Đạo pháp và luật pháp!

Chưa khi nào dư luận xã hội lại dành nhiều sự quan tâm thể hiện qua các ý kiến trái chiều, bất bình với những hành vi, phát ngôn thiếu chuẩn mực, đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của tôn giáo, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số người tu hành. Không thể đánh đồng một vài cá nhân với cộng đồng các tổ chức tôn giáo cũng như không thể lấy hiện tượng để quy kết bản chất, nhưng rõ ràng 'con sâu làm rầu nồi canh'.

Để củng cố niềm tin của Nhân dân, đưa hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng về đúng quy chuẩn tôn chỉ, mục đích cao đẹp, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có các giải pháp, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong việc quản lý, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của mình, Phật giáo không ngừng phát triển, khẳng định, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của phật tử và Nhân dân. Ảnh: xaydungdang.org.vn.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của mình, Phật giáo không ngừng phát triển, khẳng định, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của phật tử và Nhân dân. Ảnh: xaydungdang.org.vn.

Du nhập vào Việt Nam hàng nghìn năm nay, Phật giáo là tôn giáo được biết sớm nhất với việc tu tập gần gũi thiên nhiên, đại chúng, đời sống tu hành đơn sơ, mộc mạc, giản dị, dễ đi vào cuộc sống của quảng đại cư dân. Qua thời gian, do sự tương đồng giữa giáo lý “từ bi - hỷ xả”, “cứu khổ, cứu nạn” của Đức Như Lai với tư tưởng, tình cảm và truyền thống nhân văn của người Việt Nam nên đạo Phật đã ăn sâu bám rễ trong tâm tư, tình cảm, lối sống, đạo đức của đông đảo người Việt, luôn gắn bó, đồng cam cộng khổ cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Gắn bó mật thiết với lịch sử thịnh suy của dân tộc, khi nước nhà độc lập, hòa bình thì Phật giáo hưng thịnh, khi Tổ quốc lâm nguy thì Phật giáo cùng chịu chung cảnh ngộ. Những câu chuyện, sự kiện lịch sử gắn liền với hình ảnh các vị thiền sư đạo hạnh uyên thâm, tài đức vẹn toàn, công đức vô lượng với Thiền môn và quốc gia dân tộc vẫn lưu truyền trong sử sách, ngời sáng trong tâm trí người Việt.

Đó là Thiền sư Đỗ Pháp Thuận cải dạng thành người lái đò để tiếp sứ thần nhà Tống, một minh chứng cho tấm lòng vì nước, vì dân; Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, một anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn, đồng thời là người khai sáng phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, thiền phái mang đậm sắc của Phật giáo Việt Nam.

Trước Cách mạng Tháng Tám, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, bảo vệ biên cương Tổ quốc, Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện sâu sắc truyền thống yêu nước, hòa mình và gắn bó chặt chẽ với dân tộc. Nhiều ngôi chùa là cơ sở của cách mạng, nuôi giấu cán bộ, nơi tổ chức hội họp bí mật, cất trữ vũ khí, trở thành trường học, nơi cứu tế người nghèo; nhiều tăng, ni tạm thời rời Thiền môn, trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng.

Đặc biệt, trong lúc Tổ quốc lâm nguy, nhiều tu sĩ Phật giáo đã “cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào”, thực hiện nghĩa vụ công dân, xung phong nhập ngũ trở thành những chiến sĩ quả cảm, hiên ngang cầm súng chiến đấu trên chiến trường, hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc...

Trên thực tế, đạo Phật đã trở thành một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam. “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/Sư cụ nằm chung với khói mây” - câu thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến vẫn vấn vương trong tâm trí bao thế hệ người Việt, khắc họa nên hình ảnh những ngôi cổ tự uy nghiêm mà gần gũi như một biểu tượng văn hóa, tâm linh không thể thiếu trong cộng đồng làng xã Việt Nam.

Các tăng ni, phật tử và học giả tham dự Hội thảo khoa học quốc gia có Chủ đề: “Phát huy truyền thống phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường” tổ chức ngày 31/3/2024 tại thành phố Hà Nội. Ảnh: xaydungdang.org.vn.

Các tăng ni, phật tử và học giả tham dự Hội thảo khoa học quốc gia có Chủ đề: “Phát huy truyền thống phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường” tổ chức ngày 31/3/2024 tại thành phố Hà Nội. Ảnh: xaydungdang.org.vn.

Vậy nên khi được nghe những lời thuyết giảng lệch lạc, trái với đạo lý truyền thống của dân tộc, đi ngược lại giáo lý, tôn chỉ, mục đích của tôn giáo, thậm chí có biểu hiện hành vi vi phạm pháp luật của một số nhà tu hành khoác áo cà sa, cộng đồng đã thể hiện phản ứng bức xúc, bất bình rất gay gắt.

Từ những vụ việc dâng sao giải hạn, cúng vong, trục vong nặng màu mê tín dị đoan đến những thuyết giảng tào lao, phản khoa học, xúc phạm một số ngành nghề và đến đỉnh điểm là xúc phạm cả một cộng đồng dân tộc, có biểu hiện vi phạm Giới luật Phật giáo cơ bản, vi phạm pháp luật của một số tăng ni không chỉ gây hoang mang trong xã hội mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, suy giảm niềm tin của cộng đồng với Phật pháp.

Phản hồi ý kiến kiến nghị của cử tri về giải pháp để quản lý các cơ sở tôn giáo, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích của tôn giáo; nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm giáo luật, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, mới đây, Bộ Nội vụ chỉ đạo các đơn vị phối hợp với một số Bộ, ngành có liên quan thành lập 3 đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đối với một số chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả kiểm tra, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo và đề xuất Thủ tướng. Cùng với đó, Bộ Nội vụ đề nghị các tổ chức tôn giáo tăng cường quản lý, giám sát chức sắc, chức việc, nhà tu hành; chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giáo luật và pháp luật.

Như Kinh Phật đã dạy “Hành động sai trái sẽ dẫn đến kết quả xấu và sự thật luôn được ánh sáng của sự chính trực chiếu rọi” (Kinh Bát Nhã Ba La Mật), các hành vi, phát ngôn lệch chuẩn, đi ngược lại đạo lý truyền thống dân tộc, tôn chỉ, mục đích của tôn giáo, vi phạm giới luật, vi phạm pháp luật phải được chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định. Không một tổ chức, cá nhân nào sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có thể đứng ngoài, đứng trên pháp luật. Một tu sĩ tốt trước hết phải là một công dân tốt, thực hiện nghiêm các quy định của hiến pháp và pháp luật.

Chắc chắn với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, những hành vi vi phạm của cá nhân những người tu hành và các cơ sở tôn giáo (nếu có) sẽ được chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định. Đây là việc làm cần thiết, đáp ứng nhu cầu cấp bách của dư luận, truyền thông và quan trọng nhất là để bảo vệ sự trong sạch, chính trực của Phật giáo, đảm bảo các tăng ni đều tuân thủ pháp luật, Giới luật và quy định của Giáo hội. Có như thế, truyền thống yêu nước, hộ quốc, an dân với phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu tốt đời đẹp đạo của Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy, gắn bó, đồng hành với dân tộc Việt, trở thành điểm tựa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của phật tử và Nhân dân.

Vũ Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dao-phap-va-luat-phap-217468.htm