Điện Kremlin bình luận về tin đồn sắp diễn ra cuộc gặp nguyên thủ ba nước Nga-Mỹ-Trung
Moskva (Moscow) cho biết họ không biết gì về bất kỳ kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên nào tại Bắc Kinh vào tháng 9 tới.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: IRNA/TTXVN
Kênh RT của Liên bang Nga tối 19/7, theo giờ địa phương, dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva không có thông tin gì để chia sẻ về khả năng diễn ra một cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai sắp tới tại Bắc Kinh.
Buổi lễ đánh dấu kỷ niệm 80 năm Nhật Bản thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai dự kiến sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào đầu tháng 9. Ông Putin đã nhận lời mời trực tiếp từ ông Tập khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tới thăm Moskva nhân dịp lễ Chiến thắng phát xít Đức hồi đầu tháng 5.
“Chúng tôi không biết gì về khả năng diễn ra một cuộc gặp như vậy”, ông Peskov nói với hãng tin TASS, nhằm phản hồi bài viết của tờ The Times hôm thứ Sáu (18/7), trong đó cho rằng Bắc Kinh đang xem xét sử dụng dịp này để tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên.
Tháng trước, ông Trump nói rằng Chủ tịch Tập đã mời ông và Đệ nhất phu nhân Melania Trump tới thăm Trung Quốc, trong một cuộc điện đàm “rất tốt đẹp” tập trung vào các vấn đề thương mại. Tuy nhiên, chưa có xác nhận chính thức nào về ngày cụ thể từ phía Washington hoặc Bắc Kinh.
Theo bài báo của The Times đăng ngày thứ Sáu (18/7), cả giới phân tích lẫn dư luận Trung Quốc đều đã kêu gọi ông Tập Cận Bình “nắm bắt cơ hội” mời người đồng cấp Donald Trump và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên nhân dịp lễ kỷ niệm sắp tới.
Vào tháng trước, Giáo sư Kim Xán Vinh (Jin Canrong) thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đồng thời là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong dư luận Trung Quốc, phát biểu với trang tin Quan sát (Guancha) rằng: “Vì sao lại không kết hợp chuyến thăm của ông Trump với lễ kỷ niệm vào ngày 3/9?”.
Giáo sư Kim Xán Vinh đề xuất: “Nếu lãnh đạo của Trung Quốc, Mỹ và Liên bang Nga cùng đứng trên lễ đài duyệt binh, đó sẽ là một tín hiệu tích cực lớn tới toàn thế giới”.
Theo The Times, Bắc Kinh đã “ngầm khuyến khích các đồn đoán” về khả năng diễn ra cuộc gặp này bằng cách từ chối phủ nhận một bản tin của hãng Kyodo News (Nhật Bản) đăng tháng trước, trong đó tuyên bố rằng quyết định mời ông Trump đã được đưa ra.
Quan hệ giữa Washington, Bắc Kinh và Moskva (Moscow) đã xấu đi trong những năm gần đây vì cuộc xung đột ở Ukraine, các cáo buộc về chiến tranh mạng do Trung Quốc thực hiện, và điều mà Mỹ gọi là “thực hành thị trường không công bằng.”
Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào tháng 1, ông Trump đã có động thái nhằm hâm nóng quan hệ ngoại giao với Liên bang Nga và thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine.
Dẫu vậy, vào thứ Hai (14/7) vừa qua, ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng với tiến độ đàm phán hòa bình giữa Liên bang Nga và Ukraine, đồng thời cảnh báo sẽ áp thuế trừng phạt thứ cấp 100% đối với các đối tác thương mại của Liên bang Nga nếu chiến sự không chấm dứt trong vòng 50 ngày.
Sau đó một hôm, vào ngày 15/7, kênh RT dẫn nhận định của ông Ivan Timofeev, Giám đốc chương trình tại Câu lạc bộ Valdai, cho rằng sau khi ông Trump đưa ra tối hậu thư thì dự luật trừng phạt Nga do Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đề xuất có khả năng được thông qua cao hơn.
Dự luật này cho phép áp đặt mức thuế thứ cấp lên tới 500% đối với các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ và nguyên liệu thô của Nga.
Nếu dự luật được thông qua, ông Trump sẽ có toàn quyền quyết định mức thuế thứ cấp này, có thể là 100%, 500% hoặc bất kỳ mức nào khác – và ông Trump có thể điều chỉnh tùy theo tình hình trong quan hệ song phương.
Ví dụ, Ấn Độ có thể bị áp mức thuế thấp hơn, còn Trung Quốc cao hơn – hoặc ông Trump cũng có thể áp dụng đồng đều. Tiền lệ từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran cho thấy các quốc gia giảm mua dầu mỏ đã được miễn trừ như một phần thưởng cho “hành vi tốt”.