Dấu ấn bước đầu và bất cập cần tháo gỡ - Bài 1: Dấu ấn ở vùng đặc thù

LTS: Trên địa bàn Quân khu 4, chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn (gọi tắt là chi bộ quân sự xã) hầu hết mới đi vào hoạt động nhưng bước đầu đã khẳng định được vai trò là hạt nhân chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP). Tuy nhiên, quá trình hoạt động đang gặp nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Tại những vùng đặc thù, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, chủ trương thành lập chi bộ quân sự xã có ý nghĩa quan trọng. Từ những địa bàn núi cao biên giới đến vùng ven biển, xứ đạo, chi bộ quân sự xã đã đề ra các biện pháp lãnh đạo kịp thời, sát đúng; phát huy được sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ QS, QP.

Từ vùng miền núi biên giới

Nậm Cắn là xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, có hơn 23km đường biên tiếp giáp Lào với nhiều đường mòn, lối mở; có Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn thông thương với nước bạn Lào. Xác định Nậm Cắn là địa bàn có tính đặc thù cao, năm 2005, Đảng bộ xã Nậm Cắn đã thành lập Chi bộ quân sự xã Nậm Cắn. Đây cũng là chi bộ quân sự xã đầu tiên được thành lập ở Nghệ An. Trong những năm qua, Chi bộ quân sự xã Nậm Cắn đã lãnh đạo Ban CHQS xã hoàn thành tốt các nhiệm vụ QS, QP nhất là công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phối hợp cùng các lực lượng giữ gìn an ninh biên giới, phòng, chống thiên tai. Với sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Chi bộ quân sự, Ban CHQS xã đã tham mưu cho UBND xã điều động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ dân quân phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ đường biên giới, hệ thống cột mốc, tuần tra rừng; phát huy vai trò tại chỗ, xung kích, đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Qua gần 20 năm thành lập, Chi bộ quân sự xã Nậm Cắn có số lượng đảng viên lớn nhất trong số 21 chi bộ quân sự xã của huyện Kỳ Sơn. Có một điều thuận lợi đó là đảng viên trong chi bộ đều là người dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú nên am hiểu tình hình địa bàn, vì vậy, công tác nắm tình hình để đề ra biện pháp lãnh đạo rất sâu sát, phù hợp với đời sống, phong tục của bà con. Các cuộc diễn tập tại xã Nậm Cắn đều gắn với đặc điểm đặc thù của xã biên giới với những nội dung như “Trung đội dân quân phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn chiến đấu bảo vệ làng”; diễn tập phòng, chống thiên tai ứng phó lũ quét, sạt lở đất... Năm 2022, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn xảy ra lũ lụt, sạt lở đất. Ngoài việc giúp nhân dân trong xã khắc phục hậu quả, chi bộ lãnh đạo Ban CHQS xã huy động 28 đồng chí dân quân cơ động đến bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ khắc phục hậu quả trận lũ quét. Lần đó, Quốc lộ 7A bị sạt lở nặng, các phương tiện không thể lưu thông, lực lượng dân quân xã đã đi bộ gần 20km, vượt qua nhiều đoạn đường sạt lở và hiểm nguy để kịp thời ứng cứu, giúp đỡ bà con bản Hòa Sơn vượt qua hoạn nạn...

Đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn khẳng định: “Kỳ Sơn có 21/21 chi bộ quân sự đã thành lập đúng tiến độ và đúng theo quy định, hướng dẫn của cấp trên. Bí thư Đảng ủy xã đồng thời là Bí thư Chi bộ quân sự xã chỉ đạo cụ thể và trực tiếp; chất lượng đảng viên; ý thức trách nhiệm của các đảng viên quân sự cao nên bước đầu được đánh giá phát huy tốt vai trò lãnh đạo trong nhiệm vụ QS, QP, đặc biệt là địa bàn đặc thù vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao biên giới như huyện Kỳ Sơn".

 Lực lượng dân quân tự vệ huyện Kỳ Sơn, Nghệ An kịp thời giúp dân sau trận lũ quét năm 2022. Ảnh: HOA LÊ

Lực lượng dân quân tự vệ huyện Kỳ Sơn, Nghệ An kịp thời giúp dân sau trận lũ quét năm 2022. Ảnh: HOA LÊ

Đến vùng biển, xứ đạo

Xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) là xã bãi ngang ven biển, có hơn 75% đồng bào theo đạo Công giáo, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, địa bàn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, vì vậy, nhiệm vụ QS, QP luôn được các cấp, các ngành hết sức quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, quyết định đến sự ổn định và phát triển của địa phương. Là địa bàn có tính đặc thù cao, nên những năm trước đây, tình trạng thiếu chỉ tiêu giao quân vẫn diễn ra.

