Điều gì tạo nên một gia đình thực sự?

Huyết thống hay hôn thú không phải là yếu tố giúp các thành viên trong gia đình thực sự gắn bó. Tình yêu thương, cùng sự thấu hiểu và chia sẻ mới là những thứ làm được điều đó.

 Hãy sắp xếp thời gian ở bên gia đình nhiều hơn thấu hiểu những người thân yêu. Ảnh minh họa: PNO.

Hãy sắp xếp thời gian ở bên gia đình nhiều hơn thấu hiểu những người thân yêu. Ảnh minh họa: PNO.

Bởi vì cha mẹ độc hại chẳng chú ý tới cảm nhận của ta khi ta còn nhỏ, hoặc trong trường hợp của tôi, họ có chú ý thấy nhưng không quan tâm, lựa chọn duy nhất của ta là giữ các cảm xúc ấy trong lòng. Đây là một trải nghiệm bị cô lập hằn sâu vào tâm trí ta.

Để đối phó với tình trạng này, khi còn nhỏ, chúng ta học cách làm bất cứ điều gì cần thiết để có thể kết nối với cha mẹ. Gibson nói: "Chúng ta học cách đặt nhu cầu của người khác lên hàng đầu, coi nó như cái giá của việc được chấp nhận trong một mối quan hệ".

Tôi có thể làm chứng cho điều này. Khi còn trẻ, tôi là kẻ không biết xấu hổ, luôn cố gắng làm vừa lòng bạn bè hoặc người yêu. Vì rất muốn được yêu, tôi lấy lòng người khác như một cách để đảm bảo tình yêu và sự chấp nhận từ họ. Khi trưởng thành, tôi đã phải nỗ lực thật nhiều mới khắc phục được thói quen kinh khủng đó; thậm chí đến tận bây giờ, tôi vẫn đang tiếp tục chữa lành, thay đổi một số thói quen ở một mức độ nào đó.

Khi còn nhỏ, ta hiểu mình còn quá nhỏ để có thể mong đợi người khác hỗ trợ hoặc quan tâm đến mình. Kết quả là ta đảm nhận luôn vai trò người cho đi, tiếp tục đảm nhận vai trò này khi trưởng thành. Ta không nghĩ tới các khái niệm về mối quan hệ lành mạnh, chẳng hạn như tương hỗ hoặc có qua có lại. Ta tập trung quá đà vào việc liệu mọi người đã thấy mình đủ tốt hay chưa, có thích mình hay không.

Nếu đột nhiên cảm thấy bản thân chẳng có giá trị gì trong mắt một số người, ta sẽ cố gắng thay đổi bất cứ điều gì ta cho rằng họ không thích ở mình để ngăn họ rời đi. Đây là một cách sống vô vị và tồi tệ. Ta còn chẳng nghĩ đến việc họ đối xử tốt với ta vì họ muốn ta thích họ. Ta chỉ có kinh nghiệm trong việc cố gắng đạt được các mảnh tình yêu, dù chỉ là nhỏ nhất.

Tôi có những kỷ niệm, đến từ cả thời thơ ấu và khi đã trưởng thành, về phản ứng của mẹ khi tôi có nhu cầu hoặc tự đáp ứng các nhu cầu của mình. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều lần mẹ đảo mắt, nghe thấy vô số lời móc mỉa, tự dưng gây hấn rằng tôi không dành đủ sự quan tâm cho bà (đặc biệt khi có một người đàn ông xuất hiện trong đời tôi).

Tôi đã chứng kiến thái độ ghét bỏ rất rõ ràng của mẹ, dù đang ở ngay trước mặt hay sau lưng tôi, nhân danh mọi thứ bà từng cho tôi. Sau khi tôi ly hôn, bà đến California giúp tôi dọn nhà, cho một khoản tiền đáng kể để hỗ trợ mẹ con tôi ổn định cuộc sống. Bà ấy có vẻ rất vui khi được giúp đỡ, thậm chí nắm tay tôi khi chúng tôi đi mua sắm. Bà thực sự hào hứng khi giúp chúng tôi sắp xếp mọi thứ trong nơi ở mới.

Khi về đến nhà, tôi bỏ đi làm một vài việc vặt. Sau đó, mẹ đã nói với một người bạn nam tới giúp đỡ tôi: "Đây sẽ là lần cuối tôi dành thời gian và tiền bạc giúp nó". Khi tôi biết được lời nhận xét đó và hỏi lại mẹ, bà nhanh chóng tảng lờ, đánh lạc hướng. Bà buộc tội bạn tôi là người tiêu cực và dối trá, bà không ngờ anh ta lại nói như vậy với tôi.

Đây là những gì tôi đã học được và mỗi ngày dạy lại cho mọi người trong phòng làm việc. Huyết thống không biến chúng ta và người thân độc hại thành một gia đình. Định nghĩa thực sự của gia đình là mối liên kết sâu sắc hơn cả huyết thống hoặc DNA.

Gia đình là tình yêu, sự hy sinh, chân thành, bảo vệ, giúp đỡ, yêu thương vô điều kiện, có qua có lại, sự chấp nhận, tôn trọng, trung thành và an toàn. Nó không phải sự tàn ác, chia phe để đấu đá, chia rẽ, thao túng, ruồng bỏ, dối trá, chỉ trích, ích kỷ, phản bội hay buôn chuyện.

Khi gia đình hội tụ đầy đủ các phẩm chất tiêu cực này, đó chỉ là gia đình trên danh nghĩa. Nó thực sự chỉ đơn thuần là nhóm người độc hại mà ta tình cờ có liên quan về mặt sinh học.

Chẳng gia đình nào hoàn hảo, nhưng không phải mọi gia đình đều có khuôn mẫu là các mối liên hệ hời hợt, các trò chơi khăm phá hoại và bạo hành tâm lý. Các khía cạnh tâm lý của gia đình nên tạo ra không gian an toàn để mọi người được là chính mình. Gia đình nên tạo ra sự an toàn, chứ không nên phá vỡ nó.

Sherrie Campbell/ Sky books & NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-gi-tao-nen-mot-gia-dinh-thuc-su-post1569994.html