" (2019)...

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, còn nhiều giá trị văn hóa đặc sắc chưa thực sự được phát huy, trong đó có văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Là một bộ phận hữu cơ của văn hóa quốc gia nhưng văn hóa của các dân tộc thiểu số vẫn mang những bản sắc riêng có, mới lạ và đầy hấp dẫn. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch để quảng bá các giá trị văn hóa, mang lại những lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương rất quan trọng, cần được triển khai rộng rãi trên cả nước.

Hiện nay, một số mô hình phát triển du lịch cộng đồng đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả, như du lịch cộng đồng người Thái ở bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang); du lịch cộng đồng của người Lự ở bản Thẳm (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu);...

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, người dân bản địa cũng đã và đang bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của mình. Chẳng hạn, nghề dệt thổ cẩm của người H’rê đã được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đang được chính người H’rê bảo tồn, phục hồi, phát huy ở một số buôn làng, trong đó, tiêu biểu tại làng Teng (huyện Ba Tơ).

Đáng chú ý, một trong số đó là Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Làng Gò Cỏ là một ngôi làng cổ của dân tộc Chăm, làng quê này từng có lớp cư dân cổ - chủ nhân nền văn hóa Sa Huỳnh (niên đại cách đây 2.500 - 3.000 năm). Đây là ngôi làng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm được gìn giữ, bảo tồn.

Hiện cả nước có hơn 40.000 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê. Trong đó, có 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia, trên 11.000 di tích cấp tỉnh, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận; 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 571 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Nhiều di sản đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch vô cùng hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, số lượng các di tích, di sản được đầu tư, phát triển nổi bật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định: "Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch để quảng bá các giá trị văn hóa, mang lại những lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương rất quan trọng, cần được triển khai trên cả nước".

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/danh-thuc-tiem-nang-van-hoa-cua-cac-dan-toc-thieu-so-226357.html