Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam

Theo Bộ Y tế, mức thuế tuyệt đối cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao thuốc và đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030 bên cạnh thuế tỉ lệ 75%. Điều này sẽ giúp giảm được tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030.

 Thạc sĩ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế - chia sẻ tại sự kiện

Thạc sĩ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế - chia sẻ tại sự kiện

Sáng ngày 21/11 trong hội nghị về phòng chống tác hại thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội, Thạc sĩ Phan Thị Hải - Phó giám đốc phụ trách Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế - cho hay tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm; hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

"Sử dụng thuốc lá tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Trong đó, hơn 15 triệu người Việt Nam hút thuốc và hàng chục triệu người hút thuốc thụ động có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm. Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá sẽ rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi những người hút thuốc hiện nay phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá", bà Hải cho hay.

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng WHO tại Việt Nam thông tin, năm 2010, tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc lá là 47%, đến năm 2015 là 45%, năm 2021 là 41%, tuy nhiên ước tính hiện nay tỉ lệ này bắt đầu đi lên nếu không có biện pháp can thiệp về thuế. Con số này có thể tăng lên 43% vào năm 2030, điều này thể hiện qua sản lượng sản xuất và tiêu dùng tăng lên.

Các biện pháp kiểm soát (như in cảnh báo bằng hình ảnh, truyền thông, tăng thuế, môi trường không thuốc lá…) đã phát huy tác dụng ở mức nhất định nhưng chưa đủ.

"Một yếu tố dẫn tới tình trạng tỉ lệ sử dụng thuốc lá vẫn ở mức cao như hiện nay là thuế thuốc lá và giá bán lẻ ở Việt Nam cực kỳ thấp so với các nước thu nhập trung bình khác trên thế giới cũng như ngay trong khu vực ASEAN. Mức tăng thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam trong thời gian qua là quá thấp so với mức tăng trưởng thu nhập theo đầu người, làm cho thuốc lá trở nên ngày càng rẻ và dễ mua hơn theo thời gian"- ông Lâm nhận định.

Tương tự, tỉ trọng thuế trong giá bán lẻ thuốc lá điếu của Việt Nam là khoảng 36% so với 59% ở các nước thu nhập trung bình và 62% trên toàn cầu, và thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của WHO là 75% giá bán lẻ.

Thuế thuốc lá, khi được sử dụng hiệu quả, là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm sử dụng thuốc lá. WHO ước tính rằng việc đánh thuế các sản phẩm thuốc lá để tăng giá bán lẻ lên 10% có thể làm giảm mức tiêu thụ từ 4 - 5%.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này và thông qua vào tháng 5/2025. Trong đó, theo đề xuất của Bộ Tài chính, mặt hàng thuốc lá có 2 phương án thì mức thuế tuyệt đối tính đến năm 2030 mới là 10.000 đồng/bao, chiếm tỉ trọng khoảng 59,38% giá bán lẻ. Tuy nhiên, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất mức thuế tuyệt đối cao hơn.

Theo WHO, khi giá thuốc lá tăng trung bình 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.

Bộ Y tế đề xuất bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế theo tỉ lệ để chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp và tổng mức thuế phải ở mức đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng. Đồng thời tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.

Cụ thể, mức thuế tuyệt đối cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và đạt 15.000 đồng/bao (20 điếu/bao) vào năm 2030 bên cạnh thuế tỉ lệ 75%. Phương án này sẽ giúp đạt tỉ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO và giúp giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030.

Bài, ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-thuoc-la-o-viet-nam-20241121103926699.htm