Đề nghị truy tố 14 bị can trong hai đường dây buôn lậu 113 kg vàng

Lợi dụng chênh lệch giá vàng Việt Nam và quốc tế cùng nhu cầu kinh doanh, sử dụng vàng trong nước lớn, các bị can đã móc nối, tổ chức 2 đường dây buôn lậu 113 kg vàng, trị giá hơn 252 tỉ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra đối với 14 bị can trong vụ án buôn lậu xảy tra tại địa bàn tỉnh Long An (cũ), An Giang và các đơn vị liên quan.

Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố bị can Nguyễn Hoàng Sa (tên thường gọi là Tỷ hoặc Mon; ngụ Hà Nội) và Nguyễn Minh Trí (ngụ Long An cũ) cùng 12 bị can khác về cùng tội buôn lậu.

Theo kết luận điều tra, lợi dụng chênh lệch giá vàng Việt Nam và quốc tế cùng nhu cầu kinh doanh, sử dụng vàng trong nước lớn, các bị can tại các tỉnh, thành Long An (cũ), An Giang, Cà Mau, TP.HCM và Hà Nội đã móc nối, tổ chức 2 đường dây buôn lậu tổng số 113 kg vàng, trị giá hơn 252 tỉ đồng.

Cầm đầu đường dây buôn lậu 36 kg vàng rồi bỏ trốn

Trong đó, đường dây của bị can Nguyễn Hoàng Sa đã buôn lậu 36 kg vàng trị giá gần 80 tỉ đồng qua khu vực biên giới tỉnh An Giang.

Cụ thể, do có nhu cầu mua vàng nguyên liệu phục vụ hoạt động kinh doanh, các bị can là chủ tiệm vàng, gồm: Lê Huy Phương, Huỳnh Cẩm Chương, Phạm Ngọc Thắng, Đặng Thị Thanh Huệ đã thỏa thuận với Sa mua vàng lậu (hàm lượng Au 99,99%) tại Campuchia rồi vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ, thu lợi bất chính.

 Các bị can trong vụ án buôn lậu vàng xuyên biên giới. Ảnh: CA

Các bị can trong vụ án buôn lậu vàng xuyên biên giới. Ảnh: CA

Sa biết Nguyễn Hữu Nghĩa (thường gọi là Nghĩa Trời hoặc ông Cá Linh, trú tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia) có ruộng lúa bên Campuchia và thường xuyên qua lại biên giới.

Sa đã thuê Nghĩa dùng xuồng máy vận chuyển USD được đóng trong thùng giấy dán kín hoặc túi nilon màu đen... của các chủ tiệm vàng sang Campuchia giao cho "Xây", "Mập" (người Campuchia, không rõ thông tin cá nhân) để đặt mua vàng.

Sau khi nhận vàng, Nghĩa vận chuyển về Việt Nam giao cho Lê Thị Kim Xuyên (vợ của Nghĩa). Xuyên giao vàng cho 3 cá nhân do Sa thuê, gồm: Huỳnh Ngọc Quang Trung, Ngô Việt Quốc Tuấn hoặc Ôn Thế Hải để vận chuyển về TP.HCM, An Giang, Cà Mau giao cho các chủ tiệm vàng trên và nhận tiền thanh toán.

Sa trả công 3 triệu đồng/chuyến vận chuyển cho Tuấn, Trung, Nghĩa và Hải 500.000 đồng.

Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, các bị can sử dụng sim “rác, lập nhóm trên Telegram, Whashap để trao đổi thông tin. Sử dụng mật hiệu "cá hoặc khô cá" nghĩa là "Vàng", "96" nghĩa là "USD", "ông bà bán cá" nghĩa là vợ chồng Nghĩa.

Vàng được đựng trong túi nilon màu đen, dán kín băng dính, cất giấu dưới động cơ vỏ lãi. Bên ngoài ghi ký hiệu "Tom hoặc L" là vàng do Phương đặt, ký hiệu "Ka" là vàng do Chương đặt, ký hiệu "TH" là vàng do Thắng đặt và ký hiệu "Adi" là vàng do Huệ đặt.

