Đậu mùa khỉ có thể trở thành bệnh lây qua đường tình dục mới

Làn sóng đậu mùa khỉ khiến số người mắc ngày càng nhiều. Các chuyên gia lo ngại nó có thể trở thành bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, herpes hay HIV.

Theo AP, các chuyên gia tại Mỹ vẫn đang có nhiều khác biệt trong quan điểm về con đường lây lan của căn bệnh này. Một số người lo ngại nó đang dần phổ biến đến mức có thể trở thành bệnh lây truyền qua đường tình dục cố định như lậu, herpes, HIV. Nhưng không ai thực sự chắc chắn. Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác cho rằng xét nghiệm và vaccine vẫn có thể ngăn chặn tận gốc sự bùng phát.

Những câu hỏi hóc búa

Đến nay, toàn nước Mỹ ghi nhận hơn 2.800 ca mắc đậu mùa khỉ sau 2 tháng. Khoảng 99% người bệnh là nam giới từng quan hệ tình dục với những người đàn ông khác.

Giới chức y tế không chắc chắn virus đã lây lan nhanh thế nào. Các thông tin mà họ có về người được chẩn đoán đều rất hạn chế, họ cũng không biết có bao nhiêu người bệnh đã vô tình phát tán virus.

Thậm chí, vaccine và phương pháp điều trị hiện tại có hiệu quả như thế nào cũng là câu hỏi khó trả lời. Một trở ngại cho nước Mỹ hiện nay là các quan chức y tế liên bang không có thẩm quyền thu thập và kết nối dữ liệu về người đã nhiễm bệnh, đã được tiêm chủng.

Với những dấu hỏi lớn như vậy, các dự đoán về mức độ bùng phát lớn của Mỹ vào mùa hè này có sự khác nhau, từ 13.000 ca cho đến gấp 10 con số này.

Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết chính phủ đang có những phản ứng ngày càng mạnh mẽ hơn và nguồn cung vaccine sẽ sớm đáp ứng nhu cầu. "Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn có cơ hội kiểm soát điều này", ông Walensky nói với AP News.

 Đậu mùa khỉ xuất hiện ở Mỹ từ tháng 5 và đã lan ra ít nhất 44 tiểu bang. Ảnh: CDC.

Đậu mùa khỉ xuất hiện ở Mỹ từ tháng 5 và đã lan ra ít nhất 44 tiểu bang. Ảnh: CDC.

Đậu mùa khỉ là bệnh lưu hành ở các nước châu Phi. Tại đây, mọi người bị nhiễm bệnh qua vết cắn của loài gặm nhấm hoặc động vật nhỏ. Virus thường không dễ lây lan giữa người với người.

Nhưng trong năm năm nay, hơn 16.000 trường hợp đã được báo cáo ở các quốc gia chưa từng phát hiện bệnh. Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn ca bệnh xảy ra ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, mặc dù giới chức y tế nhấn mạnh bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus.

Bệnh lây lan chủ yếu qua tiếp xúc da kề da, nhưng nó cũng có thể phát tán qua khăn trải giường của người bệnh. Căn bệnh này đang lây lan trong cộng đồng như một bệnh lây qua đường tình dục, nhưng giới chức y tế vẫn chú ý tới những con đường khác. Bởi hai trẻ em và ít nhất 8 phụ nữ đã mắc căn bệnh này.

Triệu chứng bệnh gồm sốt, đau nhức cơ thể, ớn lạnh, mệt mỏi và nổi mụn nước trên cơ thể. Bệnh tương đối nhẹ ở nhiều nam giới và chưa có ai tử vong tại Mỹ. Nhưng việc lây nhiễm trong nhiều tuần kèm theo đau đớn vì tổn thương trên da khiến người bệnh bị ảnh hưởng khá lớn về tinh thần.

Không dễ kiểm soát đậu mùa khỉ

Khi bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện, nhiều lý do khiến giới chức y tế tin rằng họ có thể kiểm soát nó. Các vết sưng, mụn nước khá dễ phát hiện. Và virus lây lan qua tiếp xúc cá nhân gần gũi nên giới chức y tế cho rằng có thể xác định được người liên quan khi điều tra truy vết lịch sử dịch tễ của người bệnh, xem họ đã thân mật với ai.

Nhưng hóa ra nó không dễ dàng như vậy.

Bệnh đậu mùa khỉ rất hiếm ở Mỹ. Nhiều người bệnh và ngay cả bác sĩ của họ cũng chẩn đoán nhầm vết phát ban, mụn nước là do yếu tố khác.

