Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận về các dự án luật
Sáng nay 23/11, Quốc hội thảo luận luận tại tổ về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số và dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận.
Đối với dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, hiện nay trong môi trường không gian mạng, ranh giới pháp lý điều chỉnh của luật pháp Việt Nam khó phân định rõ ràng, và việc điều chỉnh các vấn đề ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc không do người Việt Nam thực hiện là một thách thức lớn. Vì vậy, cần thiết phải quy định rõ yêu cầu đối với các tổ chức, cá nhân (trực tiếp hoặc gián tiếp) tại Việt Nam cũng như công dân Việt Nam ở nước ngoài có hoạt động về công nghiệp công nghệ số phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng áp dụng của luật đối với “tổ chức trong và ngoài nước có trụ sở đại diện trực tiếp hoặc gián tiếp trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài hoạt động thường xuyên tại Việt Nam và công dân Việt Nam ở bất kỳ quốc gia nào, nếu tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam”.
Về quy định đối với “Tài sản số”, tại dự thảo có đề cập đến “tài sản mã hóa”, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng hiện nay có một số loại tiền mã hóa trên thị trường đang tồn tại nhưng pháp luật Việt Nam từ trước đến nay chưa thừa nhận, việc đưa các tài sản mã hóa quy định vào luật là phù hợp với thực tiễn, nhưng cần quy định chặt chẽ tránh tình trạng nhầm lẫn giữa “tài sản mã hóa” do nhà nước phát hành và các loại tiền mã hóa chưa được công nhận trên thị trường hiện nay.
Đối với dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Hoàng Đức Thắng tán thành với việc sửa đổi luật lần này sau hơn 10 năm thực thi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Đi vào các quy định cụ thể tại dự thảo luật, đại biểu đề nghị cần xác định rõ tư cách pháp nhân và trách nhiệm của nhà đầu tư vốn và doanh nghiệp. Nếu quy định như dự thảo có thể dẫn đến tình trạng nhà nước quản lý vốn, doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh lại không được chủ động về vốn mà phải đề xuất chủ sở hữu để “xin” vốn; quy định như vậy liệu có “trói tay” doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước hay không?
Đại biểu cũng nhấn mạnh, luật cần làm rõ tư cách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp, cụ thể đại diện chủ sở hữu vốn là cơ quan quản lý hành chính, thuộc loại pháp nhân phi thương mại, doanh nghiệp là pháp nhân thương mại. Cần xác định rõ để quy trách nhiệm pháp lý, tránh thất thoát, lãng phí vốn nhà nước do làm ăn thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong thực hiện cải cách hành chính năm 2018, chúng ta đã xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu vốn, tài sản nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương để thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tạo ra một cửa quản lý vốn nhà nước. Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cần có đánh giá tổng kết hiệu quả hoạt động của cơ quan này.
Đối với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh, tại dự thảo quy định trách nhiệm của 5 loại cơ quan liên quan đến quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định tập trung cho một số cơ quan quản lý chính, các cơ quan khác đóng vai trò phối hợp để tránh việc doanh nghiệp phải báo cáo, xin ý kiến nhiều cơ quan trong điều hành hoạt động doanh nghiệp cũng như phải chịu nhiều cơ quan có quyền hạn thanh tra, kiểm tra, điều này gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng đề nghị bổ sung thêm chức năng, vai trò của cơ quan Kiểm toán nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, đánh giá tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đồng thời ban soạn thảo cần rà soát, giải thích, làm rõ thêm một số khái niệm mang tính chuyên ngành.
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, các dự án luật trên được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).