Để đồng bào luôn tin Đảng: Bài 4 - Quan tâm trọng dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số

Thực tế hiện nay cho thấy phát triển KT-XH giữa các khu vực trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chưa đồng đều. Sự chênh lệch giàu - nghèo khá rõ nét giữa khu vực trung tâm, thuận lợi và các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện toàn tỉnh còn 59 xã diện đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Đây cũng là

Thực tế hiện nay cho thấy phát triển KT-XH giữa các khu vực trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chưa đồng đều. Sự chênh lệch giàu - nghèo khá rõ nét giữa khu vực trung tâm, thuận lợi và các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện toàn tỉnh còn 59 xã diện đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Đây cũng là "vùng lõm” về trình độ dân trí, thiếu hụt đội ngũ cán bộ (CB) chất lượng. Do đó, đầu tư cho phát triển giáo dục và đội ngũ CB người DTTS được tỉnh Hòa Bình xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có tính chiến lược, lâu dài để phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị vùng DTTS nói chung, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.

Trường PT DTNT THCS&THPT Mai Châu được đầu tư trang thiết bị góp phần đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc.

Trường PT DTNT THCS&THPT Mai Châu được đầu tư trang thiết bị góp phần đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc.

Khởi sắc giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngược đèo Thung Khe, chúng tôi lên thăm huyện vùng cao Mai Châu khi cô và trò nơi đây hân hoan bước vào năm học 2024 - 2025. Mai Châu có 8/16 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trên địa bàn huyện có 6 DTTS, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm khoảng 60% dân số. Là huyện vùng cao, còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, diện mạo Mai Châu đã có nhiều khởi sắc. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện giảm còn 17,14%. Đặc biệt, địa phương đã được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như đội ngũ CB, giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đinh Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú (PT DTNT) THCS&THPT Mai Châu cho biết: Nhà trường đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nhằm phát huy hiệu quả cơ sở vật chất được trang bị, nhà trường triển khai công tác giáo dục toàn diện theo hướng kết hợp dạy học văn hóa với tổ chức các hoạt động tập thể để giáo dục tình cảm, đạo đức, thể chất, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Ngoài giáo dục, rèn luyện cho học sinh, do nhiều em theo học tại nhà trường có hộ khẩu thường trú tại các xã vùng III, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn về chăm sóc, nuôi dưỡng nên nhà trường đã tăng khẩu phần ăn, bổ sung dinh dưỡng để nâng cao thể chất cho học sinh. Những năm gần đây, giáo dục mũi nhọn các trường học trên địa bàn huyện Mai Châu nói chung, nhà trường nói riêng có nhiều khởi sắc. Năm học vừa qua toàn trường có 50 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT nhà trường xếp thứ 8/48 trường THPT và trường có khối THPT trên toàn tỉnh; 60% học sinh lớp 12 đỗ nguyện vọng 1 các trường đại học. Thật tự hào khi những học sinh người DTTS của huyện vùng cao Mai Châu đã trở thành sinh viên các trường đại học top đầu cả nước như Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y, Đại học Sư phạm Hà Nội...

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 13 trường PT DTNT, trong đó có 1 trường PT DTNT THPT, 11 trường PT DTNT THCS&THPT, 1 trường PT DTNT THCS. Toàn tỉnh có 4.498 học sinh các trường DTNT, trong đó cấp THCS 2.670 học sinh, cấp THPT 1.828 học sinh. Hệ thống các trường DTNT được mở rộng về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc học tập, ăn ở sinh hoạt đã tạo cơ hội cho học sinh DTTS được học tập trong điều kiện học tập tốt nhất, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục dân tộc.

Bên cạnh hệ thống trường PT DTNT nói riêng, hệ thống cơ sở giáo dục trên địa bàn nói chung cũng được quan tâm đầu tư; các chế độ, chính sách đối với giáo viên và học sinh được đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Hiện nay, toàn tỉnh có 59,3% trường học đạt chuẩn quốc gia. Trong đó giáo dục mầm non đạt 71,2%; cấp tiểu học đạt 85,2%; cấp THCS đạt 77,8%, trường phổ thông nhiều cấp học đạt 47,06%; cấp THPT đạt 22,2%. Qua đó góp phần nâng cao toàn diện chất lượng công tác giáo dục, trong đó có giáo dục dân tộc.

