Di dời lồng cá trên sông Bồ
121 lồng cá trắm cỏ của 38 hộ dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang nuôi trên sông Bồ buộc phải di dời đến nơi khác và giảm lồng nuôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đây là quyết định của UBND huyện Quảng Điền cũng như theo phân tích của các sở, ngành liên quan, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận.
Cấp thiết
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, ngoài căn cứ các thông tư, quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành thì từ thực tế tại một số thời điểm, Nhà máy nước Tứ Hạ - Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) đã phân tích chất lượng nước ở khu vực lấy nước trên sông Bồ có một số chỉ tiêu không đảm bảo, ảnh hưởng đến việc cấp nước an toàn cho người dân, như: Ô nhiễm hữu cơ COD tăng 1,76 lần (1,94mg/l), tảo phát triển tăng 17,54 lần (10.000 tế bào/lít), vi sinh vật tăng 2,19 lần.
Do vậy, UBND huyện Quảng Điền đã quyết định triển khai di dời, chấm dứt hoạt động nuôi đối với các lồng nuôi cá nằm trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên sông Bồ của Nhà máy nước sạch Tứ Hạ, mà cụ thể là tại khu vực nuôi ở thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú.
“Theo thống kê, có 38 hộ với 121 lồng nuôi cá trắm cỏ (trong đó, có 102 lồng bằng vật liệu chắc chắn (nhôm, sắt), 19 ô bằng lưới. Số hộ này sẽ chấm dứt hoạt động nuôi cá lồng trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của Nhà máy nước sạch Tứ Hạ đã được cắm mốc bảo vệ - cách 800 mét về phía thượng lưu và 200 mét về phía hạ lưu”, ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú thông tin.
Mới đây, UBND huyện và các phòng, ban, ngành liên quan đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với người dân nuôi cá lồng bị ảnh hưởng. Tại buổi đối thoại, người dân kiến nghị với lãnh đạo huyện Quảng Điền, HueWACO một số vấn đề.
“Chúng tôi đề nghị UBND huyện, HueWACO nghiên cứu giải quyết bên này bờ sông thuộc địa phận thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú thì cũng nên xem xét, giải quyết vấn đề nguồn nước bên kia sông thuộc địa phận TX. Hương Trà để đảm bảo tính công bằng”, ông Hoàng Hữu Phúc, một hộ dân có nhiều lồng, ô lưới nuôi các tại thôn Hạ Lang bày tỏ.
Ý kiến khác cho rằng, HueWACO cần nghiên cứu đầu tư thêm trang thiết bị xử lý nước, thay vì phải di chuyển các lồng cá nuôi của người dân...
Sẽ di dời theo lộ trình và hỗ trợ sinh kế cho người dân
Dù còn những ý kiến khác nhau, nhưng tại buổi đối thoại, UBND huyện Quảng Điền cũng thống nhất lộ trình, phương án di dời các lồng nuôi với tinh thần là luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân có sinh kế ổn định cuộc sống.
Theo đó, từ nay đến tháng 12/2025, 54/121 lồng cá cần phải di chuyển trong phạm vi cách 400 mét về phía thượng lưu, 200 mét về phía hạ lưu. Địa điểm để di chuyển các lồng cá là từ cột mốc phía hạ lưu đến cầu Tứ Phú.
67 lồng cá bằng lưới còn lại trên cơ sở thống kê theo từng hộ, thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động nuôi qua từng năm, từ năm 2025 đến 2028. UBND xã Quảng Phú, Ban điều hành thôn và Tổ hợp tác nuôi cá lồng thôn Hạ Lang theo dõi, giám sát việc thực hiện. Tùy thực tế, nếu có các điểm nuôi mới phù hợp, các hộ có thể di chuyển lồng nuôi đến vị trí mới nếu có nhu cầu, nhưng phải đảm bảo tiêu chí theo quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền thông tin thêm: Việc di dời, chấm dứt hoạt động nuôi cá lồng sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, sinh kế của người dân, vì vậy cần triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ từ chính quyền địa phương và ngành liên quan. Đối với các hộ thực hiện di dời lồng cá, sẽ hỗ trợ thông qua đầu tư hạ tầng như kè, giao thông, điện... nơi di chuyển đến; hỗ trợ lực lượng giúp người dân trong quá trình di dời lồng bè.
Với các hộ thực hiện giảm số lồng, tiến tới chấm dứt hoạt động nuôi cá, thực hiện hỗ trợ thông qua đào tạo nghề, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nhu cầu và điều kiện thực tế của từng hộ nhằm đảm bảo sinh kế ổn định. Việc hỗ trợ thông qua chuyển đổi nghề nghiệp, mô hình sản xuất mới bằng việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, các vật tư và điều kiện để sản xuất.
“Huyện cũng đã đề nghị với HueWACO hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ di dời, các hộ chấm dứt nuôi cá lồng nhằm đảm bảo đời sống của người dân”, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền ông Lê Ngọc Bảo khẳng định.
Nhu cầu kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi mới đối với các hộ phải chấm dứt hoạt động nuôi cá lồng là 537 triệu đồng, được trích từ ngân sách Nhà nước (ngân sách huyện, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp...) và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.