Trước khi vận chuyển về Việt Nam, vàng được tác động nhiệt để xóa thông tin nguồn gốc. Các chủ tiệm vàng nhận vàng sẽ nung chảy, cắt nhỏ hoặc chế tác thành trang sức để bán cho các khách hàng.

Trong các ngày 11, 14, 16 và 17-12-2024, Nguyễn Hoàng Sa đã tổ chức mua, vận chuyển 5 chuyến buôn lậu Vàng. 4 chuyến đầu tiên trót lọt, nhưng đến chuyến cuối cùng, nhóm của Sa bị Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ.

Truy nã Nguyễn Hoàng Sa

Bị can Nguyễn Hoàng Sa hiện bị truy nã theo Quyết định truy nã ngày 11-4-2025 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

CQĐT đã đăng tải thông tin, kêu gọi bị can ra đầu thú, hợp tác điều tra để hưởng chính sách khoan hồng và đảm bảo quyền tự bào chữa theo quy định.

Trong trường hợp bị can không ra trình diện hoặc đầu thú, coi như từ bỏ quyền tự bào chữa, sẽ bị điều tra, truy tố và xét xử.

Vàng lậu được cất giấu dưới thùng đựng cá

Cũng theo kết luận điều tra, cuối năm 2023, Nguyễn Minh Trí nhận vận chuyển vàng thuê cho Nguyễn Hoàng Sa.

Được khoảng 2 tháng thì Trí nghỉ việc. Thông qua việc làm thuê cho Sa, Trí biết Van Hear (người Campuchia, không rõ thông tin cá nhân) là đầu mối bán vàng thỏi tại Campuchia. Trí biết các chủ tiệm vàng là Nguyễn Chí Khoa và Phạm Ngọc Thắng có nhu cầu mua vàng.

Trí từng vận chuyển cá sang Campuchia bán và có thể cất giấu vàng, USD về Việt Nam. Đến giữa năm 2024, Trí thỏa thuận mua vàng của Van Hear. Trí bỏ ra 150.000 USD đưa cho Van Hear. Số tiền còn lại tùy theo số lượng khách hàng đặt mua vàng, Van Hear chịu trách nhiệm thu xếp.

Khi Khoa và Thắng đặt mua vàng, Trí liên hệ với Van Hear hỏi giá rồi chốt giá với khách. Van Hear sẽ mua vàng tại Campuchia và thuê Điền (quốc tịch Campuchia, không rõ thông tin cá nhân) vận chuyển đến biên giới Việt Nam - Campuchia và báo cho Trí nhận vàng.

Thời gian đầu, Trí trực tiếp sang Campuchia gặp Điền nhận vàng. Đến đầu tháng 12-2024, Trí thuê Nguyễn Văn Sang lái xe ba gác mang theo USD sang Camphuchia gặp Điền để nhận vàng và giao tiền.

Sau khi vàng được Sang mang về Việt Nam, Trí thuê Cao Văn Chức nhận vàng và vận chuyển về TP.HCM giao cho chủ tiệm vàng.

Nhóm của Trí sử dụng mật hiệu như "Cá" nghĩa là "Vàng", "96" nghĩa là "USD"... và trao đổi thông tin qua Telegram. Vàng lậu được đựng trong túi nilon đen, dán kín băng dính và cất giấu dưới các thùng đựng cá trên xe ba gác mang về Việt Nam. Bên ngoài ghi "T" là vàng do Thắng đặt, ghi "K" là vàng do Khoa đặt.

Với phương thức thủ đoạn nêu trên, từ ngày 6-12-2024 đến ngày 17-12-2024, Nguyễn Minh Trí đã mua 77 kg vàng tại Campuchia, tổng trị giá hơn 172 tỉ đồng.

Nguyễn Minh Trí đã bán cho Khoa 29 kg vàng tổng trị giá gần 65 tỉ đồng và bán cho Thắng 48 kg vàng, tổng trị giá 107 tỉ đồng. Trí thu lợi bất chính 26.920 USD, tương đương 653 triệu đồng.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-nghi-truy-to-14-bi-can-trong-hai-duong-day-buon-lau-113-kg-vang-post861367.html