Đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết về tài sản số, tài sản mã hóa

Sáng 23/11/2024, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Một trong những nội dung được đề xuất tại dự thảo Luật là quy định về tài sản số, tài sản mã hóa.

Khuyến khích huy động nguồn lực đầu tư của xã hội

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành Công nghiệp công nghệ số.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp tại hội trường sáng 23/11.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp tại hội trường sáng 23/11.

Trong đó, về phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số, dự thảo Luật khuyến khích huy động nguồn lực đầu tư của xã hội kết hợp với nguồn lực đầu tư của Nhà nước để xây dựng, phát triển các hạ tầng công nghiệp công nghệ số như: hệ thống thông tin về công nghiệp công nghệ số Quốc gia; trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu; trung tâm/viện nghiên cứu phát triển; khu công nghệ số đảm bảo hiện đại, đồng bộ phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương.

Dự thảo Luật cũng đưa ra các chính sách phát triển thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số thông qua ưu tiên đầu tư, thuê mua sắm sản phẩm, dịch vụ trong nước.

Về nội dung tài sản số, tài sản mã hóa, dự Luật định nghĩa: Tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Tài sản mã hóa là một loại tài sản số.

Nguyên tắc quản lý đối với đối tượng này được Chính phủ nhấn mạnh là đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy trình quản lý, công nghệ và con người; bảo đảm tính toàn vẹn và xác thực; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, quản lý rủi ro; bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; có thể chuyển giao, tương thích với các hệ thống khác; quản lý theo vòng đời; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ pháp luật và hỗ trợ phát triển bền vững.

Do đó, dự Luật đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số.

Nghiên cứu, bổ sung một số chính sách ưu đãi

Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho hay, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi để phát triển một ngành công nghiệp như nghiên cứu triển khai (R&D), hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Vì vậy, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ số nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp, liên kết phát triển hệ sinh thái.

Về tài sản số, Ủy ban cho rằng việc quy định về tài sản số trong Luật công nghiệp công nghệ số là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về AI được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước; quy định mức độ ứng dụng AI trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ nhằm khuyến khích sử dụng và tạo thị trường.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-xuat-giao-chinh-phu-quy-dinh-chi-tiet-ve-tai-san-so-tai-san-ma-hoa-164724.html