Đèo Cả thu hơn 1.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nhờ đâu?

Hai nguồn thu chủ yếu của công ty bao gồm thu phí từ các dự án BOT, chiếm khoảng 60% tổng doanh thu, và hoạt động thi công xây lắp, đóng góp khoảng 33% doanh thu.

Phí BOT chiếm ưu thế

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) vừa có giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 so với 6 tháng đầu năm 2023.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của Công ty đạt hơn 1.503 tỷ đồng, tăng 30,56% so với kế quả 6 tháng đầu năm 2023, đạt 48% kế hoạch năm 2024.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Đèo Cả trong 6 tháng đầu năm.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Đèo Cả trong 6 tháng đầu năm.

Hai hoạt động chính đóng góp phần lớn doanh thu của Công ty là hoạt động thu phí tại các dự án BOT, khoảng 60% doanh thu, và hoạt động thi công xây lắp, khoảng 33% doanh thu.

Cả hai hoạt động đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ.

Doanh thu thu phí 6 tháng đầu năm 2024 đạt 962,2 tỷ đồng, tăng 170,1 tỷ đồng, tương đương tăng 21,48%, so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu xây lắp đạt gần 500 tỷ đồng, cũng tăng hơn 170 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 51,94% so với cùng kỳ 2023.

Tương ứng với việc trưởng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 cũng tăng 26,95% so với cùng kỳ, ghi nhận đạt gần 244 tỷ đồng.

Tổng tài sản của HHV tại ngày 30/6 đạt 38.021 tỷ đồng, tăng 1.241 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tài sản dài hạn với tổng giá trị là 36.665 tỷ đồng.

Nợ phải trả của doanh nghiệp này tính đến cuối quý II/2024 đạt 28.066 tỷ đồng, tương đương với hồi đầu năm, chiếm phần lớn là nợ vay dài hạn 25.039 tỷ đồng.

Góp hàng trăm tỷ vào dự án mới

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả đã công bố Nghị quyết Hội đồng Quản trị thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nhằm thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) giai đoạn 1. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển hạ tầng giao thông khu vực phía Bắc, tạo động lực cho kinh tế địa phương.

Theo thỏa thuận, HHV sẽ góp tối đa 600 tỷ đồng trong thời gian từ ngày ký kết hợp đồng cho đến hết ngày 31/12/2026, hoặc cho đến khi giải ngân xong, tùy thuộc vào thời điểm nào đến trước. Bên phía Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ góp vốn chủ sở hữu theo quy định hợp đồng BOT, theo tiến độ được cơ quan Nhà nước phê duyệt.

Hoạt động thi công xây lắp, đóng góp khoảng 33% doanh thu của Đèo Cả.

Hoạt động thi công xây lắp, đóng góp khoảng 33% doanh thu của Đèo Cả.

Trong trường hợp thời hạn hợp tác kết thúc mà các bên chưa hoàn thành nghĩa vụ góp vốn, Đèo Cả sẽ tiến hành đàm phán để gia hạn thời gian thực hiện, điều chỉnh giá trị hoặc phạm vi đóng góp phù hợp với quy định pháp luật.

Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, với vai trò là chủ đầu tư, sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành, quản lý, cũng như thực hiện đầu tư và kinh doanh dự án. Công ty sẽ huy động các nguồn vốn từ vốn tự có, vốn vay tín dụng và các nguồn hợp pháp khác, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.

Được thành lập vào ngày 18/12/2023, Công ty Cổ phần Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng nguồn vốn 14.331,62 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 1.444,13 tỷ đồng; vốn vay 6.307,49 tỷ đồng; và vốn ngân sách nhà nước là 6.580 tỷ đồng.

Dự án dự kiến sẽ được thi công từ ngày 19/12/2023 đến 15/12/2026, với thời gian thu phí dự kiến là 25 năm 3 tháng kể từ khi dự án đi vào khai thác. Đến ngày 30/6/2024, vốn góp điều lệ thực tế của dự án đã đạt 50 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả có vốn góp thực tế đến ngày 30/6 là 4.116,8 tỷ đồng. Cùng thời điểm, doanh nghiệp này ghi nhận có 1.196 nhân viên đang làm việc. Trụ sở chính tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/deo-ca-thu-hon-1500-ty-dong-trong-6-thang-dau-nam-nho-dau-204240927103956891.htm