Đạo diễn bơi sông

Bơi sông tức là bơi sông Hồng. Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội nhất là chỗ bãi giữa gần cầu Long Biên từ nhiều năm nay hay có một số người trong phố ra bơi. Họ bơi bất kể thời tiết kể cả mùa đông rét căm căm thậm chí là mồng một Tết âm vẫn có những người nghiện bơi có mặt. Một người trong số đó là đạo diễn điện ảnh Bùi Thạc Chuyên. Tất nhiên cả tôi nữa.

Một cảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ"

Một cảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ"

Hôm ấy mùa hè, đang bơi tôi nhìn thấy một bộ râu đen sì phủ quanh miệng cứ vồng lên ngụp xuống thấy quen quen bèn bơi sát lại gần. Ai như Bùi Thạc Chuyên? Đúng thế, không chượi được, dưới nước nhưng Chuyên cười sáng bừng. Chuyên bơi một chặp nữa rồi lên bờ bẽn lẽn nhập vào hội bơi sông đang giải lao bia bọt. Tôi giới thiệu Bùi Thạc Chuyên với bạn bơi hóa ra cũng khá nhiều người biết anh cả ở nghề nghiệp lẫn thâm niên bơi. Thậm chí Chuyên còn bơi trước cả tôi, chỉ có điều vì bận việc nên bơi không thành buổi cố định và đều đặn như tôi được.

Sau lần ấy thi thoảng tôi gặp Bùi Thạc Chuyên ở ngoài sông. Anh em gặp nhau chuyện trò dăm câu ba điều thì Chuyên đã vội vội vàng vàng ra về. Tôi biết Chuyên bận dù đã lâu nay Chuyên không xuất hiện với dự án điện ảnh nào mà chỉ tập trung cho Trung tâm Hỗ trợ phát triển Tài năng Điện ảnh trẻ (TPD) trong vai trò “thuyền trưởng”. Ở vai trò này hơn chục năm qua, Bùi Thạc Chuyên cùng các cộng sự đã tạo ra một cộng đồng làm phim độc lập với hơn 2.000 thành viên và mới nhất TPD đã cho ra đời Quỹ Điện ảnh, điều mà chính cơ quan chủ quản là Bộ VH-TT&DL và Cục Điện ảnh manh nha nhiều năm nhưng chưa thực hiện được.

Bùi Thạc Chuyên

Bùi Thạc Chuyên

Bùi Thạc Chuyên là người kiệm lời và rất ít tiết lộ về công việc đang làm của mình nhất là những gì liên quan đến dự án phim. Anh em biết nhau lâu nhưng đúng chẳng bao giờ nói chuyện nghề nghiệp. Chuyên luôn giữ cho mình một vẻ ngoài đạo mạo, lịch lãm, một khoảng cách vừa phải vượt qua khái niệm xa hay gần. Hãy hình dung một người đàn ông cao lớn có khuôn dung sáng sủa vào hàng đẹp giai kiểu phong trần, râu ria rậm rạp nhưng tỉa tót đúng cách. Ai không quen gặp Bùi Thạc Chuyên lần đầu hẳn sẽ phải giữ một thái độ ý tứ chuẩn mực. Quen biết rồi cũng chẳng bao giờ ông đạo diễn này đùa suồng sã khiến người bỗ bã như tôi bỗng dưng phải nghiêm cẩn, giữ gìn. Nhưng không hẳn như vậy, Bùi Thạc Chuyên có những tếu táo ít ai ngờ đến.

Năm 2001, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 13 tổ chức ở thành phố Vinh. Tôi cùng nhà văn Bảo Ninh trong đoàn của Hãng phim THVN (VFC) mang phim “Ba lẻ một” do NSND Khải Hưng làm đạo diễn, dự liên hoan. Bảo Ninh cùng tôi chấp bút kịch bản này. “Ba lẻ một” đoạt giải “Bông sen vàng” ở hạng mục phim truyện video. Tôi cùng nhà văn Bảo Ninh ở một phòng trong khách sạn Kim Liên. Mấy ngày liên hoan phim thấy lễ tân cứ mang hoa đến phòng nói của người hâm mộ gửi tặng hai nhà văn. Bảo Ninh nói họ tặng ông vì phim ảnh chứ chắc gì đã đọc tiểu thuyết của tôi. Bấy giờ Bảo Ninh đang rất nổi tiếng với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” đình đám. Không nói nhưng tôi đầy băn khoăn vì lượng hoa quá nhiều chất đầy phòng đến ngột ngạt nhưng không dám vứt đi.

