Dầu ăn cũ tái chế thành nhiên liệu máy bay
Khu đô thị Vinhomes Ocean Park 1 đang lắp đặt các máy gom dầu ăn tự động dưới chân tòa nhà. Dầu ăn đã qua sử dụng của cư dân sẽ được đem đi tái chế thành nhiên liệu sinh học.
Mới đây, CTCP Vinhomes đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác với Eco Oil nhằm triển khai hệ thống máy gom dầu ăn tự động tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park 1.
Với dự án này, các đơn vị vận hành quản lý tòa nhà - khu dân cư, chuỗi nhà hàng, bếp ăn khu công nghiệp… có thể thực hiện phân loại dầu ăn đã qua sử dụng, tối ưu chi phí vận hành nhờ nguồn thu từ loại chất thải này trong khi vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường và tiêu chí ESG.
Mỗi chiếc máy thu gom có thể chứa tối đa 100 kg dầu ăn đã qua sử dụng. Bên cạnh các tính năng như theo dõi qua ứng dụng và bảo mật thông tin, các thiết bị có khả năng quản lý chính xác lượng dầu thu gom, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, giảm thiểu sự lãng phí cũng như góp phần bảo vệ môi trường.
Dầu ăn đã qua sử dụng thường bị coi là rác thải gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, loại chất thải này có thể được chuyển đổi thành các sản phẩm có giá trị và mang lại lợi ích kinh tế.
Tại sự kiện ký kết, Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Ahn Se-Chang cho biết dầu thải cũng là nguồn tài nguyên quý giá. Nếu biết tận dụng tái chế, doanh nghiệp có thể giảm thiểu đáng kể lượng rác thải này ra môi trường.
Còn theo CEO Eco Oil You Jeonghwan, việc xử lý dầu ăn cũ sai cách không chỉ gây hại cho môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, khi được tái chế đúng cách, dầu ăn đã qua sử dụng có thể chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học như nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Trên thực tế, hàng không là một trong những ngành công nghiệp dẫn đầu về mức độ phát thải khí nhà kính. Để giải quyết tình trạng này, các quốc gia lớn trên thế giới đều cố gắng thúc đẩy sáng kiến SAF.
Tại Mỹ, chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng sản xuất SAF lên 3 tỷ gallon/năm vào năm 2030. Trong khi đó, châu Âu có kế hoạch nâng tỷ trọng sử dụng SAF lên 70% vào năm 2050.
Singapore yêu cầu từ năm 2026, tất cả chuyến bay phải sử dụng 1% SAF và dự kiến tăng lên thành 3-5% vào năm 2030. Nhật Bản cũng tuyên bố đến năm 2030, SAF phải chiếm ít nhất 10% mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay của các hãng hàng không trong nước.
Việt Nam cũng cam kết thực hiện các mục tiêu tương tự, bao gồm việc yêu cầu sử dụng 10% nhiên liệu bền vững cho các chuyến bay cự ly ngắn từ năm 2035 và chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng xanh vào năm 2050.
Ngoài làm nhiên liệu sinh học cho máy bay, dầu ăn đã qua sử dụng còn có thể phục vụ sản xuất xà bông, nến, sáp công nghiệp hoặc thức ăn chăn nuôi.
Theo Financial Times, nguồn cung dầu ăn đã qua sử dụng trên quy mô toàn cầu vẫn còn tương đối hạn chế. Do đó, giá loại nguyên liệu này dự báo tiếp tục tăng lên trong trung hạn.
Hiện châu Á là khu vực thu gom dầu ăn cũ lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn 2016-2021, khối lượng xuất khẩu loại nguyên liệu này đã tăng hơn 5 lần, chiếm 38% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu.
Măt khác, châu Âu là thị trường tiêu thụ dầu ăn đã qua sử dụng lớn nhất thế giới. Trong đó Hà Lan, Anh và Italy là các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng trong khu vực.
Nguồn Znews: https://znews.vn/dau-an-cu-tai-che-thanh-nhien-lieu-may-bay-post1514528.html