Dịch vụ tiêu hủy kỷ vật dành cho các cặp đôi đã 'đường ai nấy đi'

Có một nhà máy ở Langfang, một thành phố ở phía Bắc tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), đang cung cấp dịch vụ tiêu hủy kỷ vật, trong đó có ảnh cưới của những cặp đôi đã 'đường ai nấy đi'.

 Ảnh cưới trước khi được đưa vào máy tiêu hủy sẽ được phun sơn đen nhằm bảo vệ quyền riêng tư của nhân vật trong ảnh

Ảnh cưới trước khi được đưa vào máy tiêu hủy sẽ được phun sơn đen nhằm bảo vệ quyền riêng tư của nhân vật trong ảnh

Xoa dịu cảm xúc hậu ly hôn

Vào những buổi sáng, trên sàn nhà của nhà máy này rải rác những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của cặp đôi trong ngày cưới hoặc một dịp kỷ niệm nào đó. Từng cái một sẽ được phun sơn đen để che đi khuôn mặt của người trong ảnh, sau đó được đưa vào máy cắt thành những mảnh nhỏ, cuối cùng là được sử dụng để tạo ra điện.

Liu Wei, người kinh doanh dịch vụ, cho biết, anh bắt đầu cung cấp dịch vụ tiêu hủy kỷ vật vào mùa xuân năm ngoái sau khi được người bạn cho mượn nhà máy và máy móc. Các thiết bị này trước đây được dùng để tiêu hủy tài liệu, phụ tùng ôtô, thực phẩm hết hạn sử dụng.

Liu cho biết, cắt nhỏ ảnh cưới là dịch vụ chiếm 80% doanh thu của nhà máy. Hầu hết những bức ảnh đều có kích cỡ lớn, loại thường được treo tường, thậm chí có bức có chiều cao bằng người bình thường. Một số bức có vẻ đã được chụp từ lâu nhưng hầu hết đều trông khá mới, ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc qua nhiều giai đoạn: Mới cưới, giai đoạn mang thai, sinh con, lúc chập chững biết đi…Tuy nhiên, những bức ảnh khi được đưa đến nhà máy chỉ còn là rác, chờ được cắt nhỏ. Những mảnh vụn sau khi được cắt sẽ được vận chuyển trên một băng chuyền đưa đến thu gom vào một bao tải lớn.

Liu Wei, chủ sở hữu của nhà máy, bắt đầu kinh doanh dịch vụ từ mùa xuân năm ngoái

Việc tiêu hủy những kỷ vật như một hình thức xoa dịu cảm xúc hậu chia tay của khách hàng. Nhiều bức ảnh được gửi đến nhà máy trong tình trạng khuôn mặt của người đàn ông đã bị bôi đen, cào xước hoặc bị vẽ nguệch ngoạc hình con rùa. Không ít bức ảnh được đóng khung kính, không thể cho vào máy hủy tài liệu vì việc này có thể tạo ra những mảnh kính nguy hiểm. Đối tác kinh doanh của Liu từng bị mảnh kính bắn vào trán, tạo ra một vết thương sâu. Kể từ đó, nhà máy đã xử lý những tấm ảnh kiểu này bằng cách cho vào hộp bìa cứng và dùng búa đập vỡ kính.

"Với những bức ảnh cỡ lớn, bạn rất khó mang ra ngoài và cho vào thùng rác của khu phố. Những người đàn ông có thể không quan tâm nhưng phụ nữ sẽ để ý, nhất là ở thị trấn nhỏ, nhiều người thường buôn chuyện", Liu nói. Ở nông thôn, người dân có thói quen nhặt đồ người khác vứt đi để tái sử dụng cho việc sửa chữa nhà cửa. Được làm từ những vật liệu chắc chắn như vậy, ảnh cưới rất dễ được dùng làm hàng rào hoặc chướng ngại vật. Nếu không cẩn thận, ảnh của hai nhân vật chính có thể được dùng để dán vào tường hoặc chuồng lợn của người khác.

Lấy chiếc điện thoại của mình ra, Liu bắt đầu chụp lại những bức ảnh được gửi đến nhà máy rồi gửi tin nhắn cho khách hàng để khẳng định lại một lần nữa, họ thực sự chắc chắn muốn tiêu hủy kỷ vật của mình. Sau khi nhận được xác nhận của khách hàng, Liu hướng dẫn nhân viên của mình phun sơn đen lên mặt của nhân vật trong ảnh nhằm bảo vệ quyền riêng tư của họ trước khi đưa ảnh vào máy cắt.

Ở độ tuổi ngoài 40, Liu từng làm trong ngành dược phẩm. Anh bắt đầu quảng cáo dịch vụ của mình trên mạng xã hội vào tháng 3 năm ngoái và chỉ trong vòng 1 tháng, anh đã nhận được những đơn hàng đầu tiên. Lúc đầu, nhà máy chỉ nhận được khoảng 10 đơn/tháng nhưng sau 6 tháng, nhu cầu tăng vọt. Đến nay, hơn 6.000 người đã liên hệ với Liu và anh đã tiêu hủy hơn 700 lô ảnh cưới. Phí của dịch vụ được tính theo trọng lượng của vật, trung bình mỗi khách hàng chi hơn 100 NDT (khoảng 300 nghìn đồng).