Cuối năm 2023, Chi bộ quân sự xã Kỳ Hà được thành lập, đầu năm 2024, Đảng ủy xã Kỳ Hà ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong đó đề ra hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân. Quán triệt nghị quyết cấp trên, Chi bộ quân sự xã Kỳ Hà đã bàn bạc, đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo Ban CHQS xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và hội đồng mục vụ các giáo xứ trên địa bàn để hoàn thành nghĩa vụ trách nhiệm của công dân lên đường nhập ngũ. Song song với công tác tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội. Năm 2023, UBND xã Kỳ Hà đã kêu gọi con em xa quê và toàn thể nhân dân trên địa bàn ủng hộ với số tiền hơn 100 triệu đồng để tặng quà và sổ tiết kiệm cho công dân lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc và khen thưởng cho quân nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về địa phương, đồng thời tham mưu cho địa phương phân công các ngành, đoàn thể nhận giúp đỡ những gia đình có thanh niên nhập ngũ, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chính có sự lãnh đạo sâu sát, phù hợp với tính đặc thù của địa phương, năm 2023, công tác tuyển chọn, gọi công dân lên đường nhập ngũ của xã Kỳ Hà có nhiều thuận lợi, bảo đảm đủ chỉ tiêu, chất lượng trên giao.

Xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) huy động nhiều nguồn lực thiết chế văn hóa ở thôn vùng giáo Tây Hà. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG

Xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) huy động nhiều nguồn lực thiết chế văn hóa ở thôn vùng giáo Tây Hà. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG

Bên cạnh đó, Chi bộ quân sự xã Kỳ Hà đã ra nghị quyết chuyên đề “Tập trung huy động lực lượng dân quân thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần cùng xã Kỳ Hà đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao”. Nhất là sau khi có đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của LLVT Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn quân khu giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo”, Chi bộ Quân sự xã Kỳ Hà đã lãnh đạo Ban CHQS xã Kỳ Hà huy động nhân lực, vật lực để cùng LLVT các cấp thực hiện đề án. Hiện nay, ngoài kinh phí hỗ trợ, xã Kỳ Hà đầu tư hơn 500 triệu đồng để thực hiện củng cố các thiết chế văn hóa ở thôn vùng giáo Tây Hà, nhằm xây dựng thôn ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn; tình cảm quân dân, tình cảm lương giáo ngày càng gắn kết hơn.

Đồng chí Lê Văn Luyện, Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ quân sự xã chia sẻ: “Thẳng thắn nhìn nhận, trước đây, đồng chí Bí thư Đảng ủy lãnh đạo chung, nhiệm vụ QS, QP giao cho Ban CHQS xã tham mưu nên có thời điểm, có nội dung chưa tập trung và quyết liệt. Từ khi có chi bộ quân sự, các nội dung về QS, QP được bàn bạc kỹ lưỡng; gắn kết giữa đồng chí Bí thư Đảng ủy-Bí thư Chi bộ; đồng chí Chỉ huy trưởng là Phó bí thư Chi bộ; đồng chí Chủ tịch xã-Chi ủy viên, tạo nên sự đồng lòng giữa cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và lĩnh vực quân sự. Từ đó, các nhiệm vụ QS, QP được triển khai quyết liệt, tạo nên nhiều chuyển biến rõ rệt, nổi bật hơn”.

Những thành công bước đầu từ các chi bộ quân sự xã ở Nậm Cắn và Kỳ Hà là minh chứng cho hiệu quả trong công tác lãnh đạo nhiệm vụ QS, QP, qua đó đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của địa phương.

Thực hiện Hướng dẫn số 24-HD/BTCTW ngày 20-9-2023 của Ban Tổ chức Trung ương về tổ chức và hoạt động của chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn; trong năm 2023, Thường vụ Đảng ủy Quân khu 4 đã phối hợp với tỉnh ủy 6 tỉnh trên địa bàn chỉ đạo thành lập các chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn còn lại; đến ngày 31-12-2023, có 1.651/1.651 chi bộ xã, phường, thị trấn được thành lập, vượt một năm so với kế hoạch đặt ra, được Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị ghi nhận và đánh giá cao.

(còn nữa)

HOÀNG HOA LÊ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dau-an-buoc-dau-va-bat-cap-can-thao-go-bai-1-dau-an-o-vung-dac-thu-805098