Độc đáo ứng xử 'người nhân văn' của trường nhân văn
'Người nhân văn' của Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đề cao văn hóa ứng xử giữa sinh viên với sinh viên, giảng viên với sinh viên và ngược lại.
“Người nhân văn” là gì
“Người nhân văn” là người học, viên chức, lao động và các cá nhân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Bộ quy tắc "người nhân văn" quy định về trang phục, tác phong nơi làm việc, học tập; Ứng xử trong quá trình làm việc, học tập; Ứng xử trên không gian mạng; Ứng xử tại nơi công cộng và nơi cư trú; Ứng xử của người học và ứng xử của viên chức và người lao động.
Theo bộ quy tắc “Người nhân văn”, khi làm việc, học tập tham gia các hoạt động tại trường, người nhân văn phải có trang phục kín đáo, lịch sự, phù hợp với môi trường giáo dục.
"Người nhân văn" phải có tác phong làm việc, học tập chuyên nghiêm túc, sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, rõ ràng. "Người nhân văn" phải có thái độ thân thiện, văn minh, tôn trọng người khác. Không uống rượu, bia hoặc đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc.
Ứng xử trong quá trình học tập, làm việc, họ phải chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước, quy định của nhà trường. "Người nhân văn" có ý thức tự giác, tự học và tích cực chủ động trong học tập, làm việc. Thêm vào đó họ phải xây dựng và phát triển ý thức phục vụ cộng đồng, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của xã hội. Đối với khách đến thăm và công tác… "người nhân văn" phải hòa nhã, cởi mở, lịch thiệp khi giao tiếp, san sẻ, giúp đỡ, hướng dẫn giải quyết trong khả năng.
"Người nhân văn" tôn trọng sự khác biệt
Hai chủ thể chính trong trường đại học là giảng viên và người học. "Người nhân văn" đã đặt ra quy định cho hai đối tượng này.
Theo đó, người học phải sử dụng ngôn ngữ đúng mực, thân thiện, đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện và phục vụ cộng đồng. Người học tôn trọng thầy cô, đội ngũ phục vụ, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân.
Đặc biệt, người học không tạo ra và lan truyền thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đoàn thể; Không tham gia và kích động, dụ dỗ người khác tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, giảng viên nhân văn cũng phải sử dụng ngôn ngữ đúng mực trong giao tiếp ứng xử; không có ngôn ngữ, hành vi xúc phạm người khác. Giảng viên phải lắng nghe, trao đổi và phối hợp trong quá trình thực hiện công việc để giải quyết công việc hiệu quả, không có hành vi, ngôn ngữ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác.
Ngoài ra, chính họ phải có ý thức giữ gìn danh dự, đạo đức nhà giáo; tôn trọng, bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của bản thân và người khác; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bản thân và cá nhân, cơ quan, tổ chức, đoàn thể; Có tinh thần hợp tác, tương trợ, không gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ; không gây bè phái, mất đoàn kết nội bộ ở cơ quan, tổ chức, đoàn thể.
Vì sao có quy tắc “người nhân văn”
Bộ quy tắc “Người nhân văn” của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM nhận được nhiều phản hồi tích cực của sinh viên. Trên fanpage trường, sinh viên cho rằng trong bối cảnh hiện nay, “Người nhân văn” hợp tình, hợp lý, trong việc xây dựng văn hóa ứng xử trường học.
Quy tắc người nhân văn được áp dụng đối với người học, viên chức và người lao động của trường.
Phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, sở dĩ nhà trường ban hành bộ quy tắc này nhằm điều chỉnh cách ứng xử của người học, viên chức và người lao động của Nhà trường phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục của dân tộc, đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của nhà trường.
Mặt khác, điều này cũng góp phần xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; đảm bảo sự liêm chính, chuyên nghiệp, phù hợp với trách nhiệm, nghĩa vụ của người học, viên chức và người lao động.
Thứ ba nữa là ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi ứng xử tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong nhà trường.
Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để thực hiện việc giám sát, đánh giá việc chấp hành quy tắc ứng xử của người học, viên chức và người lao động; là căn cứ để xem xét, quyết định việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật đối với người học, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật.