Độc đáo lễ hội ở Đồng Nai

Là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, làng nghề đặc sắc, mỗi năm tại Đồng Nai diễn ra hàng trăm lễ hội thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.

Các cỗ bánh trong lễ hội cúng chợ An Hòa (P.An Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: Bảo tàng Đồng Nai

Các cỗ bánh trong lễ hội cúng chợ An Hòa (P.An Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh: Bảo tàng Đồng Nai

Bên cạnh các lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm như: Sayangva, Sayangbri (người Chơro); Lồng tồng (người Tày, Nùng); lễ hội kỳ yên đình Tân Lân; lễ hội làm chay của người Hoa; lễ hội miếu ông Đá; lễ hội chùa Ông; lễ hội di tích lịch sử danh lam thắng cảnh núi Chứa Chan…, trên địa bàn Đồng Nai còn diễn ra nhiều lễ hội độc đáo. Trong đó phải kể đến như: lễ hội cúng chợ; lễ cúng Tiên sư nhà Võ (xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch); lễ hội cúng đình của người Mường; lễ hội trái cây Long Khánh; lễ hội đền thờ mẫu...

* Niềm tự hào của vùng đất…

Cùng với sự ra đời của làng Phước Thiền thì một số thiết chế làng xã: đình, miếu, nhà Võ cũng lần lượt được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian của cộng đồng dân cư. Sách nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn của GS Nguyễn Đình Đầu có ghi: Vào năm 1917, Tổng thành Tuy Thượng thuộc tỉnh Biên Hòa có 16 thôn (làng), trong đó có Phước Thiền. Còn trước đây Phước Thiền không thấy ghi ở Địa bạ của tỉnh Biên Hòa. Vì thế có thể hiểu rằng nhà Võ được ra đời trong khoảng thời gian trên.

Nguyên thủy nhà Võ ở xã Phước Thiền trước đây chỉ thờ Tiên sư, về sau Ban tế tự nhà Võ còn phối thờ các vị Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền, Thổ công. Hàng năm vào tháng Giêng, các nhà Võ đều tổ chức lễ cúng Tiên sư (gồm 2 nghi lễ chính: Lễ cúng Tiên sư và lễ đưa khách) cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Lễ vật dâng cúng là: thịt heo, chè, xôi, bánh, trái cây, nhang đèn… và một con thuyền bằng giấy, kết bè chuối do Ban tế tự ở nhà Võ chuẩn bị và trang trí. Lễ đưa khách phải được cử hành theo con nước để cho thuyền trôi đi ra khỏi làng một cách nhanh chóng.

Hàng năm, Đồng Nai có hơn 350 lễ hội được tổ chức gồm: truyền thống, ngành nghề và văn hóa. Một số lễ hội lớn thực hiện việc đăng ký tổ chức, các lễ hội còn lại tổ chức theo hình thức thông báo với chính quyền địa phương.

Lễ hội cúng đình của người Mường diễn ra tại đình Tân Lập, đình Phú Thọ của xã Phú Túc (H.Định Quán). Cả 2 ngôi đình đều hình thành gắn liền với quá trình di cư của người dân từ các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Lạng Sơn vào Đồng Nai sinh sống. Hàng năm, diễn ra nhiều lễ cúng như: lễ khai hạ (7 tháng Giêng), lễ rửa lá lúa (7-7 âm lịch) và lễ mừng cơm mới (10-10 âm lịch). Tuy nhiên, sự khác nhau trong lễ hội, ở đình Tân Lập khi cúng phải mời thầy mo; đình Phú Thọ do già làng thực hiện. Kinh phí duy trì hoạt động của đình và tổ chức các lễ hội truyền thống chủ yếu được người dân và mạnh thường quân chung tay đóng góp.

Cúng chợ là một trong những lễ hội truyền thống thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, nhất là những người buôn bán tại chợ. Hiện nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn duy trì lễ hội cúng chợ thường niên. Chẳng hạn: chợ Long Thọ (xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch) tổ chức vào tháng 7 âm lịch; chợ Bến Cá (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) tổ chức vào tháng 8 âm lịch; chợ An Hòa (P.An Hòa, TP.Biên Hòa) tổ chức vào tháng 10 âm lịch. Đây là nét văn hóa đã được truyền lại từ rất lâu đời, hiện vẫn được người dân vẫn duy trì lễ cúng với đầy đủ nghi thức, tạo tính nghiêm trang trong phần lễ và không khí vui tươi trong phần hội.

* Phát huy giá trị lễ hội

Theo Phòng Văn hóa - thông tin TP.Long Khánh, trong 5 năm thực hiện Nghị định số 110-2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, thành phố đã duy trì, tổ chức nhiều lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực để tổ chức lễ hội; công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ được đặc biệt quan tâm. Trong phần hội, đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân, tạo không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, phấn khởi, mang lại hiệu quả xã hội tích cực. Các đình miếu, chùa chiền, cơ sở thờ tự của các tôn giáo trên địa bàn đều thành lập ban trị sự, hoạt động tế lễ nề nếp, đúng với quy định.

Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Long Khánh Trương Thị Hương cho biết, nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn được tổ chức lớn, phần lễ trang trọng, linh thiêng và thành kính; phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng ở địa điểm tổ chức lễ hội vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ không gian cho người tham gia. Riêng lễ hội trái cây Long Khánh được tổ chức hàng năm, tạo sự đột phá trong quảng bá những tiềm năng thế mạnh cũng như hình ảnh du lịch của TP.Long Khánh.

Hàng năm, Sở VH-TTDL tổ chức các đợt tập huấn công tác quản lý nhà nước về lễ hội cho cán bộ, công chức, viên chức phụ trách văn hóa, ban trị sự các đình, miếu của 11 huyện, thành phố. Bên cạnh đó, Sở đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội, kịp thời chấn chỉnh những hoạt động lễ hội tự phát. Qua đó, đảm bảo nội dung của lễ hội diễn nghiêm trang, giữ được nét đẹp văn hóa, lồng ghép giới thiệu các sản phẩm truyền thống như: ẩm thực, nông nghiệp, nghề thủ công… tạo sự phong phú, hấp dẫn cho nhân dân và du khách.

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị định số 110-2018/NĐ-CP của Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, lồng ghép thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội vào các nội dung của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Bên cạnh đó, kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội; mở rộng giao lưu, học tập kinh nghiệm tổ chức lễ hội từ những mô hình tiêu biểu của các tỉnh bạn.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202305/doc-dao-le-hoi-o-dong-nai-3165290/