Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế tuần từ 14-19/7

Lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ tăng tốc; thặng dư thương mại của khu vực euro đã nới rộng lên 16,2 tỷ euro trong tháng 5 hay tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước... là một số diễn biến tài chính tiền tệ quốc tế đáng chú ý trong tuần từ 14 - 18/7.

Diễn biến thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu đáng chú ý tuần từ 30/6 - 5/7

Diễn biến thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu đáng chú ý tuần từ 30/6 - 5/7

Mỹ: Lạm phát giá tiêu dùng tăng tốc, chứng khoán lập đỉnh

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đồng loạt xác lập mức cao kỷ lục mới trong tuần qua, được hỗ trợ bởi báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp tích cực và các số liệu kinh tế nhìn chung là thuận lợi. Chỉ số Russell 2000 đại diện cho nhóm vốn hóa nhỏ cũng ghi nhận tăng điểm, trong khi Dow Jones và S&P Midcap 400 lại kết thúc tuần trong sắc đỏ.

Mùa báo cáo lợi nhuận chính thức bắt đầu từ thứ Ba với kết quả từ một loạt các ngân hàng lớn. JP Morgan Chase và Citigroup đều công bố lợi nhuận quý II vượt kỳ vọng của các chuyên gia phân tích. Đến thứ Năm, loạt doanh nghiệp tiêu dùng nổi tiếng như PepsiCo, United Airlines và Netflix cũng công bố kết quả vượt dự báo.

Ở diễn biến khác, hãng sản xuất chip NVIDIA thông báo đã được chính quyền Tổng thống Donald Trump cấp phép bán dòng chip AI H2O cho Trung Quốc. Cổ phiếu của NVIDIA - công ty vừa đạt mức vốn hóa 4.000 tỷ USD vào đầu tháng 7 - đã tăng mạnh sau thông tin này.

Ở thông tin khác, giới đầu tư chứng khoán cũng tỏ ra tích cực trước loạt số liệu kinh tế cho thấy sức tiêu dùng ổn định, và mức lạm phát tuy không giảm nhưng vẫn nằm trong vùng có thể kiểm soát. Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận mức tăng hàng tháng cao nhất trong 5 tháng qua, nhưng nhìn chung vẫn phù hợp với dự báo.

Cụ thể, CPI tháng 6 tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn mức 0,1% ghi nhận trong tháng 5. Một số nhà kinh tế cho rằng việc tăng thuế nhập khẩu là nguyên nhân đẩy giá cả đi lên. So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 2,7%, cao hơn mức 2,4% của tháng 5. Chỉ số CPI lõi (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) tăng 2,9% so với cùng kỳ, nhích nhẹ so với mức 2,8% của tháng trước. Giá hàng hóa tiêu dùng, đồ giải trí và giày dép đều tăng tốc kể từ tháng 4. Tuy nhiên, mức tăng này phần nào được bù đắp bởi đà giảm giá xe ô tô.

Giới đầu tư cũng chú ý đến báo cáo bán lẻ do Bộ Thương mại Mỹ công bố, cho thấy doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 0,6%, vượt xa kỳ vọng sau khi giảm 0,9% trong tháng 5.

Thông tin về khả năng Tổng thống Donald Trump sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã gây áp lực lên thị trường vào thứ Tư, nhưng tình hình nhanh chóng đảo chiều sau khi ông Trump bác bỏ ý định này. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần chỉ trích ông Powell, nhất là trong bối cảnh Fed vẫn duy trì lãi suất ổn định trong năm nay và chưa có động thái nới lỏng thêm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn trung và dài hạn gần như không đổi trong tuần, trong khi lợi suất ngắn hạn giảm nhẹ do thị trường đồn đoán về tương lai của ông Powell tại Fed. (Lưu ý: giá trái phiếu và lợi suất diễn biến ngược chiều nhau.)

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Mỹ thuộc nhóm investment-grade (xếp hạng đầu tư) ghi nhận diễn biến tích cực hơn trái phiếu Chính phủ. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tuần phù hợp kỳ vọng và phần lớn đều được đặt mua vượt mức.

