Doanh thu kinh tế số nửa đầu năm 2025 đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng

Thông tin trên được đưa ra tại phiên họp lần thứ ba sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, diễn ra ngày 20/7.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Theo báo cáo từ Bộ Khoa học và Công nghệ, 6 tháng đầu năm 2025, các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành 76 trong số 106 nhiệm vụ theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 16 dự án luật và 3 nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, 21 nghị định đã được ban hành, tập trung tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy các lĩnh vực liên quan. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục công nghệ chiến lược quốc gia, bao gồm 11 nhóm công nghệ cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, bán dẫn, robot và an ninh mạng.

Về hạ tầng, tốc độ mạng di động và cố định của Việt Nam lần lượt xếp thứ 20 và 26 thế giới, cải thiện rõ rệt so với cuối năm 2024. Trong 6 tháng qua, số trạm 5G trên toàn quốc đã tăng thêm hơn 4.200, nâng tổng số lên 12.106 trạm. Hai tuyến cáp quang biển mới đi vào hoạt động, giúp tăng gấp đôi dung lượng cáp quang biển quốc tế của Việt Nam.

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trong tháng 6/2025 đạt 39,51%, trong đó khối Bộ ngành đạt hơn 51% và khối tỉnh thành đạt hơn 15%.

Về kinh tế số, doanh thu nửa đầu năm nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Việt Nam hiện có gần 76.000 doanh nghiệp công nghệ số, riêng trong tháng 5/2025 đã có thêm 739 doanh nghiệp mới thành lập.

Đến hết tháng 6/2025, có khoảng 20 triệu chứng thư chữ ký số được cấp, tăng gần 47% so với cuối năm 2024. Tỷ lệ người trưởng thành sở hữu chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt khoảng 33%, tăng 11 điểm phần trăm so với năm trước.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, quá trình triển khai vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long, hiện vẫn còn 30 nhiệm vụ quá hạn trong số 106 nhiệm vụ được giao. Sau 6 tháng, vẫn còn 11 Bộ, ngành chưa đăng ký nhu cầu kinh phí triển khai các nền tảng số quốc gia và nền tảng dùng chung.

Cùng với đó, việc đăng ký vốn triển khai Nghị quyết 57 còn dàn trải; thiếu các nhiệm vụ ưu tiên cho chuyển đổi số phục vụ chính quyền địa phương; nhiều nhiệm vụ còn mang tính hình thức, chưa rõ đầu ra.

Khẩn trương phủ sóng 238 thôn, bản vùng lõm sóng

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2025, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 286 nhiệm vụ, giải pháp. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ quá hạn, nghiêm túc thực hiện báo cáo tiến độ trên hệ thống điện tử, không để tồn đọng kéo dài.

Bộ Khoa học và Công nghệ được giao tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là xác định ít nhất từ 1-3 công nghệ và sản phẩm chiến lược có tính cấp thiết, có thể triển khai ngay trong tháng 8/2025. Đồng thời, xây dựng phương án tổ chức lại các tổ chức khoa học công nghệ theo hướng tinh gọn, ưu tiên đầu tư cho các tổ chức khoa học công nghệ mạnh; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Ngoại giao triển khai thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ lõi, then chốt.

Trong lĩnh vực chuyển đổi số, một nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phủ sóng các khu vực còn lõm sóng và đẩy nhanh triển khai mạng 5G. Theo chỉ đạo, VNPT phải hoàn thành hạ tầng viễn thông tại 238 thôn, bản đã có điện nhưng chưa có sóng trước ngày 31/8/2025 và phải phát sóng chậm nhất vào tuần thứ hai của tháng 9 năm nay. Với 117 thôn, bản chưa có điện, EVN xây dựng phương án cấp điện, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng đồng bộ, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/11/2025.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ trình Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp viễn thông từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Về cải cách thủ tục hành chính, các Bộ, ngành được giao phải rà soát 1.139 thủ tục để cắt giảm hồ sơ, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa và cung cấp toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến tại chính quyền địa phương hai cấp theo mô hình triển khai tập trung. Mục tiêu là bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trước ngày 1/1/2026.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-thu-kinh-te-so-nua-dau-nam-2025-dat-gan-23-trieu-ty-dong-43974.html