Doanh nghiệp phát triển bền vững 'ẵm' giải nơi làm việc tốt nhất
Với 'kiềng 3 chân' gồm Cải thiện sức khỏe, điều kiện sống; giảm một nửa tác động đến môi trường; nâng cao chất lượng cuộc sống, Unilever đang thực hiện kế hoạch phát triển bền vững. Doanh nghiệp này cũng vừa đạt Top 1 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024.
Công ty Anphabe và Intage mới đây đã công bố danh sách Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024.
Đây là năm thứ 11 danh sách này được công bố và năm thứ 2 áp dụng cách phân loại theo các nhóm Top 1, Top 10, Top 20 và Top 50. Việc chia top này, theo Anphabe, nhằm ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp trong xây dựng môi trường làm việc lý tưởng.
Unilever Việt Nam giữ vị trí số 1 trong khối doanh nghiệp lớn, nhờ triết lý "con người là cốt lõi của kinh doanh". Đơn vị khảo sát đánh giá Unilever Việt Nam là nơi có môi trường làm việc cởi mở, chú trọng các chương trình học tập suốt đời vì mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Cải thiện sức khỏe, điều kiện sống cho hơn 20 triệu người; giảm một nửa tác động đến môi trường cho đến năm 2030 và nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam là 3 trụ cột chính trong kế hoạch phát triển bền vững của Unilever. Đây cũng là hệ thống “kiềng ba chân” giúp doanh nghiệp FDI top đầu Việt Nam này luôn vững vàng, kiên định, đồng hành cùng quốc gia hình chữ S suốt 25 năm qua.
Trong giai đoạn 10 năm thực hiện kế hoạch phát triển bền vững, Unilever hiểu được rằng sự phát triển của con người phải gắn chặt đến thiên nhiên, môi trường, đây cũng chính là “xương sống” của doanh nghiệp. Trước khi bước sang kỷ nguyên mới, hiện thực hóa mục tiêu giảm một nửa tác động đến môi trường vào năm 2030, tập đoàn FDI này đã có thể tự hào khi nhìn lại những thành quả đạt được trong nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy trách nhiệm.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đã chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo và giảm 43% lượng nước. Toàn bộ hệ thống nhà máy Unilever tại Việt Nam không có rác thải độc hại phải chôn lấp và đã trung hòa được lượng carbon phát sinh.
Song song, tất cả bao bì của công ty đều có thể tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy nhanh giảm tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, công ty kỳ vọng có thể thu gom, tái chế bao bì nhiều hơn số lượng sản xuất ra. Thực tế, 70% bao bì bao gồm 35% nhựa PCR công ty sử dụng cho quá trình sản xuất đều có thể tái chế - điều không phải bất kỳ “ông lớn” nào cũng có thể làm được, nếu không đặt nhiều tâm huyết. Trong giai đoạn tiếp theo, công ty sẽ cắt giảm 50% lượng nhựa nguyên sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh với 1/3 cắt giảm tuyệt đối và phần còn lại được thay thế bằng nhựa tái chế PCR.
Theo đó, Unilever Việt Nam huy động các doanh nghiệp chung chí hướng cùng phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện 4 nội dung chính: Nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn; hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa; tăng cường đổi mới công nghệ, giải pháp tái chế rác thải nhựa; tăng cường đối thoại, xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến các chương trình hỗ trợ cộng đồng, Unilever đều cho thấy nỗ lực thể hiện trách nhiệm đối với bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân. Công ty cũng sẽ khẳng định mạnh mẽ hơn về tầm nhìn trở thành một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Khảo sát nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024 được đo lường từ đánh giá của hơn 700 doanh nghiệp, 65.000 người đi làm có kinh nghiệm trong 18 lĩnh vực, ngành nghề.
Năm nay, khảo sát cũng mở rộng, phỏng vấn chuyên sâu 253 CEO, giám đốc nhân sự và thực hiện dựa trên mô hình 5 giai đoạn thu hút nhân tài (nhận biết, quan tâm, ứng tuyển, khát khao và ưu tiên chọn). Điều này giúp các doanh nghiệp đo lường điểm mạnh, yếu và cải thiện chiến lược thu hút, giữ chân nhân tài.
Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam là bảng xếp hạng môi trường làm việc thường niên, có sự bảo trợ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Mô hình và phương pháp đánh giá được kiểm chứng bởi công ty nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam.