Điểm báo 9/5: Các gói vay dành cho công nhân vẫn 'nằm trên giấy'

Mua bán sổ bảo hiểm trên mạng lại tái diễn; Nỗi đau của nông dân và ngành chăn nuôi gia cầm; Giao dịch bất động sản phải qua sàn: Chưa hết băn khoăn; Các gói vay dành cho công nhân vẫn 'nằm trên giấy';... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 9/5.

MUA BÁN SỔ BẢO HIỂM TRÊN MẠNG LẠI TÁI DIỄN

Tại nhiều địa phương có khu công nghiệp lớn tập trung đông lao động, công nhân thường rao bán sổ bảo hiểm dưới hình thức ủy quyền, cam kết không đi làm và nếu hủy kèo rút lại sổ sẽ phải đền tiền gấp đôi. Giá thu gom, mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) chỉ bằng 30-50% so với giá trị được thanh toán BHXH một lần.

Với từ khóa “cầm, thanh lý sổ BHXH” đã cho thấy nhiều kết quả về các hội, nhóm. Đơn cử như: nhóm "Mua và cầm sổ bảo hiểm xã hội" thu hút hơn 15.000 thành viên; nhóm "Cần bán, thanh lý sổ bảo hiểm xã hội" có 4.000 người... Người mua đăng số điện thoại kèm nội dung "nhận tất tần tật sổ lỗi, sổ trùng, sổ nợ bảo hiểm, sai tên, nghỉ ngang, chưa chốt gộp". Điều kiện chỉ cần sổ đóng trên 3 năm, có căn cước gắn chip, không cần cọc, không cần phí và sau 15 phút giao dịch người bán nhận được tiền.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì đây là hành vi trục lợi bất chính và bị xử lý nghiêm. Các chuyên gia đề nghị cần bổ sung quy định “Nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội” vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

NỖI ĐAU CỦA NÔNG DÂN VÀ NGÀNH CHĂN NUÔI GIA CẦM

Sáng nay, trên trang nhất báo Nông thôn Ngày nay có bài viết về những khó khăn của người nông dân trong chăn nuôi gia cầm. Cụ thể, tại thời điểm này, nhiều người nuôi đang có nguy cơ treo chuồng, ngấp nghé phá sản vì thua lỗ suốt gần 3 năm qua.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc chăn nuôi gia cầm thua lỗ kéo dài là thời gian qua, đàn gia cầm phát triển “nóng”, cung vượt cầu. Bên cạnh đó, thị trường trong nước lại chịu áp lực cạnh tranh của thịt nhập khẩu khi 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục (hơn 15%). Để cứu người chăn nuôi, các chuyên gia kiến nghị, Bộ NNPTNT cần xem xét, rà soát lại chiến lược phát triển gia cầm trong trung và dài hạn.

Theo đó, định hướng phát triển cần hài hòa giữa phát triển số lượng và chất lượng; coi trọng, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất hơn là tăng quá nóng về số lượng. Đồng thời, cần hạn chế tăng số lượng và quy mô trang trại tại một số khu vực, vùng sinh thái có mật độ chăn nuôi cao. Các bộ, ngành cần rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt rút ngắn thời gian giải quyết các văn bản, tránh làm mất đi cơ hội trong sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp.

GIAO DỊCH BẤT ĐỘNG SẢN PHẢI QUA SÀN: CHƯA HẾT BĂN KHOĂN

Giao dịch bất động sản phải qua sàn: Chưa hết băn khoăn. Thông tin đáng chú ý trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay.

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã đưa ra quy định bắt buộc giao dịch phải qua sàn để ngăn ngừa những sai phạm. Nhưng thực tế, Bản chất của sàn giao dịch bất động sản (BĐS) là đơn vị trung gian tổ chức hoạt động thương mại chứ không phải là một công cụ pháp lý để ngăn ngừa sai phạm hay bảo vệ quyền, lợi ích của người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng quy định của pháp luật để độc quyền hoặc sàn giao dịch câu kết với một trong các bên tham gia giao dịch, vì mục đích lợi nhuận làm nhiễu loạn thị trường. Vì vậy, cần cân nhắc thêm quy định để giảm phí khi qua sàn giao dịch hoặc có quy định mở về giao dịch BĐS. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Xây dựng, việc bắt buộc giao dịch BĐS phải qua sàn sẽ làm tăng tính minh bạch, công khai thông tin, nhất là với BĐS hình thành trong tương lai, đồng thời góp phần phòng, chống “rửa tiền.

CÁC GÓI VAY DÀNH CHO CÔNG NHÂN VẪN “NẰM TRÊN GIẤY”

Nhiều người lao động tại TP.HCM đang mong muốn được tiếp cận các gói vay của Chính phủ để mua nhà, tiêu dùng vì đến nay những gói vay thiết yếu cho người lao động thì vẫn chỉ “nằm trên giấy”.

Hiện 4 ngân hàng có vốn Nhà nước được thực hiện gói vay không có chương trình triển khai đến các tổ chức công đoàn, để công đoàn triển khai xuống người lao động. Và sẽ chỉ được thực hiện khi công nhân phải ra trực tiếp ngân hàng. Trong khi đặc thù của công nhân là đi làm từ thứ 2 đến thứ 7, xin nghỉ không dễ dàng. Thậm chí đi rất nhiều lần cũng chưa chắc đã làm được.

Một gói vay khác nữa cũng “nằm trên giấy” là gói 20.000 tỷ cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, sau khi ký kết triển khai thì thực tiễn vẫn chưa được tiếp cận. Đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, sẽ rà soát lại các quỹ đất, tính toán lại quy hoạch để làm sao ở gần những khu công nghiệp, nơi có đông công nhân và nơi có đông người có nhu cầu sẽ phát triển nhà ở. Đối với các gói tín dụng cho công nhân vay, lãnh đạo thành phố đã làm việc với các ngân hàng, thúc giục công khai các điều kiện, thủ tục để người lao động tiếp cận được.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-95-cac-goi-vay-danh-cho-cong-nhan-van-nam-tren-giay