Độc đáo tiếng khèn Mông ở Xuân Lập

Người Mông thổi khèn để biểu lộ tâm tư, tình cảm của mình. Nghe tiếng khèn, người Mông như quên đi bao vất vả, lo toan của cuộc sống. Hình ảnh những cô gái người dân tộc Mông ở xã Xuân Lập (Lâm Bình) rực rỡ trong váy hoa, những chàng trai nhảy múa trong tiếng khèn dìu dặt, tha thiết như muốn níu chân chúng tôi lại nơi này.

Một mùa Xuân mới đã đến với bà con dân tộc Mông, xã Xuân Lập. Đây là lúc tiếng khèn được cất lên, vang vọng khắp núi rừng. Từ xa xưa, người Mông đã dùng tiếng khèn để thổ lộ tâm tư tình cảm, làm cầu nối trong những buổi đầu gặp gỡ. Mỗi dịp Tết đến, xuân về trên khắp các bản làng, người Mông thường mở các lễ hội để những chàng trai, cô gái xúng xính trong bộ quần áo màu sắc sặc sỡ cùng nhau đi hội xuân. Đây cũng là dịp các chàng trai Mông biểu lộ tiếng lòng của mình với người con gái mình “thầm yêu trộm nhớ” qua tiếng khèn du dương; là cơ hội để trai gái trao gửi tâm tình giữa khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên tươi đẹp.

Chúng tôi tìm đến nhà của ông Giàng Seo Nhù, người dân tộc Mông ở thôn Khuổi Củng. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gỗ, ông Giàng Seo Nhù nói về cây khèn Mông, ý nghĩa của khèn trong đời sống tinh thần của người Mông. Ông vào nhà lấy cây khèn ra và thổi cho chúng tôi nghe khúc nhạc vui tươi mang ý nghĩa chào mừng khách đến. Đối với người Mông, cây khèn được xem là tài sản quý trong nhà, vì thế, khèn được treo ở góc cao và trang trọng nhất.

Anh Giàng Mí Cù, thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập biểu diễn tiết mục múa khèn Môngtại Ngày hội Văn hóa các dân tộc xã Xuân Lập.

Ông Nhù cho biết, khèn Mông thường được sử dụng trong tang ma và những ngày hội vui của bản làng. Trong tang ma, tiếng khèn cất lên nghe trầm buồn, da diết. Theo quan niệm của người Mông, tiếng khèn nhằm dẫn đường, chỉ lối và tiễn biệt người chết về với ông bà tổ tiên. Trong đám tang, người ta có thể thổi khèn nhiều lần: Vào 3 bữa cơm chính (sáng, trưa, tối), hay mỗi khi giết một con vật để cúng cho người chết. Trong những ngày hội, chàng trai Mông vừa thổi, vừa múa khèn và những cô gái Mông lại rực rỡ váy hoa bên những điệu nhảy mềm mại, sôi nổi. Tiếng khèn dìu dặt, tha thiết, vui tươi hòa trong vị cay nồng của chén rượu ngô như làm say lòng những ai một lần được thưởng thức.

Thổi khèn và múa khèn với người đàn ông Mông không chỉ là để giải tỏa tâm tư, tình cảm mà còn là để thể hiện tài nghệ của mình. Người biết dạy cho người chưa biết, người thổi giỏi, múa để người chưa giỏi học theo. Cây khèn của người Mông được cấu tạo bởi 2 bộ phận chính là thân khèn và ống khèn. Thân khèn làm bằng gỗ pơmu, dài khoảng 70 cm, bên trong có lưỡi gà bằng đồng để tạo ra âm thanh. Ống khèn là bộ phận điều chỉnh và trực tiếp phát ra âm thanh gồm 6 ống tre có độ lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau, đồng thời, mỗi ống có một lỗ điều chỉnh âm điệu. Để làm được cây khèn vừa đẹp về hình thức vừa cho âm thanh tốt, chuẩn đòi hỏi kỹ thuật chế tác rất cầu kỳ và lựa chọn vật liệu kỹ càng. Bởi vậy, chàng trai Mông chỉ cần học thì cũng có thể biết thổi và làm khèn, nhưng làm khèn giỏi thì không có mấy người.

Anh Giàng Mí Cù, thôn Khuổi Trang, năm nay 26 tuổi đã theo các già làng người dân tộc Mông trong thôn, trong xã để học thổi khèn và làm khèn từ năm 10 tuổi. Anh Cù chia sẻ, đến nay anh đã biết làm khèn Mông và thổi thành thạo nhiều bài hát. Vì vậy, anh luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở thôn, xã. Ngoài ra, chàng trai nào chưa biết thổi khèn hay muốn học làm khèn Mông anh sẵn sàng hướng dẫn.

Hiện nay, mỗi dịp Tết đến, xuân về, hay trong những ngày hội của người dân nơi đây, tiếng khèn Mông, những điệu múa khèn lại được cất vang khắp các bản làng. Tiếng khèn không chỉ là bản sắc văn hóa, mà còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến với địa phương. Chị Nguyễn Thanh Hồng, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) hào hứng nói: Năm nay, mình có dịp đến thôn Khuổi Trang thăm gia đình người bạn, đúng vào dịp xã tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc. Đến đây, mình không chỉ được ngắm cảnh quan kỳ vỹ mà còn được hòa mình vào thế giới của tiếng khèn bởi tài nghệ của các chàng trai Mông. Với những bản tình ca trên núi du dương, dìu dặt trong ngày hội, tiếng khèn Mông thực sự làm mình thích thú và ấn tượng.

Trong thời gian tới, để đáp ứng nguyện vọng của người dân, UBND xã sẽ phối hợp tổ chức các lớp học về khèn Mông tại địa phương. Trong đó, mời nghệ nhân là những người am hiểu về loại hình này truyền dạy cho học viên, đặc biệt là các bạn trẻ. Từ đó góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/doc-dao-tieng-khen-mong-o-xuan-lap-129003.html