Châu Âu: Sản lượng công nghiệp tăng mạnh, thặng dư thương mại vượt kỳ vọng

Tính theo đồng nội tệ, chỉ số STOXX Europe 600 - đại diện cho toàn thị trường châu Âu - gần như đi ngang trong tuần khi nhà đầu tư chờ đợi dấu hiệu tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và châu Âu. Diễn biến các chỉ số chứng khoán lớn khá trái chiều: chỉ số FTSE MIB của Ý tăng 0,58%, trong khi DAX của Đức và CAC 40 của Pháp gần như không đổi. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,57%, một phần được hỗ trợ bởi đồng bảng Anh mất giá so với đồng USD – điều này có lợi cho FTSE 100 do phần lớn doanh nghiệp trong chỉ số này là các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu lớn từ thị trường nước ngoài.

Sản lượng công nghiệp khu vực đồng euro tăng 1,7% trong tháng 5 so với tháng trước, phục hồi mạnh từ mức giảm 2,2% của tháng 4 và vượt xa dự báo thị trường là tăng 0,9%. Động lực chính đến từ sự gia tăng sản lượng năng lượng, hàng tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng không bền. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng công nghiệp tăng mạnh 3,7%, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,2% của tháng trước.

Ở diễn biến khác, thặng dư thương mại của khu vực euro đã nới rộng lên 16,2 tỷ euro trong tháng 5, so với mức 12,7 tỷ euro cùng kỳ năm trước, nhờ xuất khẩu tăng 0,9% trong khi nhập khẩu giảm 0,6%.

Đức: Niềm tin nhà đầu tư cao nhất trong ba năm

Chỉ số ZEW đo lường kỳ vọng kinh tế tại Đức trong tháng 7 tăng tháng thứ ba liên tiếp, đạt 52,7 - mức cao nhất kể từ tháng 2/2022. Kết quả này vượt kỳ vọng của giới phân tích (mức dự báo là 50,2 theo khảo sát của FactSet). Viện nghiên cứu kinh tế ZEW cho biết gần 2/3 chuyên gia tham gia khảo sát tin rằng kinh tế sẽ khởi sắc, nhờ các gói kích thích tiềm năng và kỳ vọng về việc sớm giải quyết tranh chấp thương mại giữa EU và Mỹ.

Anh: Lạm phát vượt kỳ vọng, thất nghiệp tăng

Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng hàng năm tại Anh bất ngờ tăng lên 3,6% trong tháng 6 từ mức 3,4% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 1/2024. Nguyên nhân chính là giá vận tải tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu ô tô. Lạm phát dịch vụ, một chỉ số trọng yếu mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) theo dõi vẫn duy trì ở mức 4,7%, cho thấy áp lực chi phí cơ bản vẫn còn dai dẳng. Trước đó, thị trường kỳ vọng lạm phát dịch vụ sẽ hạ nhiệt.

Thị trường lao động Anh tiếp tục suy yếu trong ba tháng tính đến tháng 5. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 4,7% từ mức 4,6% của giai đoạn ba tháng trước đó, mức cao nhất trong 4 năm qua. Số lượng người lao động có đóng thuế lương giảm khoảng 41.000 người trong tháng 6, sau khi đã giảm 25.000 người trong tháng 5. Tuy vậy, tăng trưởng tiền lương không tính thưởng vẫn nhỉnh hơn dự báo, đạt 5,0%, tuy nhiên vẫn giảm so với mức 5,3% đã điều chỉnh của tháng trước đó.

Nhật Bản: Chứng khoán tăng nhẹ, lạm phát hạ nhiệt

Thị trường chứng khoán Nhật Bản ghi nhận mức tăng nhẹ trong tuần qua, với chỉ số Nikkei 225 tăng 0,63% và chỉ số TOPIX rộng hơn tăng 0,40%. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi sự bất ổn chính trị trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào ngày 20/7, nơi có khả năng liên minh cầm quyền giữa Thủ tướng Shigeru Ishiba và các đảng LDP - Komeito không giành được thế đa số.

Giới đầu tư hiện đang dồn sự chú ý vào việc tân nội các sẽ có xu hướng ủng hộ kinh tế và cải cách ra sao, cũng như liệu chính sách tài khóa mới sẽ mang thiên hướng nới lỏng hay thắt chặt. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,53% từ mức 1,49% hồi cuối tuần trước, do kỳ vọng rằng cuộc bầu cử có thể dẫn đến một nội các nghiêng về nới lỏng tài khóa, thúc đẩy chi tiêu công. Đồng yên Nhật suy yếu, giao dịch quanh vùng giữa 148 yên đổi 1 USD, so với mức 147,4 yên trước đó.

