Để trẻ không làm theo điều xấu trên YouTube!

Ngày 27/4, 4 bệnh nhi (từ 5-7 tuổi, đều trú xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh này vì ngộ độc lâm sàng do ăn thịt cóc. Theo lời người nhà, nguyên nhân các cháu nhập viện là do thực hành theo video nướng cóc đã xem trên YouTube trước đó.

Trong đó có một bệnh nhi bị nôn nhiều, nhịp tim chậm, lơ mơ và phổi thông khí nên phải chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi tiếp. Rất may mắn là nhờ sự điều trị tích cực của các y bác sĩ, cuối cùng cả bốn cháu đều qua cơn nguy kịch.

Sự việc chưa lắng xuống thì vào ngày 12/10 lại xảy ra một vụ tương tự và để lại hậu quả rất đau lòng. Vào lúc 14 giờ 10 cùng ngày, trong khi ba mẹ đi làm, bé V.T.D (5 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) ở nhà với ông bà ngoại. Chỉ trong vài phút ông bà ngoại bận việc, không để mắt đến cháu, D đã lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình.

Khi gia đình phát hiện thì bé đã bất tỉnh nên vội vã đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, sau đó bé qua đời do bị ngạt, chết não, ngưng tim. Chị N.T.N (dì của D) buồn rầu cho biết thường ngày bé hay xem nhiều kênh YouTube khác nhau có nội dung phản cảm, bạo lực và lý do tử vong không loại trừ việc bé làm theo video “trò chơi treo cổ” vốn xuất hiện nhan nhản trên các kênh này!

Lâu nay có một thực tế là nhiều bậc cha mẹ, người lớn thường cho trẻ trong nhà xem các kênh YouTube mà không thèm ngó ngàng hay quản lý gì. Vì thế, nhiều cháu dần nghiện, vô tình bị chi phối, khuyến khích làm theo các hoạt động vô thưởng vô phạt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng có trong các video, clip mà hai sự việc vừa kể trên là ví dụ. Vậy phải làm gì để trẻ không học và làm theo điều xấu trên YouTube?

Trong khi chờ đợi sự theo dõi ngăn chặn, khóa, xóa các kênh YouTube có nội dung xấu, không lành mạnh của cơ quan chức năng, vấn đề quan trọng đặt ra là các bậc cha mẹ phải cùng con cái tự bảo vệ mình. Cụ thể là phải thường xuyên kiểm soát việc sử dụng điện thoại thông minh, Ipad, laptop của trẻ, chỉ nên cho dùng trong một thời gian quy định trong ngày.

Đồng thời đồng hành cùng con, hướng dẫn con sử dụng internet sao cho khoa học, phù hợp với việc học tập, sinh hoạt. Người lớn phải làm gương trong việc sử dụng internet để con cái noi theo, cha mẹ không nên “ôm” điện thoại sống ảo mà phó mặc cho con cũng tự do lang thang trên mạng để đến khi tỉnh ra thì sự đã rồi! Có như vậy thì mới mong hạn chế tiến tới giảm thiểu những tai nạn thương tâm, những cái chết đau lòng do trẻ bắt chước làm theo những điều xấu còn đang tràn lan trên YouTube!

ĐỖ QUANG SƠN

(phường 2, TP Tuy Hòa)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/248491/de-tre-khong-lam-theo-dieu-xau-tren-youtube.html