Xuống lễ tân, tôi truy cặn kẽ thì phát hiện ra chả có người hâm mộ nào mà là ông đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đi giao lưu đâu về được tặng hoa chất trên xe bèn mang vào lễ tân chơi trò ú tim. Đấy, nghịch ngầm đến thế là cùng, chuyện khó thế mà Bùi Thạc Chuyên cũng nghĩ ra được để trêu chọc hai ông anh nhà văn ngáo ngơ với phim phọt.

Lại lần khác, cũng trong một Liên hoan Phim Việt Nam, hình như lần thứ 14 ở Tp Buôn Ma Thuột năm 2004. Đi giao lưu, tôi với nhạc sĩ Trọng Đài cãi cự nhau. Cãi nhau vì rượu là chuyện quá bình thường. Trọng Đài say cậy ô tô của mình đuổi tôi xuống. Cũng vì say nên tôi tự ái phải mò mẫm giữa đường rừng tối om. Chợt thấy một xe máy đi ngang qua dừng lại. May quá tôi được Bùi Thạc Chuyên chở về khách sạn nếu không chả biết đường đất đằng mù nào mà về. Chuyên kể em phóng xe đi chơi đường rừng đêm thú lắm thế nào vô tình lại nhìn thấy anh loạng quạng đi bộ. Tôi ngờ rằng có lẽ Bùi Thạc Chuyên cũng say nốt nên mới nổi hứng lãng tử kiểu đó mà thành Lục Vân Tiên cứu giúp tôi trong đêm. Trong mọi cuộc liên hoan nghề nghiệp cánh văn nghệ sĩ được thả sức vui uống cật lực với nhau nên có la đà cũng là lẽ đương nhiên.

Về chuyện lãng tử của Bùi Thạc Chuyên tôi được chính nhà văn Bùi Bình Thi là thân sinh của vị đạo diễn luôn tự hào kể về con trai mình. Năm ấy đâu như năm 1991 tôi gặp nhà văn khả kính ở một trại viết Quân đội mạn Đồ Sơn. Ông kể Bùi Thạc Chuyên vừa tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh (SKĐA). Đại loại ông khen con trai lãng tử, nó đẹp lắm không cóc cáy như cánh nhà văn chúng mày, lại tài nữa, tài từ lúc mới sinh ra, có năng khiếu làm phim từ bé tẻo. Lúc ấy tôi chưa có khái niệm gì về nghề làm phim cả nên ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm.

Nhà văn Bùi Bình Thi bảo thằng này học diễn viên sân khấu nhưng tương lai nó sẽ theo nghề điện ảnh, là nhà văn tao biết khả năng của nó. Nó có nền tảng văn chương và tư duy hình ảnh rất bợm, rất khác người. Hỏi khác người như thế nào? Nhà văn Bùi Bình Thi khà khà, nó có cách diễn giải tiểu thuyết của tao bằng ngôn ngữ hình ảnh rành mạch đâu ra đấy kể cả những tầng vỉa tao chôn nén nó cũng đào bới tung ra bằng hết, lại sắp xếp lớp lang trật tự như thể câu chuyện là của nó vậy, ui giời nó chỉ xi nê miệng thôi đã đủ ê mê ly... Và ông kết luận, nó sẽ là một đạo diễn lừng danh, sẽ khá hơn tao, rồi chúng mày xem. Lúc đó nhà văn Bùi Bình Thi khá nổi tiếng có tầm ảnh hưởng trên văn đàn. Cũng chỉ là chuyện lào khào lúc trà dư tửu hậu nhưng đúng như thế. Sau này khi bước chân vào nghiệp làm phim thì tôi được chứng nghiệm những gì nhà văn đàn anh Bùi Bình Thi nói về con trai mình hoàn toàn chính xác.

