Định hình lại không gian mua sắm trong 'siêu đô thị' TP.HCM

Cơ hội đang mở ra với ngành bán lẻ khi TP.HCM trở thành 'siêu đô thị' với 14 triệu dân và chiếm 25% thị phần bán lẻ toàn quốc.

Không gian phát triển được mở rộng theo hướng của một "siêu đô thị" đa cực, kết hợp giữa trung tâm hành chı́nh - tài chı́nh - tiêu dùng truyền thống với vùng công nghiệp - logistics - cảng biển năng động. Ngành bán lẻ vì thế đang được nhìn nhận không chỉ là động lực tăng trưởng, mà còn là hạt nhân tái cấu trúc không gian phát triển đô thị trong thời kỳ mới.

Với nhiều doanh nghiệp nghiệp sản xuất và đơn vị bán lẻ, TP.HCM chủ yếu là nơi tiêu thụ, còn nguyên liệu sản xuất phải lấy từ các tỉnh lân cận. Hiện nay, trong không gian kinh tế mới, các doanh nghiệp cho biết, họ có thế tận dụng lợi thế về vùng nguyên liệu để nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu chi phí.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty San Hà chia sẻ: “Trước đây, khi chúng tôi thực hiện chương trình bình ổn giá, chúng tôi phải kết hợp với Sở Công Thương cùng với các sở, ngành đi đến các vùng nguyên liệu để đem về TP.HCM. Nhưng bây giờ thành TP.HCM mới rồi, chúng tôi không phải mang sản phẩm từ tỉnh lên thành phố nữa mà nó đã trở thành một khối kinh tế mạnh”.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho hay: “Chúng tôi nhìn nhận, đây không chỉ là sự phát triển đô thị mà là cách chúng tôi định hình lại cách bán lẻ. Trong không gian mới này, chúng tôi sẽ làm việc với các nhà cung ứng đến từ khu vực Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương nhiều hơn để đảm bảo nguồn hàng cung ứng mới”.

Hiện kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, cho thấy thị trường còn nhiều dư địa để phát triển. Các doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội tái định vị mô hình bán lẻ phù hợp với các khu vực đặc thù: khu dân cư trung tâm, khu công nghiệp và khu hậu cần - cảng biển. Ngành Công Thương TP.HCM vì vậy cũng đã chủ động quy hoạch lại không gian mua sắm.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: “Chúng tôi phải làm lại quy hoạch một cách hợp lý về hệ thống chợ đầu mối, chợ truyền thống, các trung tâm thương mại, siêu thị cũng như các cửa hàng trên phố để làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc tiếp cận hàng hóa. Cũng như các doanh nghiệp có thể thông qua mạng lưới quy hoạch về thương mại của TP.HCM trong không gian phát triển mới để thúc đẩy tăng trưởng các ngành hàng, phục vụ người dân với chi phí ngày càng thấp hơn”.

Các chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần tái thiết không gian phát triển thương mại, tận dụng hiệu quả logistics đường thủy để giảm chi phí. Qua đó, hạ giá hàng hóa và mở rộng tiếp cận người tiêu dùng ở nhiều mô hình bán lẻ. Để làm được điều này, Thành phố đã kiến nghị Trung ương cơ chế đặc thù phát triển hạ tầng logistics, đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn. Đây là nền tảng để TP.HCM giữ vững vai trò trung tâm tiêu dùng quốc gia và tăng ảnh hưởng trong chuỗi thương mại khu vực.

Hồng Liên

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dinh-hinh-lai-khong-gian-mua-sam-trong-sieu-do-thi-tphcm-347973.htm