ĐBQH: Nhiều cán bộ có biệt phủ, giàu nhanh bất thường, sự nghiệp đi lên từ đất
Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt cho rằng, việc xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú, địa phú từ đất, đồng thời có nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, rất giàu, giàu nhanh bất thường, thậm chí sự nghiệp lên từ đất,… càng tăng thêm sự hoài nghi của nhân dân.
Chiều 16/5, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội, ĐBQH Đinh Duy Vượt - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có những phát biểu đáng quan tâm đến vấn đề đất đai.
Đại biểu Đinh Duy Vượt nhấn mạnh, đất đai là nguồn lực cực lớn nhưng hữu hạn của đất nước, là một trong những lợi thế quan trọng, tuy nhiên vấn đề này đang phức tạp, tiềm ẩn những bất ổn toàn diện cần có những chủ trương chính sách, thậm chí có cuộc cách mạng về đất đai, nhất là vùng đồng bào dân tộc như Bộ trưởng đã phát biểu, trong đó có sửa đổi toàn diện về luật đất đai.
"Bởi lẽ xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú, địa phú từ đất, đồng thời có nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, rất giàu, giàu nhanh bất thường, thậm chí sự nghiệp lên từ đất, cũng không ít người sự nghiệp lụi tàn là các cán bộ bị lộ" – ông Vượt nói và nhấn mạnh, điều này càng tăng thêm sự hoài nghi của nhân dân là có cơ sở.
Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt - đoàn Gia Lai. (ảnh: quochoi.vn).
Theo ĐB là Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đi cùng với tỷ lệ tăng khiếu kiện đông người gay gắt… tương lai sẽ rất nóng bởi các chính sách thu hồi đất giao cho DN "tay không bắt giặc", "lấy mỡ nó rán nó", "mượn đầu heo nấu cháo"... được giao, thuê làm dự án với giá bèo để phân lô bán nền ở các khu đô thị và địa phương cận thị.
"Vấn đề này gây ra cũng như dịch Covid-19, chưa có thuốc đặc trị, tiềm ẩn cho các ngân hàng có vốn nhà nước gặp nhiều rủi ro hoặc đứng sau dự án có thể là người nước ngoài nhất là các vị trí nhạy cảm về quốc phòng an ninh, rất nhiều dự án có chung thủ đoạn ủy quyền lòng vòng, mục đích là lừa đảo. Cho nên, cần có sự chỉ đạo của các cơ quan tư pháp nghiên cứu, tìm kẽ hở xử lý kịp thời" – ĐB Đinh Duy Vượt nói.
Đề cập đến các tỉnh miền núi, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nhìn nhận "có lẽ đất đai là nguồn lực duy nhất, tuy nhiên tình trạng lãng phí đất đai, sử dụng đất đai kém hiệu quả… chưa có nhiều chuyển biến dù các ĐBQH đã có kiến nghị.
Theo ông Vượt, hiện nay tồn tại một số DN nông-lâm trường để hàng ngàn ha cây trồng lay lắt, hàng ngàn ha hoang hóa chờ sang nhượng vườn cây, nhưng thực chất là giá trị tiền sử dụng đất vì lợi dụng chính sách được ưu đãi hàng năm không phải nộp một đồng nào cho nhà nước, trong khi nhiều DN có tiềm lực, có tâm, tiếp cận rất khó vì không có đất sạch, đồng thời còn nhiều hộ đồng bào sở tại thiếu đất là bất hợp lý, gây không ít bức xúc, tiềm ẩn như đống lửa tại nhiều địa phương, hiện tại và tương lai.
Về giải quyết đất đai cho nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số, ông Vượt đề nghị không hỗ trợ mà giao đất không thu tiền sử dụng đất với những hộ còn sức lao động, coi như đây là chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc miền núi, đồng thời quy định không được sang nhượng quyền sử dụng đất trong 10-15 năm, không quy hoạch, phê duyệt các dự án, thu hồi đất của đồng bào khi chưa bố trí được đất tái định canh định cư…
Về vấn đề giải quyết nguồn nước, ông Vượt nhìn nhận, nước ở miền cao, miền núi, nhất là trên Tây Nguyên "quý như máu của cơ thể". "Qua những năm hạn hán, và đang chịu cảnh hạn hán chứng minh điều đó" – ông Vượt nói.
"Cử tri biết và chia sẻ khó khăn vì do Covid-19 sẽ hụt thu nhiều tỷ đồng, phải chi những khoản lớn để chống dịch, song không thể dừng việc đầu tư nâng cấp, xây dựng thêm nhiều hồ chứa nước, nguồn nước này không chỉ cho miền núi, đồng thời đảm bảo an toàn hồ đập, thủy điện, thủy lợi, những quả bom nước trên cao những việc bức thiết cần làm ngay" – ông Vượt nêu quan điểm.
Về rừng, ông Vượt đề nghị phải nâng lên bằng lương cơ bản/ha/năm để người dân sống được từ nghề rừng. "Bởi lẽ rừng chính là hồ chứa nước, điều tiết nước khổng lồ phục vụ đời sống sản xuất, nguồn sống cho thủy điện, cho sông suối chảy về đồng bằng, cho bảo tồn phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc…" – ông Vượt khẳng định.
Sửa Luật Đất đai toàn diện khi có nghị quyết của T.Ư
Trước đó, tại phiên làm việc buổi sáng của Quốc hội, liên quan đến vấn đề quản lý tài nguyên đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà cho biết, xuất phát từ bảy vấn đề vướng mắc, khó khăn nên Chính phủ trong đó có Bộ TNMT đề xuất sửa đổi một số luật.
Đến nay, hầu hết các chủ trương, vướng mắc đã được tiếp thu, sửa đổi ngay trong luật như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và có Nghị quyết số 60 của Quốc hội về đẩy mạnh quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ TNMT cùng Ban Kinh tế Trung ương đã sơ kết Nghị quyết 19 về đất đai và đưa ra nhiều cơ chế về chính sách, quản lý. Bộ Chính trị đã có Kết luận 36 khẳng định tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện chính sách, pháp luật.
Việc sửa đổi ở đây liên quan đến rất nhiều đối tượng cần phải làm hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện từ vấn đề lý luận thực tiễn và đặc biệt chú ý hơn 60% những người đang sử dụng đất, đây là những người nông dân, nông thôn và nhiều vấn đề hệ trọng quan trọng khác thì cần phải tổng kết cả lý luận và thực tiễn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định khi có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đất đai giai đoạn 2021-2030, Chính phủ sẽ có ngay trên bàn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).