Điểm đặc biệt của 15 tỉnh biên giới sau sáp nhập tỉnh, thành
Trong số 25 tỉnh có đường biên giới, 15 tỉnh nằm trong diện sáp nhập. Có 6 tỉnh trong số đó sáp nhập với nhau, các tỉnh còn lại sáp nhập với những tỉnh không có đường biên giới.
Theo phụ lục Nghị định số 34 năm 2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền, Việt Nam có 25 tỉnh có đường biên giới trên đất liền.
Các tỉnh này gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Ngoài ra, Việt Nam có 3 mặt ở hướng Đông, Nam và Tây Nam trông ra biển với chiều dài hơn 3.260km. Phần biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam mở rộng về phía Đông và Đông Nam với thềm lục địa, các đảo và quần đảo lớn nhỏ bao bọc.

TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Hà
Theo Nghị quyết về hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 vừa được Chính phủ thông qua, các tỉnh có đường biên giới nằm trong diện sáp nhập gồm: Hà Giang, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Như vậy, trong số 25 tỉnh có đường biên giới, 15 tỉnh nằm trong diện sáp nhập. Có 6 tỉnh trong số đó sáp nhập với nhau, các tỉnh còn lại sáp nhập với những tỉnh không có đường biên giới.
Các tỉnh, thành có đường biên giới nhưng được giữ nguyên, không sắp xếp, gồm: Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ngoại trừ Hà Nội, 10/11 tỉnh thuộc diện không sáp nhập đều có đường biên giới. Trong đó, 10 tỉnh đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định để không nằm trong diện sáp nhập. Riêng Cao Bằng chưa đủ tiêu chuẩn nhưng có yếu tố đặc thù, vì thế cũng nằm trong diện không sáp nhập.
Sau sáp nhập, các tỉnh có đường biên giới có diện tích, quy mô dân số như sau:

Dưới đây là khái quát đặc điểm các tỉnh có đường biên giới sau sáp nhập:
1. Hà Giang

Huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Thanh Bình
Biên giới với: Trung Quốc
Chiều dài biên giới: khoảng 274km
Cửa khẩu: Thanh Thủy - Thiên Bảo
Tỉnh Hà Giang sáp nhập với tỉnh Tuyên Quang thành tỉnh mới có tên Tuyên Quang.
Tuyên Quang có nền kinh tế nông - lâm nghiệp, phát triển công nghiệp nhẹ. Hà Giang là tỉnh biên giới miền núi cực Bắc, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, có cao nguyên đá Đồng Văn và cửa khẩu Thanh Thủy.
Lợi thế sau sáp nhập: Liên kết vùng giữa trung du và biên giới giúp phát triển logistics, du lịch sinh thái, giao thương biên mậu với Trung Quốc; tận dụng đất rừng và tài nguyên khoáng sản.
2. Lào Cai

Tỉnh Lào Cai. Ảnh: Hoàng Hà
Biên giới với: Trung Quốc
Chiều dài biên giới: khoảng 182km
Cửa khẩu quốc tế: Lào Cai, Hà Khẩu
Tỉnh Lào Cai sáp nhập với tỉnh Yên Bái, thành tỉnh mới có tên Lào Cai.
Lào Cai có cửa khẩu quốc tế lớn, phát triển mạnh thương mại và du lịch (Sa Pa). Yên Bái có thế mạnh nông - lâm nghiệp, thủy điện và khoáng sản.
Lợi thế sau sáp nhập: Tạo chuỗi giá trị từ du lịch - công nghiệp - nông nghiệp; mở rộng vùng ảnh hưởng kinh tế cửa khẩu, phát triển hạ tầng kết nối với Hà Nội - Hải Phòng - Côn Minh (Trung Quốc).
3. Quảng Bình

TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Hà
Biên giới với: Lào
Chiều dài biên giới: khoảng 201km
Cửa khẩu: Cha Lo
4. Quảng Trị
Biên giới với: Lào
Chiều dài biên giới: khoảng 179km
Cửa khẩu quốc tế: Lao Bảo, La Lay
Tỉnh Quảng Bình sáp nhập với Quảng Trị, thành tỉnh mới có tên Quảng Trị.
Cả hai tỉnh đều có biên giới với Lào, nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Kinh tế chủ yếu là nông - lâm - thủy sản, du lịch, điện gió và cửa khẩu.
Lợi thế sau sáp nhập: Mở rộng năng lực khai thác logistics quốc tế qua Lào và Thái Lan, đẩy mạnh phát triển vùng trung chuyển hàng hóa, năng lượng tái tạo và dịch vụ biên giới.
5. Quảng Nam
Biên giới với: Lào
Chiều dài biên giới: Khoảng 157km
Cửa khẩu quốc tế: Nam Giang - Đắc Tà Oọc
Tỉnh Quảng Nam sáp nhập với TP Đà Nẵng, thành thành phố mới có tên Đà Nẵng.
Đà Nẵng là đô thị trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Quảng Nam có cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, cửa khẩu Nam Giang.
Lợi thế sau sáp nhập: Tạo đại đô thị - vùng công nghiệp - logistics biển và cửa khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển mạnh du lịch và dịch vụ hậu cần cảng biển, kết nối Lào và Đông Bắc Thái.
6. Kon Tum

Tỉnh Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Huế
Biên giới với: Lào và Campuchia
Chiều dài biên giới: khoảng 280km
Cửa khẩu quốc tế: Bờ Y, Lệ Thanh
Tỉnh Kon Tum sáp nhập với tỉnh Quảng Ngãi, thành tỉnh mới có tên Quãng Ngãi.
Kon Tum là tỉnh ngã ba Đông Dương, có cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Quảng Ngãi có khu kinh tế Dung Quất, phát triển công nghiệp nặng và cảng biển.
Lợi thế sau sáp nhập: Kết nối cao nguyên - duyên hải tạo hành lang kinh tế từ Tây Nguyên ra biển, tăng sức mạnh công nghiệp - logistics - cửa khẩu; mở rộng không gian kinh tế vùng.
7. Gia Lai

Tỉnh Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Huế
Biên giới với: Campuchia
Chiều dài biên giới: khoảng 90km
Cửa khẩu quốc tế: Lệ Thanh
Tỉnh Gia Lai sáp nhập với tỉnh Bình Định, thành tỉnh mới có tên Gia Lai.
Gia Lai giàu tài nguyên đất rừng, nông nghiệp và khoáng sản. Bình Định là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên, có cảng Quy Nhơn, khu kinh tế Nhơn Hội.
Lợi thế sau sáp nhập: Hình thành trục cao nguyên - duyên hải phía Nam, gia tăng nội lực phát triển công nghiệp chế biến, nông sản xuất khẩu, du lịch biển - núi.
8. Đắk Lắk

Tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Huế
Biên giới với: Campuchia
Chiều dài biên giới: khoảng 73km
Cửa khẩu quốc tế: Đăk Ruê
Tỉnh Đắk Lắk sáp nhập với tỉnh Phú Yên, thành tỉnh mới có tên Đắk Lắk.
Đắk Lắk có thế mạnh cà phê, tiêu, cao su và dân số đông nhất Tây Nguyên. Phú Yên có đường bờ biển dài, cảng biển, và các vùng nuôi trồng thủy sản.
Lợi thế sau sáp nhập: kết nối Tây Nguyên với biển, mở rộng xuất khẩu nông sản, phát triển du lịch biển - cao nguyên, giảm chi phí logistics nội vùng.
9. Đắk Nông

