Đề xuất tăng lương cho sếp doanh nghiệp nhà nước lên đến 126 triệu/tháng

Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương tại doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn. Nếu được thông qua, lương của lãnh đạo tập đoàn lợi nhuận lớn có thể tăng thêm 1,5 lần; đạt mức lương 126 triệu đồng/người/tháng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương tại DN nhà nước nắm giữ 100% vốn. Điều chỉnh mới nhằm khắc phục bất cập khi có DN nhà nước lương của cấp dưới cao hơn lương lãnh đạo.

Cụ thể, quy định hiện hành người quản lý doanh nghiệp đang áp dụng bảng lương do Chính phủ quy định trên cơ sở so sánh tương quan với khu vực công (hệ số lương, cao nhất là Chủ tịch tập đoàn 9,1) nhân mức lương cơ sở (từ ngày 1/7 là 1,8 triệu đồng).

Trong khi người lao động (NLĐ) được áp dụng thang bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng tương quan với thị trường. Điều này dẫn đến người quản lý doanh nghiệp bị thiệt thòi so với NLĐ, nhất là khi tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

 lương của lãnh đạo tập đoàn nhà nước có thể tăng thêm 1,5 lần; đạt mức lương 126 triệu đồng/người/tháng.

lương của lãnh đạo tập đoàn nhà nước có thể tăng thêm 1,5 lần; đạt mức lương 126 triệu đồng/người/tháng.

Cạnh đó, tiền lương của người quản lý cũng có sự giảm tương đối so với NLĐ trong cùng doanh nghiệp do các thông số xác định tiền lương đối với người quản lý được quy định và duy trì từ năm 2013 đến nay. Trong khi tiền lương của NLĐ hằng năm được tăng theo năng suất lao động và lợi nhuận, dẫn đến có trường hợp tiền lương của người quản lý thấp hơn tiền lương của trưởng, phó phòng trong cùng doanh nghiệp.

Ngoài ra, lương người quản lý DN tính theo lợi nhuận, nhưng không phải lúc nào lợi nhuận năm sau cũng cao hơn năm trước, nên dù DN có lãi nhưng mức thấp hơn năm trước sẽ không được tăng lương (chỉ hưởng lương cơ bản).

Từ những bất cập trên, dự thảo Nghị định xây dựng theo hướng, tiếp tục giao DN xây dựng thang, bảng lương NLĐ gắn với hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thang bảng lương này phải lấy ý kiến tổ chức đại diện NLĐ, đối thoại tại nơi làm việc, công khai tại DN trước khi ban hành.

Với lương lãnh đạo DN, dự thảo bỏ hệ số lương người quản lý theo xếp hạng DN do Chính phủ ban hành, chỉ quy định mức lương cơ bản và hệ số tăng thêm theo kết quả kinh doanh, chỉ phân hạng theo nhóm ngành nghề, thang lợi nhuận tương ứng.

Cụ thể, với hệ số từ 1 lần lương cơ bản trở xuống, điều kiện về lợi nhuận vẫn giữ như hiện hành; nhưng bổ sung 3 hệ số tăng thêm 1,5; 2 và 2,5 lần lương cơ bản nếu quy mô lợi nhuận lớn hơn (tương tự áp dụng với DN Nhà nước nắm cổ phần chi phối), để khuyến khích các công ty tăng quy mô lợi nhuận để có tiền lương cao.

Đối với công ty có lợi nhuận kế hoạch cao hơn năm trước liền kề, nếu quy mô lợi nhuận dưới 700 - 1.500 tỷ đồng, theo từng lĩnh vực (ngân hàng, tài chính, viễn thông lợi nhuận dưới 1.500 tỷ; khai thác, chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận dưới 1.000 tỷ; lĩnh vực còn lại có lợi nhuận dưới 700 tỷ) thì tiếp tục giữ nguyên hệ số tăng thêm không quá 1,0 lần mức lương cơ bản (như quy định hiện hành). Đối với công ty có quy mô lợi nhuận lớn, thì được áp dụng hệ số tăng thêm 1,5; 2,0; 2,5 lần lương cơ bản, cụ thể:

Lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận từ 1.500 đến dưới 2.000 tỷ đồng tăng thêm tối đa 1,5 lần; từ 2.000 đến dưới 3.000 tỷ đồng tăng thêm tối đa 2,0 lần; lợi nhuận từ 3.000 tỷ đồng trở lên tăng thêm tối đa 2,5 lần.

Lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận từ 1.000 đến dưới 1.500 tỷ đồng tăng thêm tối đa 1,5 lần; từ 1.500 đến dưới 2.000 tỷ đồng tăng thêm tối đa 2,0 lần; lợi nhuận từ 2.500 tỷ đồng trở lên tăng thêm tối đa 2,5 lần.

Các lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 700 đến dưới 1.000 tỷ đồng tăng thêm tối đa 1,5 lần; từ 1.000 đến dưới 1.500 tỷ đồng tăng thêm tối đa 2,0 lần; lợi nhuận từ 1.500 tỷ đồng trở lên tăng thêm tối đa 2,5 lần.

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, theo kết quả kinh doanh của DN nhà nước hiện nay, với thay đổi trên, tiền lương của người quản lý đa số DN vẫn cơ bản không quá 1 lần lương cơ bản, tương đương mức bình quân 40 triệu đồng/người/tháng. Lương lãnh đạo DN nhà nước làm ăn hiệu quả nhất tối đa 72 triệu đồng/người/tháng. Nếu đề xuất được thông qua, mức lương này có thể tăng thêm 1,5 lần, đạt mức 126 triệu đồng/người/tháng.

Nghị định này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024.

Lương của các doanh nghiệp nhà nước

Năm 2022, lương bình quân của NLĐ khối DN nhà nước đạt 10 - 12 triệu đồng/người/tháng, lương lãnh đạo DN bình quân 40 triệu đồng/người/tháng. Nếu xét riêng khối tập đoàn, tổng công ty nhà nước, lương bình quân NLĐ đạt 17 - 18 triệu đồng/người/tháng, lãnh đạo đạt 60 - 70 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, tại Ngân hàng Chính sách xã hội, năm vừa qua, với trên 10.300 NLĐ đang nhận lương bình quân gần 23 triệu đồng/người/tháng; với 9 lãnh đạo (hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát) nhận lương bình quân gần 65 triệu đồng/người/tháng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) sử dụng hơn 38.200 NLĐ, với lương bình quân hơn 30 triệu đồng/người/tháng; với 23 người quản lý lương bình quân 64 triệu đồng/người/tháng.

Với Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2022 sử dụng 4.800 NLĐ, với mức thu nhập bình quân hơn 26 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân của 14 người quản lý hơn 32 triệu đồng/người/tháng (bằng 1 nửa năm 2021).

Thái Bình

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/de-xuat-tang-luong-cho-sep-doanh-nghiep-nha-nuoc-len-den-126-trieu-thang-d40267.html