Đèo Khánh Lê sạt lở, Huế lụt sâu, chuyên gia cảnh báo người dân cẩn thận

Chiều ngày 16/11, tuyến Quốc lộ 27 qua đèo Khánh Lê, huyện Khánh Vĩnh - tuyến huyết mạch nối Nha Trang - Đà Lạt bị sạt lở. Tại Huế ghi nhận tình trạng ngập sâu diện rộng.

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày tại khu vực các tỉnh Trung Bộ đã gây ra vô số thiệt hại nặng nề cho đời sống người dân nơi đây.

Tại khu vực đèo Khánh Lê, mưa lớn như trút nước kéo dài hàng giờ liền đã gây ra tình trạng sạt lở. Hàng nghìn mét khối đất đá đổ sập xuống, nằm tràn ra mặt đường Quốc lộ 27 đoạn qua huyện Khánh Vĩnh, kéo dài nhiều mét. Hai bên vách núi, nước chảy không ngừng đe dọa đến sự an toàn của người dân đang tham gia giao thông.

Hiện trường sạt lở do mưa lũ gây ra trên đèo Khánh Lê. Ảnh: Ngọc Mạnh/Báo VietNamNet.

Hiện trường sạt lở do mưa lũ gây ra trên đèo Khánh Lê. Ảnh: Ngọc Mạnh/Báo VietNamNet.

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Khánh Hòa, cho biết sở đã yêu cầu các đơn vị liên quan đặt biển cảnh báo, huy động máy xúc đào và dọn dẹp hiện trường, không cho các xe đi qua để bảo đảm an toàn.

"Hiện nay đường đã đóng, người dân nếu có việc cần đi theo hướng khác, không lưu thông trên Quốc lộ 27C đoạn đèo Khánh Lê để bảo đảm an toàn", ông Dần khuyến cáo.

Ngoài ra, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cũng đã thông báo đến các đơn vị bảo trì, bảo dưỡng và phối hợp cùng Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng để khắc phục sự cố một cách nhanh nhất.

Những ngày này, mưa lớn kéo dài cùng với các hồ chứa điều tiết xả lũ dồn dập khiến nhiều nơi ở Khánh Hòa ngập trong lũ. Nước dâng cao gây ngập đường, nhà cửa và trường học ở TP Nha Trang, khiến việc đi lại cũng như đời sống người dân bị đảo lộn.

Bên cạnh TP Nha Trang, TP Huế cũng đang phải đối mặt với lũ sâu. Mưa lớn cực đoan với lưu lượng phổ biến 500-900mm đã khiến 16.345 ngôi nhà tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập, 2 người chết và mất tích.

Mưa lớn gây ngập sâu toàn TP Huế. Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam.

Mưa lớn gây ngập sâu toàn TP Huế. Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam.

Lũ trên sông Hương, sông Bồ đã đạt đỉnh vào chiều và tối 15/11, hiện đang xuống chậm. Trong đó mực nước sông Hương đã vượt đỉnh lũ năm 2020 (4,1m), đến 4h sáng nay còn 3,41m.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, toàn TP Huế có 85% tuyến đường của 36 phường, xã bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương như Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan... ngập bình quân 0,8 -1,2m; các tuyến đường khu vực Nam sông Hương như Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa, Tố Hữu, Lê Minh, Nguyễn Hữu Thọ, Đặng Văn Ngữ, Phan Anh... ngập bình quân 0,5-1m.

Đặc biệt, toàn bộ khu vực di tích Kinh thành Huế cũng đang bị ngập sâu trong nước lũ.

Khu vực Ngọ môn Kinh thành Huế chìm trong nước lũ. Ảnh: Báo Tổ quốc.

Khu vực Ngọ môn Kinh thành Huế chìm trong nước lũ. Ảnh: Báo Tổ quốc.

Kinh thành Huế là di sản có ý nghĩa về giá trị lịch sử lẫn văn hóa. Trận mưa ngập vào ngày 15/11 không phải là lần đầu Kinh thành Huế chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Trong các đợt bão lũ tháng 10 và tháng 11 năm 2020, tại Kinh thành Huế, nhiều điểm di tích nước lũ tràn vào, ngập sâu.

Việc bị ngâm nước ít nhiều tác động đến tuổi thọ của các công trình. Dưới tác động của thời tiết, đặc biệt mưa lũ kéo dài như thời gian vừa qua, tất cả các di tích ở Huế bị ảnh hưởng nặng nề. Chứng kiến những hình ảnh này, nhiều người bày tỏ sự lo lắng, xót xa, mong trận lụt sớm qua đi để công tác bảo tồn kinh thành được triển khai sớm.

Chuyên gia dự báo thời tiết Nguyễn Ngọc Huy nhận định, vào ngày hôm nay 17/11 có khả năng sẽ tiếp tục mưa lớn tại Huế và các khu vực lân cận. Người dân cần tiếp tục nâng cao cảnh giác đề phòng nước từ thượng nguồn đổ về khiến lũ dâng cao.

Nguyễn Bảo

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/deo-khanh-le-sat-lo-hue-lut-sau-chuyen-gia-canh-bao-nguoi-dan-can-than-c2a63688.html