Doanh nghiệp đang 'kiệt sức', ngậm ngùi thanh lý tài sản

Khó khăn về dòng tiền nên nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa nhà máy, bán tài sản với giá chỉ bằng một nửa giá trị thực… Cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay, rất cần 'phao' hỗ trợ từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương.

Tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu ra một thực tế "đau xót" mà nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp phải.

Nhiều DN đã bán gần hết tài sản

Bộ trưởng KH&ĐT nhìn nhận, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định trong 4 tháng đầu năm, nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, bình quân 9,56%/năm. Tín dụng đến ngày 24/4 tăng trưởng 2,66%, cho thấy sản xuất, kinh doanh khó khăn và khả năng hấp thụ vốn của DN hạn chế.

Cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay.

Cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay.

“Nhiều DN lớn chúng tôi biết đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được là đã bán, đấy là việc rất đáng lo ngại và bán có 50% giá thực. Người mua là ai - toàn là nước ngoài. Đấy là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần về việc thâu tóm của nước ngoài, rất nguy hiểm, nhất là đối với những DN lớn mà chúng ta cần phải giữ, cần phải hỗ trợ để cho nền kinh tế. Đó là vấn đề chúng tôi rất lo ngại”, ông Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Hơn ai hết, DN đang cảm nhận rõ rệt nhất những khó khăn phải đối mặt. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, năm 2022, ngành điện tử đạt kim ngạch xuất khẩu 114,4 tỷ USD, tăng khoảng 6% so năm 2021 và chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu không có công nghiệp điện tử, Việt Nam có lẽ sẽ nhập siêu.

Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm nay, bà Hương thông tin: nhiều DN nói khả năng đến tháng 6 hết sạch đơn hàng, một số DN đã giảm đơn hàng từ cuối năm ngoái. Đến nay, nhiều DN cho biết đã cắt giảm lao động, cho người lao động nghỉ việc luân phiên.

Đáng lo ngại, chia sẻ với VnBusiness, đại diện VEIA cho hay, thông tin của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về việc nhiều DN lớn bán tài sản là hoàn toàn chính xác. “Trong nhóm của chúng tôi, có DN sản xuất điện tử đã thông báo dừng sản xuất, giao bán toàn bộ máy móc thiết bị. Trước sự sụt giảm đơn hàng quá lớn, nhiều DN đang rất lúng túng, chưa có giải pháp duy trì hoạt động trong thời gian tới”, bà Hương lo lắng.

Trong khi đó, dự báo năm 2023 có 4 “tăng” tiêu cực mà ngành điện tử phải đối mặt, đó là tính không chắc chắn gia tăng như chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai; lạm phát và lãi suất tăng; rủi ro tài chính tăng; rủi ro an ninh chuỗi cung ứng tăng (năm nay, DN điện tử đối mặt rủi ro điều chỉnh chuỗi cung ứng, mất đơn hàng).

Bên cạnh đó, 2 từ khóa “giảm” được bà Hương nhắc tới là biên lợi nhuận DN giảm và đà phục hồi kinh tế suy giảm.

Với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành này cũng đang đứng trước thách thức cực kỳ áp lực và khó khăn. Xuất khẩu 4 tháng 2023 chỉ đạt hơn 11,6 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do là tác động tiêu cực từ Fed tăng lãi suất, áp lực tới lạm phát của các nền kinh tế lớn gia tăng; lượng hàng hóa tồn kho của năm 2022 trên toàn cầu còn lớn, nhất là hàng dệt kim, quần áo giá rẻ, ảnh hưởng tới đơn hàng của các nhà mua hàng lớn; sức mua toàn cầu giảm ở thị trường Mỹ, EU…

‘Khoan sức’ cho doanh nghiệp

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường là 77 nghìn DN, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Trong bối cảnh này, Chủ tịch Vitas cho hay, các DN dệt may đang phải chuyển dịch đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, chuyển hướng sang thị trường Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông…

“Đa dạng hóa thị trường là mục tiêu phải đi mà không có hướng đi nào khác để tồn tại trong bối cảnh hiện nay”, ông Giang nhấn mạnh.

Một DN cho biết, khi khó khăn, giải pháp mà họ tính đến là chuyển dịch khách hàng, thị trường, cơ cấu lại sản phẩm. Tuy nhiên, việc chuyển dịch này hoàn toàn không dễ vì liên quan tới dây chuyền, công nghệ; mà khi khó khăn về nguồn lực thì DN không thể thực hiện.

Đại diện VEIA, bà Đỗ Thị Thúy Hương kiến nghị Chính phủ cần có thêm các giải pháp hỗ trợ DN như tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, các khoản vay cũ của DN nên được giãn thời gian trả nợ và giảm lãi suất cho vay.

Về nghĩa vụ của DN với Nhà nước như đóng thuế, bà Hương kiến nghị Chính phủ xem xét cho DN được giãn thời gian đóng từ 6 tháng đến 1 năm để "khoan sức". Mặt khác, giảm chi phí đóng BHXH, hiện nay tỷ lệ đóng BHXH của DN Việt Nam tới 17%, cao hơn nhiều nước trong khu vực như Malaysia 13%, Thái Lan là 5%, Myanmar chỉ 2%.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh còn khá chậm so với nhu cầu. Nguyên nhân một phần do DN còn ngần ngại về việc thanh tra, kiểm tra sau khi nhận hỗ trợ lãi suất, và một phần do quy định điều kiện hỗ trợ là “có khả năng phục hồi” còn chưa rõ ràng.

Trong bối cảnh này, bà Minh cho rằng Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho DN. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực để tạo động lực cho người dân bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điểm quan trọng là các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho DN cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm, bởi đối với DN cần tiếp cận vốn thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Qua tiếp xúc cử tri, nhiều DN cho biết họ phải dùng những đồng dự trữ cuối cùng để trang trải cho hai năm vừa qua, và giờ không còn dư địa nào để làm. Trong khi đó, công tác dự báo, tham mưu, phản ánh chính sách vẫn còn bị động, không kịp thời. Chính phủ cần tập trung phân tích cụ thể hơn vào những vấn đề bất cập, nhất là những yếu kém, tồn tại trong nội tại của nền kinh tế, năng lực điều hành quyết định những vấn đề trước các tình hình huống, không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn ở các bộ, ngành và địa phương.

TS. Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế (VIAC), Đại biểu Quốc hội

Khu vực DN tư nhân ở Việt Nam đang suy yếu, đó là một chỉ báo rất đáng báo động, đặc biệt là trong tháng 1, tháng 2 năm nay. Triển vọng kinh doanh, DN đang trong một thế giới mới 'không có bản đồ', như thuyền đi không có hải trình". Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy các biện pháp phục hồi, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt đẩy mạnh đầu tư công, các chính sách pháp lý, các dự án tài phán tiền tệ cần được thúc đẩy một cách linh hoạt hơn.

Ông Nguyễn Hoài Nam

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

DN thủy sản mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho DN xuất khẩu; rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp để tránh việc người dân phải vay vốn lãi suất vô cùng cao từ bên ngoài do không tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng. Đồng thời, các DN thủy sản cần được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý I-II/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm XK của 6 tháng đầu năm để các DN có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho XK ở các quý tiếp theo trong năm 2023.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-dang-kiet-suc-ngam-ngui-thanh-ly-tai-san-1092478.html