Để khích lệ, động viên học sinh người DTTS, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt việc hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí; chính sách ưu tiên đối với học sinh mẫu giáo, học sinh dân tộc rất ít người; hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp… với tổng kinh phí giai đoạn 2019 - 2024 là 810 tỷ đồng.

Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong xây dựng hệ thống chính trị

Sự quan tâm đầu tư cho giáo dục dân tộc đã mang lại trái ngọt khi ngày càng có nhiều học sinh người DTTS đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp, thi đỗ vào các trường đại học top đầu cả nước. Đây là minh chứng cho thấy sự quan tâm thiết thực, hiệu quả của Đảng, Nhà nước cho thế hệ trẻ vùng đồng bào DTTS; là nguồn nhân lực chất lượng cao, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng tỉnh nhà thời kỳ đổi mới. Con em người DTTS sau khi hoàn thành học tập tại các trường cao đẳng, đại học đã quay về Hòa Bình làm việc, kịp thời bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.

Trong giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Hòa Bình đã tuyển dụng 836 công chức, viên chức (CC,VC), trong đó có 561 CC,VC người DTTS. Do thực hiện tốt công tác tuyển dụng CC,VC là người DTTS nên hiện nay số CB là người DTTS chiếm 31% tổng số CB,CC,VC cấp tỉnh, 51% cấp huyện và 88% cấp xã. Số lượng CB,CC,VC là người DTTS các cấp của tỉnh Hòa Bình đều vượt so với quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về "phát triển đội ngũ CB,CC,VC người DTTS trong thời kỳ mới”. Đến nay đội ngũ CB, CC,VC là người DTTS của tỉnh đã nâng lên cả về chất lượng và số lượng. Đội ngũ CB,CC,VC người DTTS của tỉnh được đánh giá là có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực nghiệp vụ, có vị trí quan trọng trong cấp ủy, chính quyền các cấp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB người DTTS trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm cụ thể với những đổi mới về nội dung đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ. CB người DTTS được cử đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; tham gia các chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; bổ sung cập nhật kiến thức, kỹ năng… Nhiều CB người DTTS được quan tâm cử tuyển đi đào tạo ở trong nước và quốc tế. Nhờ vậy trong đội ngũ CB,CC,VC người DTTS ngày càng có nhiều tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa II có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng làm việc hiệu quả.

Đội ngũ CB là người DTTS cũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chọn lựa giữ những trọng trách quan trọng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện nay toàn tỉnh có 34/48 đơn vị, sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh có CB là người DTTS trong tập thể lãnh đạo; CB là người DTTS chiếm 50% tổng số CB thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 65% tổng số CB thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Đại biểu HĐND tỉnh có 71% đại biểu là người DTTS; HĐND các huyện, thành phố có 74% đại biểu là người DTTS.

Những con số trên cho thấy sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung, đội ngũ CB người DTTS nói riêng. Đặc biệt, ngày 20/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 10-ĐA/TU và Nghị quyết số 11-NQ/TU về "xây dựng đội ngũ CB trẻ, CB nữ, CB là người DTTS tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” với quan điểm cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ xây dựng, tạo nguồn cũng như mạnh dạn lựa chọn sử dụng CB người DTTS.

Đội ngũ CB người DTTS là nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH, chính trị ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh ta nói chung, vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong vùng đồng bào DTTS nói riêng. Do đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường lực lượng CB là người DTTS đến công tác ở vùng đồng bào DTTS. Nghiên cứu, sửa đổi tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm và các cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút CB người DTTS. Có như vậy, CB người DTTS sẽ yên tâm, nỗ lực phát huy năng lực cá nhân, tinh thần trách nhiệm trong công việc, giữ vững lập trường tư tưởng vững vàng. Mỗi CB người DTTS cũng đồng thời là một "chiến sỹ” trên mặt trận văn hóa tư tưởng lan tỏa năng lượng tích cực, tạo sự đồng thuận và nhất là củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN mà chúng ta đang xây dựng.

(Còn nữa)

Dương Liễu - Đỗ Quyên

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/193959/de-dong-bao-luon-tin-dang-bai-4-quan-tam-trong-dung-can-bo-la-nguoi-dan-toc-thieu-so-.htm