Tên tuổi Bùi Thạc Chuyên bắt đầu được biết đến khi anh là đồng đạo diễn bộ phim truyền hình nổi tiếng và ăn khách “12A và 4H” phát sóng trên chương trình “Văn nghệ chủ nhật” của Đài Truyền hình Việt Nam năm 1995. Thành công của phim này và có lẽ tố chất của anh như lời nhà văn Bùi Bình Thi nói thuộc về điện ảnh nên Bùi Thạc Chuyên dù đã tốt nghiệp khoa diễn viên SKĐA vẫn quay trở lại trường để theo học đạo diễn. Từ bỏ sàn diễn sân khấu chuyên nghiệp, trong cương vị đạo diễn điện ảnh, Bùi Thạc Chuyên lần lượt chinh phục những cột mốc nghề nghiệp ở cả phương diện phim truyền hình và điện ảnh với dấu ấn rất riêng biệt không lẫn vào ai.

Phim của Bùi Thạc Chuyên đạo diễn dù là phim ngắn như “Cuốc xe đêm” hay theo dòng phim giải trí dạng kinh dị như “Lời nguyền huyết ngải” (2011) kể cả ở các phim truyền hình cũng đầy ám ảnh mang những thông điệp cuộc sống vừa rõ ràng khúc chiết vừa ẩn dụ sâu lắng. Theo nghề biên kịch tôi có điều kiện nhận chân rất rõ các đạo diễn Việt. Họ được đào tạo bài bản nhưng không nhiều người có nền tảng văn học như Bùi Thạc Chuyên. Điều này thì nhà văn Bùi Bình Thi nói quá đúng. Trong các phim điện ảnh “Sống trong sợ hãi” (2006) hay “Chơi vơi” (2009), “Tro tàn rực rỡ” (2022) những dấu ấn nghệ thuật được khắc họa rõ nét và sinh động, Bùi Thạc Chuyên thể hiện tài năng của mình một cách chỉn chu, công phu từ khâu kịch bản đến công đoạn sản xuất bằng không chỉ sự chắc chắn về kỹ thuật mà còn là một tâm hồn văn chương dạt dào cảm xúc. Xem phim của Bùi Thạc Chuyên luôn luôn xúc động.

Hiếm có một đạo diễn như Bùi Thạc Chuyên kiên trì theo đuổi dòng phim độc lập thiên về nghệ thuật, tự lập ý tưởng, lên kịch bản, tìm nguồn vốn đầu tư một cách bài bản. Rõ nhất là dự án phim “Tro tàn rực rỡ” (2022) được anh và cộng sự chuẩn bị trong nhiều năm và kín tiếng đến mức tôi tưởng anh lâu nay ngừng việc làm phim. Tất cả các phim này đều dựa bám vững chắc vào các tác phẩm văn học và phần lớn do anh tự chấp bút kịch bản. Không khó để giải thích vì sao phim của Bùi Thạc Chuyên luôn giành những giải thưởng cao ở cả trong và ngoài nước. Mới nhất là “Tro tàn rực rỡ” với giải thưởng danh giá chưa một phim Việt nào vươn tới xưa nay. Giải thưởng cao nhất “Khí cầu đốt lửa vàng” (tiếng Pháp: Montgolfìere D'or) trong Liên hoan phim Ba châu lục lần thứ 44 diễn ra tại Nantes, Pháp từ ngày 18/11- 27/11/2022.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sinh tuổi Mậu Thân 1968 kém tôi đúng một con giáp và bơi sông trước cả tôi. Anh sống hạnh phúc trong một gia đình nghệ thuật bố mẹ là nhà văn, họa sĩ và vợ là nghệ sĩ Tú Oanh, người bạn học cùng lớp diễn viên trường SKĐA năm nào.

Hôm rồi tôi ra sông bơi, cánh bạn bơi kháo nhau về giải thưởng lớn của Bùi Thạc Chuyên và họ bảo có đạo diễn bơi sông rồi biên kịch bơi sông, tại sao các ông không làm một phim về sông Hồng? Ừ nhỉ, tại sao lại không có một phim như thế và tôi hình dung ra một bộ râu đen sì vòng quanh miệng cứ vồng lên ngụp xuống trong nước của vị đạo diễn bơi sông Bùi Thạc Chuyên sẽ là hình ảnh đầu tiên khi tôi bắt tay vào kịch bản. Nhất định là thế!

Hà Nội 11/12/2022

PNT

Phạm Ngọc Tiến

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dao-dien-boi-song-post1504325.tpo