Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tối 18-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh đến dự.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán FTA, tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động… được chú trọng lồng ghép và cụ thể hóa thành các cam kết, dự án cụ thể trong các hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh. Bên cạnh các đối tác chủ chốt, quan hệ với các đối tác tiềm năng cũng tiếp tục được thúc đẩy qua các hoạt động trao đổi đoàn, họp các Ủy ban hỗn hợp.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tích cực gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy giải quyết vướng mắc để bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi.

Cụ thể, đối với địa phương, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức nhiều đoàn quảng bá cả ở trong và ngoài nước và hỗ trợ các tỉnh, thành phố ký kết hơn 20 Bản ghi nhớ với các đối tác quốc tế. Đồng thời, Bộ đã hỗ trợ các địa phương vận động thành công UNESCO công nhận thêm 3 di sản thiên nhiên và văn hóa, nâng số lượng di sản UNESCO công nhận lên 68, góp phần tạo thêm nguồn tài nguyên thúc đẩy phát triển du lịch.

Đối với doanh nghiệp trong nước, Bộ Ngoại giao chú trọng hỗ trợ các dự án của doanh nghiệp trong nước vươn ra nước ngoài, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư quốc tế và ứng phó với nhiều vụ kiện chống bán phá giá nhằm vào nông sản Việt tại các thị trường trọng điểm; tiếp tục vận động các nước thành viên EU ủng hộ gỡ bỏ thẻ vàng IUU fishing…

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp lớn của Mỹ, châu Âu, nhất là các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã vào thăm và làm việc tại Việt Nam nhằm tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác, kinh doanh.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược phục vụ điều hành kinh tế - xã hội tiếp tục được chú trọng, bám sát yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là công tác nghiên cứu phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIV, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030; cùng với thể chế hóa các cơ chế điều hành, phối hợp trong triển khai ngoại giao kinh tế được tăng cường tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác ngoại giao kinh tế.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, hoan nghênh sự đóng góp của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các doanh nghiệp, người dân cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 6 tháng đầu năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, do đó không được chủ quan, lơ là; phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn; hành động có trọng tâm, trọng điểm; phân công công việc rõ người, rõ việc, rõ lộ trình, rõ sản phẩm.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị cần tập trung kêu gọi đầu tư, mở rộng thị trường cho các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ và kinh tế tri thức; kết nối các nước, các khu vực kinh tế, các nền kinh tế với nền kinh tế trong nước và kết nối các doanh nghiệp ngoài nước với doanh nghiệp trong nước; đối với sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm xanh để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn thị trường của các nước, các khu vực trên thế giới, góp phần đảm bảo xuất khẩu tốt, lâu dài và bền vững…

HỮU THÔNG - QUANG MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202407/day-manh-ngoai-giao-kinh-te-de-thuc-day-tang-truong-kinh-te-1016010/