Đi tìm bức ảnh của liệt sĩ Gạc MaTin khácDự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 3)Dự án Khu đô thị mới Mai Pha: Lắng nghe để tạo đồng thuận (kỳ 2)

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là nơi thờ vọng 64 anh hùng, liệt sĩ – 'Những cán bộ, chiến sĩ Hải quân nằm lại phía chân trời' sau sự kiện 14/3/1988. Nhiều người đến khu tưởng niệm đã dừng lại rất lâu trước một ô khuyết ảnh, chỉ có thông tin: Liệt sĩ Trần Quốc Trị, quê ở Quảng Bình. Tìm lại di ảnh liệt sĩ như một cách để tri ân cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã hi sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thân yêu.

Năm 2017, tại Lễ khánh thành Khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Thanh Bình, người anh trai kế của liệt sĩ Trần Quốc Trị, đại diện thân nhân liệt sĩ được mời về dự. Nghẹn ngào nhìn bức tường tưởng niệm 64 liệt sĩ chỉ em trai mình không có ảnh, ông và gia đình đã quyết tâm đi tìm bức chân dung để đặt lên bàn thờ.

Các đoàn đại biểu đến thăm, viếng các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma

Các đoàn đại biểu đến thăm, viếng các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma

Cán bộ, nhân viên khu tưởng niệm trong quá trình giới thiệu với khách đến tham quan, thăm viếng bao giờ cũng nhắn nhủ: “Mong tất cả mọi người đến đây hãy giúp chúng tôi kết nối thông tin để tìm chân dung anh Trị gắn lên tường cùng 63 đồng đội của anh”.

Đến thăm Khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Ngô Văn Minh, Giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 3 tại Đà Nẵng vô cùng xúc động và nung nấu quyết tâm tìm bằng được bức ảnh của liệt sĩ. Ông kể: “63 người có ảnh, chỉ duy nhất 1 người không có ảnh. Ai cũng nhói lòng, day dứt. Khi thuyết minh viên mong mọi người kết nối thông tin để tìm kiếm ảnh của liệt sĩ Trị, tôi có niềm tin rằng, thể nào cũng có thể tìm được”.

Sau chuyến viếng thăm Khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma trở về, thầy Minh đã đến tận nhà liệt sĩ Trị tìm hiểu. Thầy đã đăng tải thông tin trên mạng xã hội và nhờ học viên giúp tìm kiếm hồ sơ từ nhiều nguồn có thể. Trong những bài giảng, ngoài phần kiến thức chuyên môn, thầy Minh lồng ghép với những câu chuyện về biển, đảo quê hương và lời nhắn nhủ các học viên phải làm sao tìm kiếm cho được chân dung liệt sĩ Trần Quốc Trị.

Chị Trương Thị Thúy Vân, Phó Bí thư Huyện đoàn Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là một trong các học viên của thầy Minh. Sau khi nắm được thông tin, chị Thúy Vân đã phát động trong đoàn viên thanh niên huyện Bố Trạch chương trình tuổi trẻ “Tìm ảnh cho anh”. Đến thăm gia đình liệt sĩ Trị, các đoàn viên thanh niên được biết: Trước đây, gia đình có bức ảnh anh chụp chung với người bạn. Khi anh hi sinh, gia đình tách bức ảnh chụp chung đó ra làm ảnh thờ nhưng trong một trận bão, bức ảnh hỏng, ảnh gốc và giấy tờ cũng không còn. Các bạn trong Huyện đoàn phân công các cơ sở đoàn liên hệ với bạn bè đồng đội anh Trị khắp đất nước để tìm tấm ảnh chụp cùng anh. Việc tìm kiếm theo thời gian chìm trong vô vọng.

Việc tìm kiếm di ảnh liệt sĩ của thầy Minh và các bạn trẻ Huyện đoàn Bố Trạch gần như “bặt vô âm tín”… Sau nhiều đêm đau đáu, thầy nảy ra ý tưởng tìm kiếm di ảnh từ tàng thư của tỉnh Bình Trị Thiên (năm 1988, đơn vị hành chính cũ gồm 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Ngô Văn Minh kể: “Tôi nghĩ là thể nào các anh, chị cũng phải đi làm giấy chứng minh Nhân dân, thể nào cũng có tờ khai và có lưu lại ảnh. Tôi đem điều đó trao đổi với học viên, may thay trong lớp có chị là Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Bình – người đang quản lý kho tàng thư căn cước công dân. Mừng đến rơi nước mắt! Có một bức ảnh chụp dán kèm theo tờ khai khi làm chứng minh Nhân dân đầu tiên của công dân Trần Quốc Trị”.

Ông Trần Quốc Tuấn, anh trai cả liệt sĩ Trần Quốc Trị và gia đình đã nhiều năm tìm kiếm nhưng không thành công. Vô cùng bất ngờ khi tìm được di ảnh em trai mình. Ông Tuấn xúc động: “Chúng tôi hỏi khắp nơi. Tìm lại cả những người bạn, người yêu cũ của Trị nhưng không ai còn lưu giữ hình ảnh nào”.

Trao đổi về sự kiện Gạc Ma năm 1988, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân chia sẻ: “Chúng ta hết sức cảm phục những tấm gương hi sinh vô cùng anh dũng của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự trường tồn của biển, đảo của Tổ quốc. Tất cả những người con đất Việt nói chung và cán bộ, chiến sĩ Hải quân nói riêng chúng tôi luôn thấu suốt điều đó trong hành trang của mình. Đó là điểm tựa để chúng tôi vươn lên, phấn đấu học tập công tác tốt làm chủ các vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày càng phát triển chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đủ sức quản lý, bảo vệ vững chắc biển, đảo của Tổ quốc.

Thời gian trôi qua, sóng biển có thể xóa nhòa đi nhiều thứ nhưng giờ đây, mỗi tàu đi Trường Sa đều thực hiện nghi thức tưởng niệm các liệt sĩ- những người đã tạc thành tượng đài bất tử giữa trùng khơi. Những cánh hoa vàng thắm, những cánh hạc bình yên, trong hương trầm thơm ngát và lời cầu nguyện lặng lẽ trên sóng biếc. Mong các anh an yên giữa vùng biển, đảo thiêng liêng, phù độ cho biển trời được hòa bình, đất nước mãi phồn vinh.

HOÀNG MINH

NHÓM PV KINH TẾ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/bien-gioi-va-bien-dao-viet-nam/513246-di-tim-buc-anh-cua-liet-si-gac-ma.html