Doanh nghiệp mong chờ giảm thuế VAT

Nếu được tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ giúp doanh nghiệp bớt áp lực tài chính, tăng cơ hội để duy trì ổn định hoạt động.

“Dòng tiền đang cực khó khăn”

Đầu năm ngoái, Công ty Cổ phần May Hồ Gươm tới tấp đơn hàng, công nhân “làm không hết việc” cho đến tận tháng 6. Công ăn, việc làm cho 3.000 lao động được bảo đảm, là một trong những điểm sáng trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp gặp áp lực về tài chính, đơn hàng sau hai năm chống chọi với Covid-19.

Tuy vậy, từ tháng 7.2022 trở đi, đơn hàng dần sụt giảm, kéo dài đến thời điểm này. “Từ đầu tháng 1.2023 đến nay, công ty hầu như không có đơn hàng mới, phải vừa làm vừa chờ việc với khoảng 5 - 10% công nhân tạm nghỉ”, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc cho biết. Theo dự kiến, tình hình sẽ khả quan hơn từ cuối tháng 3 tới, khi dệt may vào thời vụ. Do đó, “chúng tôi đang rất trông chờ những chính sách như giảm 2% thuế VAT hay được chậm đóng bảo hiểm xã hội”, ông Phí Ngọc Trịnh nói.

Khó khăn về đơn hàng, nguồn vốn hiện lan rộng sang nhiều ngành, lĩnh vực, như da giày, gỗ... “Hầu hết doanh nghiệp đều sụt giảm đơn hàng, đặc biệt với hai thị trường Mỹ và EU đang giảm quá nửa. Doanh nghiệp đa phần phải cắt giảm mạnh lao động”, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài xác nhận.

Khó khăn tài chính cũng khiến khoảng 1.000 thành viên Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh rơi vào trạng thái “chậm lại để quan sát”, theo lời ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội. Dù đây không phải là số lượng doanh nghiệp lớn, song đều là những doanh nghiệp mang tính đại diện cho các ngành, lĩnh vực và có sức trẻ, luôn tràn đầy nhiệt huyết để cống hiến. “Dòng tiền đang cực khó khăn nên chúng tôi rất trông đợi bất cứ giải pháp nào, bao gồm về thuế như giảm 2% thuế VAT”, ông Phạm Phú Trường chia sẻ.

Doanh nghiệp đang rất trông chờ được tiếp tục giảm thuế VAT
Nguồn: ITN

Giảm thuế để “giải bài toán khó một cách thiết thực nhất”

Tiếp tục giảm thuế VAT 2% trong năm 2023 cũng là đề xuất được chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đề xuất thời gian qua.

Mới nhất, Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính tham gia ý kiến về dự thảo Nghị định Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023.

VTCA cho biết nhận được nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội đánh giá rất cao tính hiệu quả của các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, đặc biệt là giải pháp giảm thuế suất thuế VAT. Do đó, VTCA đề nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn kinh tế, tài chính trong năm 2023 mà dự kiến sẽ còn khó khăn hơn năm 2022. Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội để tiếp tục áp dụng biện pháp giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% áp dụng trong năm 2023, Hội Tư vấn thuế Việt Nam kiến nghị.

Trước đó, Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc gia hạn chính sách thuế VAT 2% đến năm 2023. Theo hiệp hội, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức trong năm 2022 nhưng các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm thành phố vẫn cố gắng duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động, cung ứng đầy đủ thực phẩm thiết yếu cho xã hội. “Thành quả này là nhờ Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo và chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt chính sách giảm thuế VAT 2%”.

FFA cho rằng, qua trao đổi, tiếp xúc với doanh nghiệp hội viên cho thấy, “các doanh nghiệp vẫn rất căng kéo, rất dễ bị tổn thương và tình hình chưa thực sự ổn định”. Vì thế, cần tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% trong năm nay để tiếp thêm động lực giúp doanh nghiệp trong ngành thực phẩm “giải bài toán khó hiện nay một cách thiết thực nhất”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng thể hiện quan điểm ủng hộ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong năm nay. Lý do bởi doanh nghiệp và người dân vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn sau đại dịch, nguy cơ lạm phát vẫn rất căng. Thêm vào đó, thực tế đã chứng minh trong các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế thì chính sách này phát huy hiệu quả cao nhất, đi vào thực tế nhanh nhất, cả người dân và doanh nghiệp được hưởng trực tiếp nhất.

Theo các chuyên gia, việc giảm thuế VAT còn mang tới hiệu ứng tăng thu, trước mắt làm giảm nguồn thu ngân sách nhưng lại kích thích hoạt động sản xuất tiêu dùng, người dân có thể đóng thuế nhiều hơn. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2022, tổng số thuế miễn, giảm khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến, trong đó giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng; trong khi đó, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021.

Hiện, các chủ doanh nghiệp như ông Phí Ngọc Trịnh, ông Phạm Phú Trường đang rất trông chờ vào quyết định tiếp tục giảm thuế VAT. “Trong lúc này, nếu giảm được một đồng thuế đồng nghĩa sẽ tăng cơ hội để doanh nghiệp trụ lại, duy trì ổn định hoạt động”, ông Phạm Phú Trường phát biểu.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/doanh-nghiep-mong-cho-giam-thue-vat-i316543/