Điểm sáng trong phong trào thi đua

Với mong muốn xây dựng một môi trường tốt để trẻ được phát triển toàn diện, thời gian qua, Ban Chấp hành Công đoàn Trường mầm non Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) phối hợp với ban giám hiệu nhà trường tích cực, chủ động tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, có nhiều sáng kiến hay trong dạy học.

Một tiết học hoạt động trải nghiệm ngoài trời của cô và trò Trường mầm non Hòa Thắng trong khuôn viên vườn rau sạch của trường. Ảnh: NGỌC HÂN

5 năm qua, nhờ thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng đơn vị “Xanh, sạch, đẹp” gắn với mô hình “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, Trường mầm non Hòa Thắng được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen, được LĐLĐ tỉnh công nhận và chọn gắn biển công trình chào mừng đại hội công đoàn các cấp (2018-2023).

Sáng tạo trong dạy và học

Đến điểm trường chính của Trường mầm non Hòa Thắng, tại thôn Mỹ Thành, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không gian trường học rất thân thiện với khuôn viên khang trang, khu vườn trồng nhiều loại hoa nhìn đẹp mắt. Theo cô Đào Thị Mộng Quyên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Trường mầm non Hòa Thắng, từ phong trào thi đua xây dựng đơn vị “Xanh, sạch, đẹp” gắn với thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” đã mang lại diện mạo mới cho cảnh quang của trường.

Qua 5 năm thực hiện, tại 5/5 điểm trường có cảnh quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện; sân trường được thiết kế, quy hoạch trồng cây xanh, cây cảnh, vườn hoa, vườn rau, phân chia từng khu vực vui chơi cụ thể, rõ ràng, phù hợp, tạo được môi trường cho trẻ học tập thoáng mát, thoải mái, an toàn, thể hiện hình ảnh, màu sắc riêng của trường, lớp mầm non.

“Từ những nguyên vật liệu phế phẩm bị loại bỏ sau khi sử dụng như: Lốp xe máy, lốp xe ô tô, vỏ hộp sữa, chai nhựa, ống hút nhựa, đĩa CD… qua những đôi tay khéo léo của các cô giáo đã tạo dáng, trang trí, sơn màu, kết hợp với một số vật liệu khác biến chúng thành những đồ dùng học tập, đồ chơi đẹp, như: xe đạp, xe máy, ô tô, vòng, cổng chui, đường đi, xe kéo, các con vật sống trong gia đình, trên rừng, dưới nước, hoa, quả, cây cỏ… để phục vụ cho công tác giảng dạy và hoạt động vui chơi của trẻ”, cô Lê Thị Lệ, giáo viên nhà trường chia sẻ.

Tham dự tiết học trải nghiệm với hoạt động tạo hình trang phục của bé bằng các nguyên liệu tự nhiên của cô trò nhà trường, chúng tôi cảm nhận rõ sự hứng thú, say sưa của các cháu. Chỉ với những mảnh vải vụn, những chiếc lá cây, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các bé được thỏa sức thể hiện năng khiếu, ý tưởng của mình qua những lát cắt còn vụng về.

Cô Ngô Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trước đây, trong môi trường giáo dục truyền thống, giáo viên truyền tải thông tin, trẻ tiếp nhận một cách thụ động. Còn trong môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên chỉ là người định hướng để giúp trẻ chủ động trải nghiệm, khám phá. Để làm được điều này, bên cạnh bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho giáo viên, trường cũng phải sáng tạo trong việc tạo ra các “góc mở” trong và ngoài lớp học để trẻ học, chơi theo cách riêng của mình”.

Tích cực trong các phong trào

Bên cạnh tổ chức tốt hoạt động dạy và học, công đoàn trường còn phát động hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… Cô Đào Thị Mộng Quyên cho hay: “Hiện nhà trường có 21 cán bộ, giáo viên, nuôi dạy gần 300 trẻ ở 5 điểm trường. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, công đoàn phối hợp cùng ban giám hiệu trường xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn viên tích cực học tập nâng cao trình độ; chủ động tổ chức các hoạt động phong trào tại cơ sở”.

Tiêu biểu như trong phong trào thi đua xây dựng đơn vị “xanh, sạch, đẹp” gắn với mô hình “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, 100% đoàn viên, cán bộ, giáo viên đã tích cực hưởng ứng, đóng góp ủng hộ vật tư, cây xanh, ngày công, đã làm lợi cho nhà trường với số tiền hàng năm trên 50 triệu đồng, giúp nhà trường giảm kinh phí mua sắm đồ chơi cho trẻ và thuê mướn nhân công trồng và chăm sóc cây xanh, hoa.

Để chăm lo tốt đời sống cho nhà giáo, người lao động, công đoàn trường đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động thiết thực như: góp quỹ nuôi heo đất, hỗ trợ cho các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo; xây dựng các tổ tiết kiệm góp vốn giúp nhau làm kinh tế phụ gia đình…

Cùng với đó, công đoàn trường phối hợp với chính quyền tuyên truyền, vận động đoàn viên luôn giữ gìn đạo đức nhà giáo, được đồng nghiệp và phụ huynh tin tưởng. “Vì có đến 5 điểm trường lẻ, nên điều kiện sinh hoạt của đoàn viên còn gặp khó khăn. Trong khi đó, ban chấp hành công đoàn của nhà trường đều là giáo viên kiêm nhiệm nên quỹ thời gian dành cho hoạt động còn ít.

Tuy vậy, nhờ lãnh đạo nhà trường quan tâm, tạo điều kiện, cùng với sự đoàn kết, năng động, công đoàn trường đã góp phần tích cực đưa trường trở thành địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh, xứng đáng là ngôi nhà thứ hai đầy yêu thương của trẻ”, cô Quyên thổ lộ.

Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền Công đoàn Trường mầm non Hòa Thắng đạt tập thể lao động xuất sắc; được Bộ GD-ĐT tặng cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua Đổi mới sáng tạo trong dạy và học; Bộ GD-ĐT tặng bằng khen, Phòng GD-ĐT huyện tặng giấy khen trong 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”.

CĐCS Trường mầm non Hòa Thắng tích cực tham gia các hoạt động do công đoàn cấp trên phát động. Mô hình “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” của trường đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc đổi mới các hoạt động giáo dục ngoài trời, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Quốc Thắng

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/246425/diem-sang-trong-phong-trao-thi-dua-%C2%A0.html