Hồ Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Thanh Bình
Biên giới với: Campuchia
Chiều dài biên giới: khoảng 141km
Cửa khẩu quốc tế: Đăk Per, Bup’rang
Tỉnh Đắk Nông sáp nhập với tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận thành tỉnh mới có tên Lâm Đồng.
Lâm Đồng nổi bật với nông nghiệp công nghệ cao và du lịch Đà Lạt. Đắk Nông có khoáng sản, đất đỏ bazan, tiềm năng thủy điện.
Lợi thế sau sáp nhập: Tăng quy mô vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; khai thác tài nguyên hợp lý; phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sinh thái rừng - hồ - núi.
10. Bình Phước
Biên giới với: Campuchia
Chiều dài biên giới: khoảng 260km
Cửa khẩu quốc tế: Hoa Lư
Tỉnh Bình Phước sáp nhập với tỉnh Đồng Nai thành tỉnh mới có tên Đồng Nai.
Bình Phước có cửa khẩu với Campuchia, phát triển mạnh cao su, chế biến nông sản. Đồng Nai là đầu tàu công nghiệp phía Nam, kết nối với TPHCM.
Lợi thế sau sáp nhập: Mở rộng vùng công nghiệp - logistics ra sát biên giới, khai thác thị trường Campuchia, tạo vùng động lực kinh tế công - nông nghiệp xuất khẩu.
11. Tây Ninh

Tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Khánh Phan
Biên giới với: Campuchia
Chiều dài biên giới: khoảng 240km
Cửa khẩu quốc tế: Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam
12. Long An
Biên giới với: Campuchia
Chiều dài biên giới: khoảng 133km
Cửa khẩu quốc tế: Bình Hiệp
Tỉnh Tây Ninh sáp nhập với tỉnh Long An thành tỉnh mới có tên Tây Ninh.
Tây Ninh có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Xa Mát, là điểm đầu tuyến cao tốc TPHCM - Phnom Penh. Long An là tỉnh vệ tinh TPHCM, có khu công nghiệp, logistics phát triển.
Lợi thế sau sáp nhập: Tăng cường vai trò trung chuyển quốc tế, thúc đẩy phát triển vùng đô thị - công nghiệp biên giới, mở rộng thị trường sang Campuchia.
13. Đồng Tháp

Tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Duy Tiến
Biên giới với: Campuchia
Chiều dài biên giới: khoảng 50km
Cửa khẩu quốc tế: Thường Phước, Dinh Bà
Tỉnh Đồng Tháp sáp nhập với tỉnh Tiền Giang thành tỉnh mới có tên Đồng Tháp.
Đồng Tháp giáp Campuchia, có lợi thế về nông nghiệp và xuất khẩu lúa gạo. Tiền Giang là tỉnh ven biển, có vị trí kết nối trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Lợi thế sau sáp nhập: Mở rộng vùng sản xuất nông sản chất lượng cao; thúc đẩy kết nối logistics, phát triển các trung tâm chế biến, giao thương với Campuchia và TPHCM.
14. An Giang
Biên giới với: Campuchia
Chiều dài biên giới: khoảng 104km
Cửa khẩu quốc tế: Tịnh Biên, Vĩnh Xương
15. Kiên Giang
Biên giới với: Campuchia (đường bộ và biển)
Chiều dài biên giới: khoảng 58km đường bộ, ngoài ra có vùng biển tiếp giáp
Cửa khẩu quốc tế: Hà Tiên và nhiều điểm giao thương đường biển
Tỉnh An Giang sáp nhập với tỉnh Kiên Giang thành tỉnh mới có tên An Giang.
Cả 2 tỉnh đều có biên giới với Campuchia, vùng sông nước - đồng bằng - biển đảo, phát triển mạnh thủy sản, nông nghiệp và thương mại biên giới.
Lợi thế sau sáp nhập: Tạo vùng sản xuất - chế biến thủy sản hàng đầu cả nước; phát triển du lịch biên giới - biển đảo (Phú Quốc, Hà Tiên), tăng năng lực xuất khẩu tiểu ngạch và chính ngạch.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/15-tinh-bien-gioi-sau-sap-nhap-thay-doi-ra-sao-2400214.html