Để ruộng đồng xanh trở lại

Ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn TP. Sông Công đã gây tổng thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất. Sau bão lũ, các phòng, ban chuyên môn của thành phố đã tập trung hướng dẫn bà con khẩn trương khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Người dân tổ dân phố Cầu, phường Lương Sơn, TP. Sông Công, kiểm tra cây lúa sau khi bị ngập úng.

Người dân tổ dân phố Cầu, phường Lương Sơn, TP. Sông Công, kiểm tra cây lúa sau khi bị ngập úng.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP. Sông Công, ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 422,6ha lúa, 0,7ha hoa màu trên địa bàn thành phố bị ngập úng, gãy đổ, thiệt hại lớn về năng suất, sản lượng. Trong đó, phường Lương Sơn bị thiệt hại nặng nhất, với trên 100ha lúa và hoa màu tại 8 tổ dân phố bị ngập sâu nhiều ngày, hầu như mất trắng.

Sau một tuần nước rút, có mặt tại một số cánh đồng vừa bị ngập úng ở các tổ dân phố Cầu và Soi, phường Lương Sơn, chúng tôi chứng kiến bà con nông dân đang nỗ lực dọn dẹp đồng ruộng để gieo trồng vụ mới. Khẩn trương thu dọn những thân cây ngô bị chết trên ruộng, chị Vũ Thị Hằng, ở tổ dân phố Cầu, chia sẻ: Gia đình tôi cấy 7 sào lúa mùa muộn và trồng hơn 2 sào ngô, nhưng tất cả đều bị ngập dài ngày, khi nước rút thì ngô bị phù sa lấp, cây chết lá trắng ruộng; rễ lúa thì bị thối đen, cây ngả sang màu thâm. Rất xót xa vì đã bỏ ra bao công sức vun trồng, nhưng gia đình tôi vẫn phải nhổ cây lên để vệ sinh đồng ruộng, gieo trồng vụ mới...

Tại tổ dân phố Soi, sau nhiều ngày bị ngập, vườn đào với hàng trăm gốc của gia đình bà Đỗ Thị Hiền đã bị thối gốc, lá héo úa. Bà Hiền cho biết: Gia đình đã đầu tư 40 triệu đồng mua cây đào giống, rồi mất thêm nhiều công ghép mắt, chăm sóc, nhưng giờ phải nhổ đi để trồng cây mới. Chúng tôi mong được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để người dân bị thiệt hại có thêm điều kiện đầu tư tái sản xuất...

Ngay sau khi bão lũ qua đi, các đơn vị chuyên môn của TP. Sông Công đã nhanh chóng chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn bám sát đồng ruộng, tham mưu với chính quyền địa phương đưa ra các phương án khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục và duy trì sản xuất.

Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Sông Công, cho biết: Ngay sau khi nước thoát tại các cánh đồng bị ngập úng, đơn vị phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con khôi phục lại diện tích lúa còn có thể phát triển. Đối với diện tích lúa, hoa màu không thể hồi phục được thì vệ sinh đồng ruộng để giải phóng diện tích đất kịp thời cho sản xuất vụ đông.

Vụ đông năm nay, TP. Sông Công có kế hoạch gieo trồng 230ha ngô, rau màu các loại, tuy nhiên các phòng, ban chuyên môn sẽ vận động, hướng dẫn bà con tăng diện tích vụ đông lên để bù đắp sản lượng cây trồng vụ mùa vừa bị thiệt hại. Đặc biệt là khuyến khích bà con sản xuất rau màu trái vụ để tăng giá trị cây trồng trên cùng một diện tích đất canh tác, sử dụng giống ngắn ngày (đặc biệt là rau xanh) để mau được thu hoạch, chóng quay vòng đất.

Theo lãnh đạo TP. Sông Công, hiện nay các phòng, ban chuyên môn của thành phố cũng đang tập trung hướng dẫn bà con thống kê diện tích bị thiệt hại để thành phố đề xuất với tỉnh hỗ trợ kinh phí mua giống, vật tư sản xuất vụ mới.

Sơn Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202409/de-ruong-dong-xanh-tro-lai-85a10ee/