Điện về sáng bản vùng cao
800x600Normal0falsefalsefalsefalseEN-USX-NONEX-NONEMicrosoftInternetExplorer4/* Style Definitions */table.MsoNormalTable{mso-style-name:'Table Normal';mso-tstyle-rowband-size:0;mso-tstyle-colband-size:0;mso-style-noshow:yes;mso-style-priority:99;mso-style-parent:'';mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt;mso-para-margin:0in;mso-para-margin-bottom:.0001pt;mso-pagination:widow-orphan;font-size:10.0pt;font-family:'Times New Roman','serif';}ĐBP - Theo giới thiệu của ông Lò Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đào Văn Đông ở bản Nậm Vì – người đầu tiên đưa dịch vụ xay xát về bản. Vừa đặt chân đến cổng chúng tôi đã nghe tiếng máy nổ rộn ràng, bà con dân bản đang tấp nập mang ngô, thóc, sắn đến xay xát.
Không ngơi tay chạy máy, anh Đông nói như át tiếng máy: Có được thế này là nhờ có điện đấy. Giờ tiện lắm, máy móc cứ cắm điện là chạy, chứ không phải quay tay vất vả như trước nữa. Trước kia, mình đi nhiều nơi, nhìn mọi người được sử dụng điện mà thèm, ao ước lắm. Dạo đầu, khi nghe sẽ có điện lưới quốc gia về bản, nhưng vẫn chẳng dám tin, chỉ đến khi được tận mắt chứng kiến đơn vị thi công dựng cột, kéo đường dây mới tin là thật. Từ khi có điện, mình đầu tư mua máy xát về làm dịch vụ, mùa nào thức ấy. Không chỉ thế, nhờ theo dõi các chương trình khuyến nông trên ti vi mình còn học hỏi được cách tận dụng những phụ phẩm từ xay xát để phát triển chăn nuôi nên đã mạnh dạn nuôi 5 con lợn sinh sản, hơn 50 con gà để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Công nhân Công ty Điện lực Điện Biên kéo đường dây điện cho các hộ dân Mường Nhé.
Niềm vui của anh Đào Văn Đông cũng là niềm vui chung của bà con các dân tộc ở Nậm Vì. Nhiều năm qua, niềm mơ ước lớn nhất của bà con là có điện. Có điện lưới quốc gia, đời sống của bà con đã thay đổi rõ rệt. Đêm xuống điện sáng bản, học sinh không phải ngồi học bài dưới ánh đèn dầu tù mù hay bóng điện nước phập phù lúc sáng lúc tối. Chị em tranh thủ may vá quần, áo cho cả gia đình để ban ngày dành thời gian làm nương, làm ruộng. Có điện, nhiều hộ đã mua đài, ti vi vừa nâng cao đời sống tinh thần vừa học tập cách làm ăn mới, kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất…
Anh Hà Công Hiển, công nhân Công ty TNHH Duyên Hà (Hà Nội) – đơn vị thi công các công trình đưa điện lưới quốc gia về các xã vùng sâu, vùng xa huyện Mường Nhé, Nậm Pồ tâm sự: Những ngày sống cùng với dân bản, chúng tôi càng thấu hiểu nỗi mong chờ dòng điện của đồng bào các dân tộc để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Công trình thi công toàn khu vực khó khăn, vất vả, địa hình hiểm trở. Ngày nắng đi bộ trèo đồi vượt dốc đã vất vả, ngày mưa khó khăn nhân lên gấp bội với nguy cơ sạt đường, lở núi. Công nhân hầu như chỉ dùng sức người, phương tiện thủ công kéo cột điện lên dốc, xuống đèo, có cột ở lưng chừng núi, có cột vào vị trí ruộng nương của người dân. Nhiều trường hợp người dân không hiểu, đòi tiền đền bù ruộng đất, hoa màu quá cao khiến đội thi công phải dừng lại để thương lượng, ảnh hưởng tiến độ. Thi công đường dây đã khó, nhưng chưa vất vả bằng việc đưa máy biến áp về bản, nhiều đoạn không thể đưa máy móc vào thực hiện nên vẫn phải dùng đến sức người là chính. Tôi vẫn còn nhớ ngày đưa máy biến áp vào trạm ở khu vực UBND xã Nà Khoa (huyện Nậm Pồ). Đoạn đường từ điểm tập kết đến điểm đặt trạm biến áp phải đi qua một cây cầu treo dài gần 100m. Hôm đó, trời mưa tầm tã, cầu trơn, mặt cầu hẹp, ban đầu, anh em nhìn vào cái máy nặng hơn 700kg rồi lắc đầu “chịu chết”. Hôm đó, chúng tôi phải huy động thêm 30 thanh niên của xã cùng với hơn 20 công nhân của đơn vị thay nhau khiêng máy nhích từng bước một, cuối cùng sau gần 3 tiếng đồng hồ mới đưa được máy biến áp về trạm.
Ông Lê Văn Hay, Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên cho biết: Vẫn biết đối với ngành thì đưa điện về các xã nghèo, xã vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn không đem lại hiệu quả cao về mặt sản xuất kinh doanh nhưng có một điều chắc chắn là mang lại hiệu quả xã hội to lớn, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội. Thực hiện mục tiêu đưa điện lưới quốc gia đến hơn 12.000 hộ dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh, tất cả các gói thầu đường điện, 112 trạm biến áp trên địa bàn của các huyện đồng loạt được thi công. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 76 trạm biến áp cấp điện cho hơn 7.000 hộ dân. Công ty Điện lực Điện Biên phấn đấu, trước tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhân dân 2 xã: Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) và Pa Tần (huyện Nậm Pồ) được sử dụng điện lưới quốc gia. Chỉ một vài tháng nữa, khi dự án “Mở rộng và cải tạo lưới điện nông thôn vùng sâu, vùng xa tỉnh Điện Biên” hoàn thành, khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh, kể cả những vùng xa nhất, heo hút nhất sẽ lung linh ánh sáng điện lưới quốc gia.
Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/dien-ve-sang-ban-vung-cao