Đấu giá đất lên đến 30 tỉ đồng/m2 tại Sóc Sơn (Hà Nội): Có dấu hiệu phá hoại?
Theo các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm tham gia đấu giá đất, việc trả giá lên 30 tỉ đồng/m2 sau đó bỏ cuộc không đấu giá tiếp là hành vi phá hoại.
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm đấu giá hợp danh Thanh Xuân vừa tổ chức đấu giá 58 thửa đất nằm tại địa bàn xã Quang Tiến. Các thửa có diện tích từ 90 đến 224 m2, giá khởi điểm rất thấp chỉ từ 2,4 triệu đồng/m2. Người tham gia đấu giá sẽ phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm với mỗi thửa đất muốn đăng ký đấu giá.
Trong quá trình đấu giá, có 2 thửa đất đã được trả giá lên mức... 30 tỉ đồng/m2. Mức giá phi lý này đã khiến cuộc đấu giá gây xôn xao dư luận.
Một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm tham gia đấu giá đất đưa ra phân tích: "Phiên đấu giá được tiến hành theo hình thức đấu giá nhiều vòng, với 6 vòng bắt buộc. Người trả giá cao nhất tại vòng 6 được xác định là người trúng đấu giá. Đây cũng là hình thức đấu giá thường xuyên được tổ chức trong thời gian gần đây.
Mức giá hơn 30 tỉ đồng/m2 được trả giá ở vòng đấu thứ 3. Một loạt các mảnh đất khác được trả giá ở mức khoảng 100 triệu đồng/m2, cao hơn hẳn so với giá đất trung bình trên thị trường tại khu vực Sóc Sơn, bởi giá đất tại Sóc Sơn đang ở mức 30 đến 50 triệu đồng/m2. Đến vòng 6, là vòng cuối cùng quyết định người trúng đấu giá, những người đã trả giá cao bất thường đã bỏ cuộc không trả giá. Điều này khiến nhiều lô đất đã không được đấu giá thành công. Trong nhiều cuộc đấu giá đất trước đây, tình trạng ghi nhầm giá đã nhiều lần xảy ra, hoặc có tình trạng kiểu "quân xanh - quân đỏ" bỏ giá cao nhưng sau đó bỏ cuộc, nhưng nhìn vào diễn biến thì có thể thấy đã có dấu hiệu cố tình bỏ giá sốc, có dấu hiệu phá hoại cuộc đấu giá này".
Nhiều nhà đầu tư, nhiều người quan tâm cũng đã có ý kiến tương tự, nghi vấn việc phá hoại bởi cùng bỏ hơn 30 tỉ đồng cho 2 lô đất ở 1 vòng rồi cùng lúc bỏ cuộc ở vòng sau thì không phải là nhầm lẫn.
Với việc có nhiều người bỏ giá cao bất thường rồi bỏ cuộc, 30 lô đất đã không được đấu giá thành công, 28 lô còn lại có mức giá trúng đấu giá từ 32 đến 50,4 triệu đồng/m2, ngang giá thị trường.
Với 30 lô đất không được đấu giá thành công này, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn sẽ phải tổ chức đấu giá lại, rất mất thời gian và công sức.
Được biết, sau khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, phía đơn vị tổ chức đấu giá đã báo cáo UBND huyện và đề nghị lực lượng công an vào cuộc điều tra làm rõ.
Một sự kiện đấu giá đất khác cũng gây xôn xao là 1 lô đất có diện tích 178m2 tại huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) khi đấu giá đã có mức trúng đấu giá là 110,76 triệu đồng/m2. Người trúng đấu giá sẽ phải bỏ ra số tiền rơi vào khoảng 19 tỉ 580 triệu đồng để mua lô đất này. Giá trúng đấu giá cao vọt lên nhiều so với giá đất thị trường.
Thời gian gần đây, các phiên đấu giá đất có số lượng người tham gia giảm xuống, giá đất trúng đấu giá đã sát hoặc chỉ cao hơn giá thị trường không nhiều. Tinh trạng đấu giá cao vọt để "thổi" giá, tạo hiệu ứng giá đất "ảo" trong 1 khu vực đã bớt đi, nhưng theo nhiều chuyên gia không loại trừ việc giới đầu cơ vẫn tung chiêu trò ở 1 cuộc đấu giá đất.
Nhiều chuyên gia, nhiều nhà quản lý đã đề xuất các giải pháp như tăng mức giá khởi điểm, công khai các cá nhân trúng giá cao nhưng bỏ cọc, xử phạt nặng để ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong đấu giá đất.