Để hàng cứu trợ đến đúng lúc, đúng nơi

Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Những ngày trung tuần tháng 9, có mặt tại một số địa phương như Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang..., chúng tôi được chứng kiến trên các trục đường nườm nượp xe chở hàng cứu trợ của người dân cả nước đến với đồng bào chịu ảnh hưởng bởi bão lũ.

Đó là những hình ảnh sinh động minh chứng cho tinh thần "tương thân tương ái", “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, góp phần quan trọng hỗ trợ, giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Việc các tập thể, cá nhân, các nhóm thiện nguyện tổ chức những đoàn xe cứu trợ rất đáng được hoan nghênh. Các mặt hàng cứu trợ dù là gì, ít hay nhiều cũng đều hết sức đáng quý, bởi đó là tấm lòng, là tình cảm, sự quan tâm của cả nước đối với đồng bào vùng bão lũ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã có những bất cập trong việc cứu trợ, cần sớm được khắc phục để hàng cứu trợ đến sớm, đến đúng nơi cần.

Vận chuyển hàng cứu trợ đến với người dân vùng ngập lụt tại phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Vận chuyển hàng cứu trợ đến với người dân vùng ngập lụt tại phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Trước hết, đó là việc nhiều xe chở hàng cứu trợ do không thông thuộc địa bàn, đường sá nên tập trung về một số địa điểm thuận lợi dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Đặc biệt, một số lượng lớn xe đổ dồn về các điểm tiếp nhận của Mặt trận Tổ quốc, hội chữ thập đỏ địa phương, khiến các cơ quan này phải huy động hết nhân lực, thậm chí phải “cầu cứu” cả bộ đội để bốc dỡ từ sáng sớm đến đêm khuya. Các loại hàng hóa chất kín kho khiến việc quản lý, điều phối phức tạp; việc bốc xếp, vận chuyển tốn rất nhiều thời gian, công sức, phương tiện, từ đó hàng đến với đồng bào chậm, bỏ lỡ “thời điểm vàng” cứu trợ.

Một vấn đề nữa là nhiều đoàn cứu trợ do chưa nắm được nhu cầu của bà con nên tập trung cung cấp quá nhiều mì tôm, sữa, nước đóng chai... Trong khi đó, ở mỗi địa bàn, tại mỗi thời điểm, người dân lại cần những mặt hàng khác nhau. Ví dụ, thời gian đầu, do nước lũ còn cao, có nơi bị cô lập, thậm chí mất điện, nước nên bà con cần nước đóng chai, sữa, mì tôm, thực phẩm khô không cần chế biến, đèn pin, áo mưa, xuồng... Sau khi nước rút, điện, nước dần được khôi phục thì cần gạo, mắm, muối, nồi cơm điện, ấm đun nước, bột giặt... Sau nữa là cần vật liệu để sửa sang nhà cửa, cây, con giống... để phục hồi sản xuất...

Để khắc phục những bất cập trên, nhiều ý kiến đề xuất chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, hội chữ thập đỏ địa phương... cần thường xuyên cập nhật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, website chính thức, các nền tảng mạng xã hội của mình thông tin về nhu cầu hỗ trợ (chủng loại, số lượng hàng hóa), tình hình giao thông, chỉ dẫn đường đi... cho từng khu vực, địa bàn, chủ động phối hợp điều phối để các đoàn cứu trợ có thể đến tận nơi, trao tặng kịp thời những mặt hàng phù hợp. Trường hợp giao thông không thuận lợi, không bảo đảm an toàn... thì mới tập kết hàng ở địa điểm trung gian. Vừa qua, một số địa phương đã thực hiện điều này, kết quả mang lại rất tích cực.

Thiên tai, bão lũ sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, việc cứu trợ chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Mong rằng với sự chung tay của cả xã hội, hàng cứu trợ sẽ đến đúng lúc, đúng nơi, phát huy hiệu quả thiết thực.

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/de-hang-cuu-tro-den-dung-luc-dung-noi-796233