Đề xuất các quy định đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đề xuất quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng, đồng thời điều chỉnh một số quy định liên quan đến tính toán rủi ro tín dụng.
Dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được NHNN đưa ra lấy ý kiến.
Hướng tới quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế
Theo NHNN, điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 138 Luật Các TCTD năm 2024 quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn như sau: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ… Thống đốc NHNN quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại khoản 1 Điều này đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…
Trên cơ sở thực tiễn, chuẩn mực Basel II đã được ban hành từ năm 2006, Chuẩn mực Basel III ban hành từ năm 2010, có phiên bản cải cách 2017 và có một số điều chỉnh đến nay.
Basel III là chuẩn mực quản trị rủi ro đã và đang được áp dụng rộng rãi trên quốc tế. Đây là chuẩn mực mà hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng đến, thông qua việc nâng cao chất lượng về vốn và năng lực thanh khoản theo yêu cầu của chuẩn mực tạo nền tảng cho một hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, có sức chống chịu biến cố, khả năng phục hồi sau biến cố và góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra.
Hiện tại, một số ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã nghiên cứu, tham khảo thông lệ quốc tế về Chuẩn mực Basel III để hướng tới việc áp dụng vào quản trị rủi ro, quản trị điều hành tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Do đó, NHNN khẳng định: “Việc nghiên cứu, ban hành Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để vừa cập nhật các quy định mới tại Chuẩn mực Basel III vừa phù hợp với đặc thù hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam triển khai thực hiện”.
Tăng khả năng chống chọi với các rủi ro tài chính
Dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 41) và cập nhật những quy định mới tại Chuẩn mực Basel III năm 2017, đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Dự thảo Thông tư gồm 8 chương (88 điều) quy định các chuẩn mực về tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các quy định này không chỉ nhằm bảo vệ sự ổn định tài chính của hệ thống ngân hàng mà còn giúp các tổ chức tín dụng tăng cường khả năng chống chọi với các rủi ro tài chính.
Về tỷ lệ an toàn vốn, Dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đối với các ngân hàng thương mại ở mức 10,5%. Trong đó, đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%; tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.
Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng quy định quyền hạn của Thống đốc NHNN trong việc quyết định tỷ lệ đệm vốn phản chu kỳ trong từng thời kỳ, nhằm ngăn ngừa sự suy giảm của nền kinh tế. Tỷ lệ này linh hoạt trong từng thời kỳ do NHNN quyết định với mức dao động trong khoảng 0-2,5%, tăng lên trong thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giảm xuống khi thị trường hoạt động trong điều kiện ổn định.
Dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định về chênh lệch giữa tổn thất dự kiến và tổng mức dự phòng khi xác định vốn tự có. Nếu tổn thất dự kiến lớn hơn mức dự phòng, phần chênh lệch sẽ được trừ đi 50% từ vốn cấp 1 và 50% từ vốn cấp 2. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động giảm vốn cấp 1 mà còn hỗ trợ các ngân hàng trong việc duy trì mức vốn lõi cấp 1 và tổng vốn cấp 1.
Tính toán rủi ro tín dụng theo thông lệ quốc tế
Về việc tính toán rủi ro tín dụng theo phương pháp tiêu chuẩn (SA), Dự thảo Thông tư cơ bản kế thừa quy định tại Thông tư 41 và cập nhật quy định tại Basel III.
Cụ thể, Dự thảo Thông tư quy định khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản là khoản cho vay đối với cá nhân, pháp nhân để mua bất động sản, thực hiện dự án bất động sản và được bảo đảm bằng bất động sản, dự án bất động sản theo các quy định của pháp luật về giao dịch đảm bảo để phù hợp chuẩn mực Basel III SA.
Trong khi đó, Thông tư 41 quy định khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản được bảo đảm bằng chính bất động sản, dự án bất động sản.
Dự thảo Thông tư cũng điều chỉnh định nghĩa về các khoản cấp tín dụng bán lẻ. Theo đó, các khoản tín dụng bán lẻ được áp dụng cho khách hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa với hạn mức tín dụng tối đa là 8 tỷ đồng Việt Nam; không vượt quá 0,2% tổng số dư của toàn bộ danh mục cấp tín dụng bán lẻ (đã giải ngân và chưa giải ngân) của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài...
Về tính toán rủi ro tín dụng theo phương pháp IRB, Dự thảo Thông tư quy định trên cơ sở Chuẩn mực Basel III năm 2017 với một số điểm mới so với Basel II.
Cụ thể, nhằm giúp các ngân hàng đánh giá chính xác hơn về mức độ rủi ro tín dụng, Dự thảo Thông tư quy định về cách tính toán tổng tài sản có rủi ro tín dụng (RWA), phân loại tài sản có rủi ro tín dụng theo phương pháp xếp hạng nội bộ và các tham số như PD (xác suất vỡ nợ), LGD (tổn thất khi vỡ nợ) và EAD (số dư tín dụng vào thời điểm vỡ nợ); mô hình đo lường rủi ro và quản trị mô hình đo lường rủi ro...
Dự thảo Thông tư đưa ra yêu cầu về hệ thống xếp hạng, yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu và quy trình vận hành hệ thống xếp hạng để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả trong việc quản lý rủi ro tín dụng.
Cách phân loại của tài sản theo phương pháp IRB có những điểm khác biệt so với phương pháp SA như không có quy định riêng khoản phải đòi đảm bảo bằng bất động sản; khoản cho vay thế chấp nhà ở thuộc danh mục khoản phải đòi bán lẻ và không giới hạn số dư cấp tín dụng 8 tỷ đồng./.