Đế chế kinh doanh của tỷ phú giàu thứ 2 Ấn Độ bị truy tố ở Mỹ
Từ một công ty vận tải hàng hải nhỏ, Tập đoàn Adani của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đã phát triển thành một trong những tập đoàn đa quốc gia, đa lĩnh vực lớn nhất Ấn Độ.
Tập đoàn Adani, một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất của Ấn Độ, được thành lập bởi tỷ phú Gautam Adani vào những năm đầu thập niên 1980.
Tập đoàn Adani nhanh chóng phát triển và mở rộng, trở thành một đế chế kinh doanh trải dài các lĩnh vực từ như cảng biển, sân bay, năng lượng, khai thác mỏ đến kinh doanh dầu ăn.
Ông trùm năng lượng, cơ sở hạ tầng
Trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Adani hiện có mảng kinh doanh khai thác than và sản xuất nhiệt điện thông qua Công ty Adani Power và công ty truyền tải năng lượng Adani Energy Solutions.
Bên cạnh đó, Adani Green Energy - công ty chính trong bản cáo trạng của Mỹ vừa qua - tập trung vào sản xuất năng lượng mặt trời, gió và năng lượng kết hợp. Công ty này hiện đã có mặt tại hàng chục tiểu bang của Ấn Độ.
Ngoài ra, Tập đoàn này còn sở hữu Tổng công ty khí đốt Adani, chịu trách nhiệm phân phối khí đốt tự nhiên qua đường ống, được điều hành thông qua quan hệ đối tác với TotalEnergies.
Ngoài năng lượng, Tập đoàn Adani cũng đã đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng của Ấn Độ bao gồm các cảng biển, cơ sở hạ tầng giao thông.
Hiện, Adani Ports đang quản lý số lượng cảng tư nhân lớn nhất Ấn Độ với 13 cảng nội địa, trong đó bao gồm cảng tư nhân nhộn nhịp nhất tại Mundra, bang Gujarat. Adani Ports cũng sở hữu 70% cổ phần tại cảng Haifa của Israel và 51% tại cảng Colombo của Sri Lanka.
Kể từ khi tham gia lĩnh vực hạ tầng hàng không vào năm 2019, Tập đoàn Adani đã quản lý các sân bay tại nhiều thành phố bao gồm Mumbai, Jaipur và Thiruvananthapuram thông qua công ty Adani Enterprises. Công ty này cũng tham gia vào các lĩnh vực hạ tầng đường bộ, bất động sản.
Nối dài tới lĩnh vực quốc phòng
Chưa dừng lại ở đó, Tập đoàn Adani cũng đã liên doanh với Wilmar International của Singapore tham gia lĩnh vực sản xuất dầu ăn và thực phẩm đóng gói như gạo basmati, bột mì và đường dưới thương hiệu Adani Wilmar.
Năm 2022, tập đoàn cũng gia nhập ngành xi măng với thỏa thuận mua lại lớn nhất trong lịch sử ngành này với Holcim AG tại Ambuja Cements và ACC. Sau đó, tập đoàn tiếp tục mở rộng để cạnh tranh với UltraTech Cement, nhà sản xuất xi măng lớn nhất Ấn Độ.
Tập đoàn Adani cũng bước chân vào lĩnh vực truyền thông từ năm 2022 thông qua việc mua lại phần lớn cổ phần tại Quintillion Business Media - một nền tảng truyền thông kỹ thuật số về tin tức tài chính. Sau đó, công ty đã củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực này bằng cách ký kết các thỏa thuận với đài truyền hình tin tức NDTV cùng năm và hãng thông tấn IANS vào năm 2023.
Bên cạnh các lĩnh vực kinh doanh tư nhân cơ bản, tập đoàn của tỷ phú Ấn Độ cũng là một trong số ít công ty tư nhân được tham gia lĩnh vực vũ khí quân sự. Tập đoàn này hiện cung cấp vũ khí sản xuất trong nước cho quân đội Ấn Độ. Năm 2018, tập đoàn đã ký một thỏa thuận cung cấp với Elbit Systems của Israel.
Dù là một trong những đế chế đa ngành lớn nhất tại Ấn Độ và châu Á, Tập đoàn Adani của tỷ phú Gautam Adani cũng vướng phải không ít tranh cãi và bê bối.
Trong bê bối gần nhất dẫn đến việc bị truy tố tại Mỹ, tỷ phú Ấn Độ và các lãnh đạo tại Adani Green Energy - công ty thành viên của Tập đoàn Adani - đã bị cáo buộc hối lộ 250 triệu USD để giành các hợp đồng năng lượng mặt trời ở Ấn Độ và che giấu kế hoạch này với các nhà đầu tư Mỹ.
Tuy nhiên, Tập đoàn Adani đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc này và gọi đây là những thông tin vô căn cứ.
Năm ngoái, vốn hóa Tập đoàn Adani cũng từng chịu tác động lớn sau khi công ty chuyên bán khống cổ phiếu Hindenburg Research của Mỹ đưa ra các cáo buộc về hành vi "thao túng cổ phiếu trắng trợn", "gian lận kế toán" và "rửa tiền" của tập đoàn này. Tập đoàn Adani say đó cũng đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc của Hindenburg, gọi đó là sự kết hợp "ác ý" giữa "thông tin sai lệch có chọn lọc và các cáo buộc cũ kỹ, vô căn cứ nhằm gây mất uy tín".