Việc theo dõi tiếp xúc cũng bị cản trợ vì nhiều người không biết danh tính bạn tình. Một số quan hệ tình dục nhiều lần với những người lạ khác nhau. Điều này không giúp ích gì cho các cơ sở y tế địa phương - vốn đã phải gánh chịu áp lực từ Covid-19 và nhiều bệnh khác. Giờ đây, họ cũng phải tìm kiếm nguồn lực để truy vết chuyên sâu người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Điều này khiến một số nơi từ bỏ kỳ vọng sẽ tìm ra tất cả người tiếp xúc gần ca bệnh.

Nhưng vẫn còn lý do để họ lạc quan. Chính phủ Mỹ đang dự trữ và tiếp tục đặt mua khá nhiều vaccine. Phác đồ hai liều có tên Jynneos đã được cấp phép ở Mỹ vào năm 2019 và được khuyến nghị vào năm 2021 như một công cụ chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

Khi đợt bùng phát được phát hiện vào đầu tháng 5, giới chức Mỹ chỉ có khoảng 2.000 liều, Chỉ sau hai tháng, con số này đã tăng gấp nhiều lần. CDC bắt đầu khuyến cáo tiêm phòng cho những người cho rằng họ có thể đã bị nhiễm bệnh. Và chính lúc này, nhu cầu vượt quá nguồn cung, hàng loạt thành phố cạn vaccine.

Giới chức Mỹ tiếp tục đặt mua số lượng lớn vaccine bổ sung. Tính đến trung tuần tháng 7, chính phủ Biden đã phân phối hơn 191.000 liều và có thêm 160.000 liều đã sẵn sàng để gửi đi. Khoảng 780.000 liều sẽ được phân phát vào tuần tới. CDC cho rằng khoảng 1,5 triệu nam giới tại Mỹ có nguy cơ mắc bệnh cao.

Xét nghiệm cũng được mở rộng. Mỗi tuần có hơn 70.000 người được kiểm tra. Chính phủ bắt tay vào chiến dịch giáo dục cho bác sĩ, nam giới đồng tính, song tính về căn bệnh này.

 Chờ để tiêm vaccine đậu mùa khỉ tại Mỹ. Ảnh: AFP.

Chờ để tiêm vaccine đậu mùa khỉ tại Mỹ. Ảnh: AFP.

Bài toán toàn cầu

Nhà nghiên cứu Donal Bisanzio, RTI International, cho rằng giới chức y tế Mỹ có thể ngăn chặn sự bùng phát trước khi nó trở thành bệnh đặc hữu. Nhưng chúng ta khó chấm dứt nó ngay. Những vụ bùng phát mới có thể sẽ xuất hiện khi người Mỹ bị lây bởi người dân từ quốc gia khác.

Kịch bản này dẫn tới một điều rất quan trọng. Đó là nếu không được đẩy lùi trên toàn cầu, mọi quốc gia đều nằm trong nguy cơ bùng phát đậu mùa khỉ từ khách du lịch.

Giáo sư, tiến sĩ Edward Hook III, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Alabama ở Birmingham, Mỹ, nhận định việc lây lan bệnh cho các giới tính khác chỉ còn là vấn đề thời gian. Một khi nó trở thành bệnh lây truyền qua đường tình dục đặc hữu, đây sẽ là thách thức với ngành y tế vốn đang phải vật lộn để theo kịp các bệnh lây truyền qua đường tình dục hiện có.

Công việc như vậy từ lâu đã thiếu kinh phí và thiếu nhân viên. HIV và giang mai đang là bệnh được ưu tiên nhưng các bệnh như chlamydia, lậu cũng ngấp nghé. Trong nhiều năm qua, các ca lậu, chlamydia, giang mai đã tăng nhanh ở Mỹ.

Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện tuyến nội dung “Bệnh truyền nhiễm mùa hè”, nhằm cập nhật thông tin và giúp các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức phòng chống bệnh truyền nhiễm ở trẻ trong thời điểm giao mùa.

Nutifood GrowPLUS+ Sữa non với công thức được phát triển bởi Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển, xây dựng nền tảng FDI đề kháng khỏe, tiêu hóa tốt, giúp trẻ hấp thu tối ưu các dưỡng chất. Sản phẩm được bổ sung 100% sữa non 24 giờ tự nhiên từ Mỹ với hàm lượng kháng thể IgG 1000+, đã được chứng nhận lâm sàng giúp nhân đôi đề kháng, tạo nền tảng vững chắc cho bé cao lớn và thông minh hơn. Độc giả tìm hiểu thêm về sản phẩm tại đây hoặc liên hệ hotline (028)38255777.

Bảo Hân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-mua-khi-co-the-tro-thanh-benh-lay-qua-duong-tinh-duc-moi-post1338613.html