Ở thông tin khác, áp lực lạm phát tại Nhật có dấu hiệu giảm bớt khi chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI lõi) tăng 3,3% so với cùng kỳ trong tháng 6, thấp hơn mức dự báo 3,4% và giảm từ mức 3,7% ghi nhận trong tháng 5. Nguyên nhân chính là do đóng góp từ nhóm năng lượng giảm xuống, phản ánh tác động từ các khoản trợ cấp của chính phủ.

Về thương mại, do nhu cầu nước ngoài bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ, xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 6 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, tháng giảm thứ hai liên tiếp và trái ngược với kỳ vọng tăng 0,5%. Xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm mạnh do doanh số ô tô, linh kiện ô tô và dược phẩm yếu đi. Doanh số sang Trung Quốc cũng giảm.

Mỹ đã thông báo sẽ áp mức thuế “đối ứng” 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, có hiệu lực từ ngày 1/8. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán thương mại song phương giữa hai nước vẫn đang được tiến hành, và một thỏa thuận chính thức có thể sẽ đạt được trong thời gian tới.

Trung Quốc: Chứng khoán tăng, GDP tăng trong quý II

Theo dữ liệu từ FactSet, tị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục ghi nhận mức tăng trong tuần qua. Chỉ số CSI 300 – đại diện cho các cổ phiếu bluechip niêm yết trong nước, tăng 1,09%, còn chỉ số Shanghai Composite nhích nhẹ 0,69% tính theo đồng nội tệ. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng mạnh 2,84%.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm thứ Ba, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 5,4% của quý I. Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng mức tăng trưởng quý II vượt kỳ vọng này có thể giúp giảm áp lực lên Bắc Kinh trong việc triển khai thêm các gói kích thích kinh tế trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cũng cảnh báo rằng đà tăng trưởng có thể chậm lại trong nửa cuối năm do áp lực giảm phát gia tăng, tiêu dùng yếu và nguy cơ căng thẳng thương mại với Mỹ tái bùng phát khi thỏa thuận tạm thời giữa hai nước hết hiệu lực vào giữa tháng 8. Trước đó, Trung Quốc cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 giảm mạnh nhất trong gần hai năm, đánh dấu tháng giảm thứ 33 liên tiếp của giá đầu ra tại nhà máy.

Tình trạng ảm đạm kéo dài trên thị trường bất động sản Trung Quốc cũng đang khiến dư luận tiếp tục kêu gọi chính phủ đưa ra thêm các biện pháp hỗ trợ. Theo số liệu công bố ngày thứ Ba, giá nhà mới tại 70 thành phố trên toàn quốc trong tháng 6 giảm 0,27% so với tháng trước; giá nhà cũ giảm tới 0,61%.

Theo Bloomberg, doanh số bán nhà ở giảm 12,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước – mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm. Những số liệu này cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản, hiện đã kéo dài sang năm thứ năm tiếp tục đè nặng lên nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Indonesia: Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất

Hôm thứ Tư, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Mỹ và Indonesia đã đạt được thỏa thuận về thương mại và thuế quan. Theo Reuters, Mỹ sẽ áp thuế suất 19% đối với hàng xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ, thấp hơn nhiều so với mức 32% mà ông Trump từng đề xuất hồi tháng 4, trước khi hai bên đồng ý tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày.

Reuters cũng đưa tin rằng ông Trump khẳng định Indonesia đã đồng ý mua 50 máy bay do tập đoàn hàng không Boeing sản xuất, chi 15 tỷ USD để nhập khẩu năng lượng từ Mỹ và 4,5 tỷ USD cho các mặt hàng nông sản Mỹ.

Trong khi các quan chức Ngân hàng Trung ương Indonesia được cho là đã hoan nghênh thỏa thuận này, họ đồng thời cũng quyết định giảm lãi suất điều hành từ 5,50% xuống 5,25% trong cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 15-16/7. Theo tuyên bố sau cuộc họp, quyết định này được đánh giá là “phù hợp với dự báo lạm phát thấp hơn cho các năm 2025 và 2026, với mục tiêu duy trì sự ổn định của tỷ giá rupiah phù hợp với các yếu tố nền tảng, cũng như tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dien-bien-thi-truong-tai-chinh-tien-te-quoc-te-tuan-tu-14-197-167548.html