Tạo vòng đời mới cho kỷ vật

Liu ước tính, khoảng 70% người liên hệ với anh là nữ, mặc dù điều này khó xác định vì một số người dùng mạng xã hội che giấu giới tính thật trong khi những người khác sử dụng tài khoản ẩn danh. Đa số khách hàng không chia sẻ nhiều về chuyện của họ mà chỉ hỏi về giá cả, sau đó gửi hàng qua chuyển phát nhanh. Thỉnh thoảng, có khách hàng cũng tiết lộ chuyện của họ qua vài câu ngắn ngủi, như: "Đã ly hôn, còn đang chật vật"... Liu không hỏi thêm hay đưa ra phán xét nào. Anh chỉ gửi một vài biểu tượng cảm xúc thể hiện sự khích lệ dành cho khách hàng.

Đã có 3 trường hợp Liu phải gửi trả lại ảnh cưới vì không nhận được xác nhận của khách hàng. Trong đó, một người đã làm hòa với bạn đời của mình, một người khác đã thay đổi quyết định và trường hợp thứ ba là gửi nhầm ảnh.

Tiêu hủy ảnh cưới là dịch vụ chiếm 80% doanh thu của nhà máy

Tiêu hủy ảnh cưới là dịch vụ chiếm 80% doanh thu của nhà máy

Vài ngày trước, một người đàn ông 40 tuổi đã gửi đến nhà máy ảnh của người vợ đã khuất. Sau đó, anh ta gọi hỏi xem có thể tiêu hủy quần áo, túi xách của vợ anh ta không. Anh ấy thấy buồn mỗi khi nhìn những kỷ vật gợi nhớ về người vợ đã khuất nhưng lại không muốn bán chúng đi. Khi Liu gọi điện thoại yêu cầu liệt kê từng món đồ, người đàn ông lưỡng lự rồi òa khóc. Thi thoảng, dịch vụ của Liu cũng nhận được yêu cầu tương tự của những người góa vợ khác. Liu cảm thấy việc kết thúc một mối quan hệ, bất kể theo hoàn cảnh nào, đều mang lại cảm xúc giống nhau. "Mặc dù trong lòng bạn có thể có chút oán giận nhưng chắc chắn vẫn còn chút lưu luyến", Liu nói.

Khi mới bắt đầu công việc, Zhang, một nhân viên trong nhà máy, luôn xúc động mỗi khi nhìn trên sàn nhà la liệt ảnh cưới. "Tôi e rằng những người độc thân khi nhìn cảnh này sẽ không còn muốn kết hôn nữa". Tuy nhiên, theo thời gian, Liu hay Zhang đều thờ ơ với tất cả. Họ đã tiêu hủy quá nhiều kỷ vật hạnh phúc.

Dù sao, Liu thấy công việc của mình ít nhiều có ý nghĩa khi giúp mọi người quên đi quá khứ. Trong các video đăng trên mạng xã hội Douyin, anh hoan nghênh mọi người thể hiện cảm xúc khi xem video của anh. Một khách hàng nữ đã lên kế hoạch tiêu hủy ảnh cưới của mình vào ngày hoàn tất thủ tục ly hôn. Cô đã đề nghị Liu quay lại cảnh tiêu hủy ảnh cưới của cô. Gần đây, Liu giới thiệu thêm nhiều dịch vụ khác. Khách hàng có thể viết hoặc ghi âm lời nói chia tay khi ảnh cưới của họ được đưa vào máy nghiền. Anh cũng tổ chức các buổi "chia tay" kỷ vật, trong đó khách hàng có thể đặt địa điểm trong 2 tiếng, treo tất cả ảnh của họ trong nhà máy để chào tạm biệt. Buổi "chia tay" kỷ vật có cả người dẫn chương trình và một vài người làm nhân chứng. Nhưng hiện tại, chưa có khách hàng nào thực hiện dịch vụ này. Tuy nhiên, có 5 khách hàng yêu cầu được tham dự trực tiếp buổi tiêu hủy.

Khi đã gom được một lượng nhất định các mảnh vụn, Liu sẽ chuyển chúng đến một nhà máy điện gần đó. Chúng được đổ vào hố chứa 100.000 tấn rác, sau đó rác được chuyển hóa thành điện.

Vào cuối ngày, Liu đã hoàn thành các đơn hàng của mình nhưng vẫn còn lại một chiếc váy cưới nhàu nát, nằm trên mặt đất như một đám mây rơi. Đây là váy cưới của một người phụ nữ vừa hoàn tất thủ tục ly hôn vào sáng hôm đó nhưng vì sợ chiếc váy có thể làm hỏng máy hủy tài liệu nên Liu dự định gửi thẳng nó đến nhà máy điện. Có lẽ thật phù hợp khi chiếc váy từng tượng trưng cho tình cảm mãnh liệt một thời của cặp đôi sẽ được chuyển hóa thành một loại năng lượng hoàn toàn khác.

Nguồn: sixthtone.com

Hải Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dich-vu-tieu-huy-ky-vat-danh-cho-cac-cap-doi-da-duong-ai-nay-di-20240617192342001.htm