Đề xuất cá nhân nợ thuế 200 triệu đồng bị hoãn xuất cảnh
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất chỉ tạm hoãn xuất cảnh khi cá nhân nợ thuế 200 triệu đồng.
Cụ thể, Điều 1 của Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết khoản 9 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán; Luật kế toán; Luật kiểm toán độc lập, Luật ngân sách nhà nước; Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Luật quản lý thuế; Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật dự trữ quốc gia;
Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về ngưỡng nợ và thời gian nợ thuế đối với các đối tượng khác nhau, trong đó Khoản 1 áp dụng đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh và Khoản 2 áp dụng đối với cá nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Theo đó, đối với cá nhân, chỉ cần đang nợ thuế quá thời hạn và số tiền là đã bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, mà không cần có quyết định hành chính về quản lý thuế.
Còn đối với doanh nghiệp thì biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện theo pháp luật chỉ áp dụng sau khi có quyết định hành chính về quản lý thuế. VCCI cho rằng quy định này chưa phù hợp, chưa bình đẳng vì dù là cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp thì đều là người nộp thuế và phải chịu các quy định quản lý thuế tương tự nhau;
Chưa kể, việc xác định một cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh nợ thuế như trên có thể có sai sót, nhầm lẫn hoặc không đầy đủ dẫn đến việc xác định nghĩa vụ thuế chưa thực sự chính xác.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 1 theo hướng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh chỉ áp dụng sau khi đã có quyết định hành chính về quản lý thuế.
Về số tiền nợ thuế, nhiều doanh nghiệp phản ánh, ngưỡng số tiền nợ thuế để áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh được quy định tại Điều 1 của dự thảo, 10 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp, là quá thấp.
Hiện nay, để cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cơ quan thuế có rất nhiều các biện pháp như trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên và bán đầu giá tài sản…
“Chúng tôi cho rằng cần ưu tiên áp dụng các biện pháp này, đặc biệt là biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc bên thứ ba khác, trước khi tính đến các biện pháp hạn chế quyền đi lại của người dân.
Theo thông tin từ họp báo của Tổng cục thuế ngày 25-4-2024, ngành thuế đang nắm dữ liệu hàng triệu tài khoản ngân hàng của người nộp thuế. Với sự phát triển rất nhanh của thanh toán không dùng tiền mặt và liên kết dữ liệu như hiện nay, biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng trở nên rất hữu hiệu và nên được tập trung triển khai trong thời gian tới”- đại diện VCCI nói.
Theo VCCI, khi biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng được thực hiện rốt ráo và mang lại hiệu quả, thì các biện pháp hạn chế quyền khác như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng hay cấm xuất cảnh chỉ nên được áp dụng cho những trường hợp rất hoặc đặc biệt nghiêm trọng với số tiền nợ thuế lớn.
Mặt khác, trong nhiều trường hợp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đi ra nước ngoài không phải để trốn tránh nghĩa vụ thuế mà là vì công việc giao dịch làm ăn với đối tác. Các giao dịch như vậy có thể giúp doanh nghiệp có doanh thu để từ đó có khả năng tiếp tục đóng thuế cho Nhà nước.
Nếu áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh trên phạm vi rộng có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế nói chung và làm giảm số thu về dài hạn cho ngân sách.
Do đó, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng ngưỡng số tiền nợ thuế để phải áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh lên mức 1 tỷ đồng đối với doanh nghiệp và 200 triệu đồng đối với cá nhân.
Về dỡ bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, VCCI cũng đề nghị cần quy định rõ ràng hơn, tránh vướng mắc khi thực hiện.