Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (Khóa XIII) xác định mục tiêu phát triển kinh tế tập thể rất rõ ràng. Để đạt các mục tiêu Nghị quyết đề ra, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Hội nghị Trung ương lần thứ Năm (khóa XIII) của Đảng đã đánh giá thẳng thắn, khu vực kinh tế tập thể ở nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trường, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm. Hợp tác xã phát triển không đều giữa các địa phương, vùng, miền giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng các hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân tỏng hợp tác xã có xu hướng giảm; không ít các thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xã. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn yếu; vấn đề nợ của hợp tác xã, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Số lượng liên hiệp hợp tác xã ít; tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thiếu ổn định; nhiều hợp tác xã chuyển đổi, tổ chức lại mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất…

Nghị quyết xác định các mục tiêu cụ thể là: đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ, sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài. Đến năm 2045, phấn đấu tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ.

Để triển khai và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể và đạt được các mục tiêu trên, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể. Phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, cần có chính sách phù hợp để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của kinh tế tập thể gồm: Nợ tồn đọng kéo dài trong hợp tác xã (nợ nhà nước, nợ ngân hàng, nợ các tổ chức kinh tế khác, nợ thành viên, thành viên nợ hợp tác xã…); các quan hệ tài sản của các hợp tác xã, đặc biệt là tài sản liên quan đến đất đai. Rà soát, sắp xếp lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật; cơ cấu lại các hợp tác xã tín dụng, nhất là xử lý một số hợp tác xã tín dụng yếu kém.

Các thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể, phải phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong trào quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế tập thể. Khuyến khích mở rộng thành viên. Cùng với đó, phải đồng bộ hóa các chính sách, phải tiến hành sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định pháp luật về kinh tế tập thể như: Quy định về các loại hình tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức đại diện; quy định về hợp tác xã, phát triển thành viên, về nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; quy định về phát triển doanh nghiệp trong kinh tế tập thể… Sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đã, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng xác định các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công – quản trị cộng đồng). Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù cho kinh tế tập thể. Xây dựng chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc để thống nhất, tập trung nguồn lực, phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế tập thể và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ với một số chính sách cụ thể như: Chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách đất đai, chính sách tài chính, chính sách tín dụng, chính sách khoa học – công nghệ, chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách bảo hiểm xã hội...

BẢO NGỌC

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/de-dat-muc-tieu-phat-trien-kinh-te-tap-the-124405.html