Đề nghị xem xét tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức

Chiều 1-10, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2022.

Tại cuộc họp báo, vấn đề được nhiều cơ quan báo chí quan tâm là: Thời gian vừa qua, xuất hiện tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) xin nghỉ việc; một số doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu phản ánh "càng bán càng lỗ" vì chiết khấu thấp, dẫn tới có hiện tượng nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ bán hàng cầm chừng để bảo đảm không bị phạt...

39.500 cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc

Cung cấp thông tin liên quan đến việc thời gian vừa qua xuất hiện tình trạng nhiều CB, CC, VC nghỉ việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Bộ Nội vụ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này và đã có văn bản gửi đến tất cả các bộ, ngành, địa phương để có những thống kê cụ thể. Thống kê sơ bộ, từ năm 2020 đến tháng 6-2022 có hơn 39.500 CB, CC, VC xin thôi việc chuyển ra khu vực tư nhân, chiếm gần 2% tổng số CB, CC, VC. Trong số người thôi việc, khối Trung ương có 18%, địa phương 82%. Trong số người nghỉ việc, chiếm phần nhiều là thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế.

Nói về nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, bao gồm cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan đến từ tác động của nền kinh tế thị trường, trong đó có thị trường lao động. Thu nhập của CB, CC, VC tại một số địa phương bị chênh lệch so với mặt bằng thu nhập của người dân trên địa bàn. Ngoài ra, hiện đang thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp, trong đó có việc ký hợp đồng làm việc. Chính vì vậy, tạo sự “ra-vào” giữa khu vực công và tư thường xuyên hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ phát biểu tại họp báo. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ phát biểu tại họp báo. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Về nguyên nhân chủ quan, theo đại diện Bộ Nội vụ, chế độ chính sách tiền lương trong khu vực công còn rất nhiều khó khăn so với nhu cầu cuộc sống của CB, CC, VC. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đội ngũ chuyên gia làm chưa tốt. Điều này dẫn tới, nhiều nhân sự có kiến thức chuyên môn giỏi chuyển sang khu vực tư để làm việc vì có nhiều chính sách thu hút, hấp dẫn hơn. Ngoài ra, việc thực hiện chủ trương tinh gọn, tinh giản biên chế gắn với sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy cũng gây ra "sức ép", áp lực công việc với CB, CC, VC, trong đó áp lực nhất là ngành y tế. Đồng thời, còn lý do cá nhân như công chức, viên chức muốn thử sức ở môi trường mới, thay đổi định hướng nghề nghiệp... "Đứng trước sự việc này, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Trung ương, Quốc hội xem xét tăng lương cho các đối tượng này phù hợp", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chia sẻ.

Bộ Công Thương: Nhà nước không quy định chiết khấu xăng, dầu

Liên quan tới việc ổn định thị trường xăng, dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết vai trò chính của liên Bộ Công Thương-Tài chính là bảo đảm nguồn cung và điều hành giá xăng, dầu hợp lý. Về chiết khấu của các doanh nghiệp xăng, dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, bản chất của mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng, dầu (doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, phân phối kinh doanh xăng, dầu...) cho các đối tượng khác (doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu).

Hiện nay, Nhà nước điều hành giá xăng, dầu theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng, dầu (KDXD), chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu (giá trần). "Mức chiết khấu dành cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, phân phối KDXD. Theo đó, khi nguồn cung xăng, dầu dồi dào hoặc giá thế giới giảm thì các doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán xăng, dầu có xu hướng tăng mức chiết khấu để đẩy lượng bán ra. Ngược lại, khi giá tăng lên thì họ sẽ giảm mức chiết khấu đi", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lý giải.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian vừa qua, mức chiết khấu KDXD thấp vì hai lý do. Thứ nhất, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng, dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến hoạt động KDXD của các doanh nghiệp. Trong giai đoạn quý II, do lo ngại thiếu nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối KDXD tăng mạnh lượng nhập khẩu. Tuy nhiên sang quý III, giá xăng, dầu thế giới liên tục giảm, nhiều doanh nghiệp đã thua lỗ do nhập khẩu lượng xăng, dầu tương đối lớn với giá cao. Và để giảm chi phí, giảm thiệt hại trong kinh doanh, các doanh nghiệp phải giảm mức chiết khấu trong phân phối.

Lý do thứ hai là từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí KDXD tăng, ví dụ chi phí vận tải, vận chuyển... nhưng để kiềm chế lạm phát, những chi phí này chưa được Bộ Tài chính-đơn vị trực tiếp quản lý giá các mặt hàng này công bố điều chỉnh. Vì vậy, để bảo đảm duy trì kinh doanh, các doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có mức chiết khấu. “Bộ Công Thương đã nhiều lần đề xuất với các cấp có thẩm quyền và Chính phủ về tính toán chi phí cho KDXD. Ngày 23-9 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện đúng quy định của pháp luật để bảo đảm nguồn cung xăng, dầu và quyền lợi của các doanh nghiệp liên quan trong KDXD”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/de-nghi-xem-xet-tang-luong-co-so-cho-can-bo-cong-chuc-706963